Top

Nhà thi đấu thể thao dưới nước và SVĐ Olympic Bắc Kinh 2008

Cập nhật 19/10/2007 08:20

Không còn bao lâu nữa thế giới có thể được cùng Trung Quốc bước vào thế vận hội Olympic 2008. Với vinh dự được tổ chức một sự kiện thể thao quan trọng, Trung Quốc có lẽ sẽ không làm thất vọng những người mong chờ đến thế vận hội bằng hai tuyệt tác kiến trúc là Sân vận động Olympic và Nhà thi đấu thể thao dưới nước.

Không ít những công trình vĩ đại trên thế giới được tạo ra với những hình dạng sáng tạo đến lạ kì, và hai công trình này cũng không nằm ngoài sự sáng tạo đó.



Mô hình bể bơi trong nhà và sân vận động chính tại Bắc Kinh.


Sân vận động Olympic

Không còn là những hình ảnh đã quen thuộc với mọi người, SVĐ được thiết kế dựa trên những cảm hứng đầy ngẫu hứng từ thiên nhiên, hai kiến trúc sư Jacques Herzog và Pierre de Meuron đã tạo ra một kiến trúc kết hợp được yếu tố thực tế với một thế giới ảo hiện đại, đã tiến gần đến thế giới của không gian ba chiều.

Cách điệu từ một kiểu thiết kế “đan, dệt”, cộng với ý tưởng về việc đưa hình ảnh của đời sống thường nhật vào tác phẩm của mình, hai kiến trúc sư đã vẽ nên một tác phẩm dường như không tuân theo một quy tắc toán học nào, cũng chẳng có các trụ cột khổng lồ chống đỡ, bởi cả một khối đan xen này được hình thành từ những “cọng mây” đều nhau và đan chéo nhau một cách đồng nhất từ mặt đất lên đến đỉnh.

Với diện tích công trình là 20,29 hecta, trong đó diện tích sử dụng là 258.000m2, chiều dài công trình là 320m, cao 69m, có sức chứa 91.000 người đã không tạo ra cảm giác đồ sộ kềnh càng mà như một bức tranh vẽ. Người ta xem đây là nơi hội tụ cảm nhận thẩm mỹ về thiên nhiên và con người vì được vay mượn từ hình ảnh chiếc tổ chim – cảm hứng thiên nhiên và hình ảnh của chiếc giỏ mây thủ công mỹ nghệ ra đời từ những góp nhặt của cuộc sống bình dị đời thường, kết hợp sự uyển chuyển, mềm mại của nghệ thuật kiến trúc Trung Hoa.



Sơ đồ Sân vận động Bắc Kinh.



Cận cảnh công trình Sân vận động Olympic Bắc Kinh 2008.




Kiến trúc “dây bện” đan chéo nhau vừa giới hạn được
một không gian rộng lớn bên trong, vừa mở ra được
với không gian bên ngoài qua một lớp “vỏ mây” hở.




Phần khung bao bọc là một cấu trúc chịu lực,
được làm “giãn” ra bằng những chỗ bậc thang.


Chủ công trình: National Stadium Co. Ltd, Bắc Kinh.
Kiến trúc sư: Jacques Herzog và Pierre de Meuron, Harry Gugger.
Trưởng dự án: Stefan Marbach, Jean-Paul Jaccaud.
Đồ án thiết kế tổng hợp và kiến trúc khu thể thao: China Architecture Design & Research Group, Bắc Kinh, Trung Quốc; Ove Arup & Partners Hong Kong LTD, Cửu Long, Hong Kong; Arup Sports, London, vương quốc Anh.
Thiết kế hình ảnh 3d: Artefactory, Paris, Pháp

Nhà thi đấu thể thao dưới nước Watercube

Nằm cạnh SVĐ Olympic Bắc Kinh, Watercube là một công trình xây dựng toát lên một dáng dấp chắc gọn, nhưng thanh thoát và sáng lấp lánh, là hình ảnh của một khối kiến trúc hoàn chỉnh và duy nhất. Lấy cảm hứng từ hình ảnh của một lớp bọt nước, các kiến trúc sư người Úc thuộc PTW Architects cùng với các kỹ sư của tập đoàn Arup đã vẽ nên vóc dáng công trình này và người ta gọi đây là khối nước hư ảo.

Đằng sau một vẻ ngoài dường như dễ vỡ là một khối hình học chặt chẽ và chắc nịch như chúng ta thường bắt gặp trong tự nhiên qua các dạng cấu trúc tinh thể, cấu trúc tế bào hay phân tử… Ý tưởng chủ đạo được thể hiện ở đây là một công trình có một độ trong suốt cần thiết và được thể hiện qua kỹ thuật trải EFTE (expanded polytetrafluoroethylene).

Với những ưu điểm của chất liệu, các kiến trúc sư đã tạo ra những khối đệm hơi bằng plastic và thiết kế được một cấu trúc mặt tiền hợp nhất. Cả công trình này là một khối kiến trúc mở, sẽ giúp tận dụng tối đa nguồn năng lượng tĩnh để sưởi phần không gian nội thất và các khu vực bể nước.


Trung tâm bơi lội Olympic quốc gia Bắc Kinh
 nổi lên như một khối bọt nước hư ảo.



Khu thể thao dưới nước có nhiều chức năng khác nhau
và mang dáng vẻ của một trung tâm thương mại.




Bản vẽ mặt bằng Watercube - trung tâm bơi lội
phục vụ cho Olympic Bắc Kinh 2008.


Chủ đầu tư: Peoples Government of Beijing, Beijing state-owned assets management Co. Ltd.
Phụ trách thiết kế: PTW.
Kiến trúc sư: John Bilmon, Mark Butler, Chris Bosse.
Thiết kế: Zhao Xiaojun, Wang Min, Shang Hong.

Theo Sài Gòn Tiếp Thị