Trước thông tin Kiểm toán Nhà nước vừa công bố con số nợ đọng xây dựng cơ bản (XDCB) của các địa phương lên đến 91.000 tỷ đồng, nhiều ý kiến lo ngại số nợ này không chỉ khiến nhiều DN khốn đốn mà còn khiến nợ xấu không giải quyết được, ảnh hưởng xấu đến an ninh tài chính, an toàn nợ công và tăng trưởng kinh tế bền vững. Tuy nhiên, giải quyết dứt điểm vấn đề nan giải này đang là bài toán khó cho chính quyền các cấp.
Nhiều công trình chậm tiến độ do nợ đọng xây dựng cơ bản. Ảnh: Yên Chi
|
Nhu cầu nhiều, ngân sách có hạn
Theo số liệu của Kiểm toán Nhà nước, có 15/63 địa phương có số nợ đọng đầu tư XDCB đến hết năm 2011 ở mức trên 100% kế hoạch như: Tỉnh Hà Tĩnh 9.696 tỷ đồng (293,4%), Nghệ An 6.316 tỷ đồng (209,3%), Đồng Tháp 3.335 tỷ đồng (254%), Quảng Ninh 3.072 tỷ đồng (116,7%)...
Mặc dù Chính phủ đã ban hành khá nhiều chỉ thị hướng dẫn việc thực hiện vấn đề này (Chỉ thị 27/2012/CT - TTg) nhưng việc giải quyết nợ đọng XDCB vẫn chưa nhiều tiến triển. Đơn cử tại Hà Nội, UBND TP Hà Nội đã có chỉ thị về việc tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ XDCB từ nguồn vốn ngân sách, nhưng theo thống kê mới nhất, sau khi bố trí vốn năm 2013, tính đến tháng 6, tổng số nợ XDCB của 11 huyện, thị xã còn là 722,7 tỷ đồng của 1.100 dự án. Huyện nợ nhiều nhất là Mê Linh (137,6 tỷ đồng); ít nhất là Thanh Oai (6,4 tỷ đồng)...
Phó Trưởng phòng Tài chính và kế hoạch huyện Ba Vì Hoàng Văn Hùng bộc bạch: Nợ XDCB có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là do nguồn thu trên địa bàn huyện (thu ngân sách hàng năm chỉ được 70 tỷ đồng nhưng chi tới 1.300 tỷ đồng) chỉ bảo đảm được 5 - 7% nhiệm vụ chi ngân sách địa phương, do đó không có vốn đối ứng cho các dự án. Để có tiền xây dựng, hầu hết xã phải lấy từ tiền đấu giá đất hoặc từ các nguồn khác nhau, nhưng do bất động sản đang "đóng băng" nên các xã đang rất khó xoay xở.
Tình trạng này cũng diễn ra ở rất nhiều tỉnh, thành khi thực tế cho thấy ngay cả khi "kiềm chế" được phát sinh nợ XDCB nhưng với khả năng hỗ trợ có hạn của ngân sách nhiều địa phương thu không đủ chi nên tiền nợ XDCB không dễ trả được ngay.
Kiểm soát chặt từ khâu lập dự án
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, tình hình nợ đọng vốn XDCB tại các địa phương đang ở mức khá nghiêm trọng, và chưa có giải pháp tháo gỡ hữu hiệu. Bộ Tài chính chỉ rõ, vẫn còn tình trạng phê duyệt nhiều dự án quá khả năng cân đối vốn, dẫn đến phân bổ vốn dàn trải, kéo dài thời gian thi công, gây thất thoát lãng phí... Đó là chưa kể nhiều dự án điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư cũng kéo theo chậm chễ trong công tác xử lý nợ đọng XDCB.
Còn nhớ liên quan đến trách nhiệm để xảy ra tình trạng nợ đọng XDCB, ngay từ Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII, đại biểu Nguyễn Thành Tâm đã gửi chất vấn đến Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh, có nêu đến tình hình nợ XDCB khoảng 90.000 tỷ đồng và Chính phủ đã giao Bộ KH&ĐT tổng hợp, trình phương án xử lý. Đến Kỳ họp thứ 5 vừa qua, vấn đề này vẫn chưa được giải quyết.
Theo TS Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư, vấn đề xử lý nợ đọng XDCB xem ra rất khó, bởi những khoản nợ này đã quá lâu, rất phức tạp, ngay như việc đánh giá số nợ cũng đã rất phức tạp. Như vậy, ngoài nguyên nhân từ phía chủ đầu tư (thường là chính quyền, sở, ngành…) với những dự án xây dựng đã được cấp thẩm quyền phê duyệt nhưng cấp vốn, giải ngân chậm, có thể thấy nguyên nhân còn từ phía nhà thầu. Vì cạnh tranh gay gắt trong đấu thầu, nhiều DN đã tìm mọi cách hạ giá miễn sao trúng thầu, sau đó thương lượng với chủ đầu tư để nợ tiền XDCB. Khi bị thua lỗ, việc giải quyết nợ càng khó khăn hơn. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Huy Tưởng khẳng định, trong bối cảnh nguồn lực của TP còn nhiều khó khăn, nhu cầu đầu tư rất lớn, thì nhiều đơn vị vẫn còn đầu tư dàn trải dẫn tới tình trạng nợ đọng vốn XDCB.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh cho rằng, cần xem xét hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của các địa phương nhằm khắc phục triệt để tình trạng này. Trong đó, các địa phương cần tổng hợp, đánh giá cơ chế huy động vốn cho XDCB trong những năm qua, xác định nhu cầu vốn về tổng mức đầu tư, cơ cấu và chi tiết cho nhiệm vụ chi các năm tiếp theo và đặc biệt cần phải lựa chọn các dự án cấp thiết để ưu tiên đầu tư, tránh dàn trải dẫn đến nợ đọng trong XDCB.
DiaOcOnline.vn - Theo Kinh tế Đô thị
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: