Top

Carthage – Viên ngọc quý của Tunisia

Cập nhật 16/04/2008 10:27

Carthage (tiếng Hy Lạp là Karkhēdōn, tiếng La-tinh: Carthago, từ Qart-adat trong tiếng Ả Rập có nghĩa là: Thành phố mới) vừa để chỉ một thành phố cổ ở Tunisia vừa chỉ phạm vi ảnh hưởng của nền văn minh phát triển bên trong thành phố này.

Thành phố Carthage nằm về phía Đông Hồ Tunis, cắt ngang qua trung tâm của Tunis. Theo truyền thuyết, nó được tìm thấy bởi người Phê-nê-xi dưới sự dẫn đầu của Elissa (Nữ hoàng Dido) và trở thành một thành phố giàu mạnh nhất vùng Địa Trung Hải cho đến khi bị phá hủy vào năm 146 TCN trong Chiến tranh Punic Thứ ba. Dù trung tâm văn hóa Punic bị phá hủy, nó vẫn tiếp tục phát triển trong sự lệ thuộc đế quốc La Mã. Người La Mã đã xây dựng lại Carthage và nó trở thành một trong ba thành phố quan trọng nhất của đế quốc này, kéo dài cho đến khi bị chinh phục bởi người Hồi giáo Ba Tư và bị phá hủy lần thứ hai vào năm 698. Ngày nay, Carthage là một vùng ngoại ô của Tunis.



Carthage nằm trên một mũi đất bên một vịnh nhỏ dẫn ra biển. Vị trí này giúp Carthage làm chủ Địa Trung Hải trong ngành mậu dịch đường biển. Mọi tàu đi ngang qua đây phải đi qua giữa Sicily và bờ biển của Tunisia, nơi có thành phố Carthage, đã đem lại sự giàu có và tầm ảnh hưởng cho thành phố này. Tại đây, hai bến cảng đã được xây dựng, một là chỗ neo đậu chiến hạm của hải quân  và thành phố này được bao quanh bởi bức tường lớn dài 37 km, dài hơn những bức tường của những thành phố có thể so sánh được. Hầu hết tường được xây dựng trên bờ, và do đó những thế lực bên ngoài khó có thể tấn công vào.

Trong thành phố có một nghĩa địa lớn, khu vực dành cho tôn giáo, những khu chợ, nhà hội đồng, những tháp, một nhà hát và được chia thành những khu dân cư có kích thước bằng nhau với diện mạo giống nhau. Giữa trung tâm thành phố có một bức tường cao được gọi là Byrsa. Nó là một trong những thành phố lớn nhất vào thời cổ Hy Lạp và là một trong những thành phố lớn nhất vào thời thời tiền công nghiệp.



Nhiều nhà nghiên cứu tỏ ra nghi vấn về lịch sử của thành phố này vì hầu hết nền văn minh của nó cũng như những bản ghi chép đã bị phá hủy trong cuôc chiến tranh Punic Thứ ba, rất ít nguồn tài liệu về lịch sử của Carthaginia còn tồn tại. Có vài bản dịch cổ của Punic được dịch thành tiếng Hy Lạp và tiếng La-tinh, cũng như chữ khắc trên những tượng đài và những tòa nhà được khám phá tại Bắc Phi. Tuy nhiên, những bản chính lại do các sử gia người Hy Lạp và La Mã ghi lại, bao gồm Livy, Polybius, Appian, Nepos Cornelius, Italicus Silius, Plutarch, Dio Cassius và Herodotus.



Trong những năm tiếp theo, La Mã tiếp tục chinh phục các quốc gia Hy Lạp ở phía đông. Ở phía tây, họ đàn áp tàn bạo người Iberia và trút thịnh nộ lên đầu người Carthage. Các nhà sử học đã ghi lại lời của một lãnh tụ hàng đầu của La Mã là Cato rằng khi kết thúc một bài phát biểu về bất cứ vấn đề gì, ông này cũng có câu: “Tôi cho rằng phải hủy diệt Carthage”.

Trong nửa đầu thế kỷ thứ 2 trước CN, dù không giành lại được nhiều quyền lực nhưng với các hoạt động thương mại, Carthage cũng đã khôi phục lại nhiều phần sự thịnh vượng trước kia. La Mã càng ngày càng nghi ngờ sự hồi sinh của Carthage và yêu cầu người Carthage từ bỏ thành phố của họ để lùi sâu vào trong lục địa Bắc Phi. Carthage, xứ sở buôn bán phụ thuộc vào giao thương trên biển khước từ yêu cầu này. Viện nguyên lão La Mã tuyên bố chiến tranh. Sau một thời gian bao vây, người La Mã chiếm được thành phố, binh lính La Mã đi từng nhà tàn sát dân cư Carthage. Đây có lẽ là vụ hành quyết có hệ thống đẫm máu nhất trước Thế chiến thứ hai. Những người Carthage còn sống bị bắt và bị bán làm nô lệ. Cảng biển và thành phố bị phá hủy.



Ngày nay, Carthage còn lại là những phế tích của một thành phố cổ, nó nằm ở vùng ngoại ô thủ đô Tunis, Tunisia và là di sản văn hóa thế giới.

Mai Thảo An - DiaOcOnline.vn
Hình:  Xenohistorian