Top

Vẫn niêm yết giá bất động sản bằng USD

Cập nhật 03/10/2010 10:50

Giá rao bán, cho thuê của nhiều dự án bất động sản có vốn đầu tư nước ngoài hay nội địa hiện vẫn được niêm yết bằng USD một cách công khai, dù Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản nghiêm cấm chính thức hôm 11/9 vừa qua.

Dù Pháp lệnh Ngoại hối Việt Nam quy định mọi giao dịch, thanh toán trên lãnh thổ Việt Nam không được thực hiện bằng ngoại tệ thế nhưng từ nhiều năm nay, hầu hết dự án bất động sản lớn trong nước đều được niêm yết và thanh toán giá bằng USD. Việc này diễn ra phổ biến và công khai dù mới đây (ngày 11/9) Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chỉ đạo tăng cường việc kiểm tra các doanh nghiệp xây dựng, bất động sản giao dịch với khách hàng bằng ngoại tệ.

Trong Bản tin bất động sản của Công ty CP địa ốc Sài Gòn thương tín (Sacomreal), số 08 (tức số 46, tháng 9/2010), ở phần Bất động sản cần bán vẫn có rất nhiều danh mục được niêm yết giá bằng USD. Chẳng hạn tại phần bất động sản thị trường Hà Nội, căn hộ TSQ Mỗ Lao có diện tích 98 m2, gồm ba phòng ngủ được thông báo giá 1.200 USD một m2, căn hộ dự án Sông Nhuệ diện tích 107,8 m2 có giá 810 USD một m2…


Không những các dự án rao bán mới được công bố giá bằng USD mà nhiều loại hình bất động sản cho thuê cũng được niêm yết giá USD. Ảnh minh họa.

Trên bảng niêm yết giá của các công ty bất động sản lớn như CBRE Việt Nam, Savills Việt Nam hay nhiều đại lý nhà đất khác, các dự án có giá rao bán bằng USD chiếm một tỷ lệ không nhỏ. Chẳng hạn tại CBRE Việt Nam, dự án Hillstate Villa 1 trên đường Tô Hiệu, Hà Đông (Hà Nội) đang được niêm yết giá dao động từ 1.200 đến 1.500 USD một m2, dự án chung cư Canal Park Apartment ở Thạch Bàn, Long Biên (Hà Nội) có giá 1.200 - 1.450 USD một m2…

Tương tự, dự án tổ hợp Keangnam Landmark Tower trên đường Phạm Hùng hay dự án Indochina Plaza Hanoi (Xuân Thủy, Cầu Giấy) cũng được chủ đầu tư và các đại lý niêm yết giá dao động từ 2.800 đến 3.300 USD một m2… Các dự án nhỏ hơn như Mulbery Lane, Sky City Tower (đều ở Hà Đông) giá niêm yết từ 1.800 đến 2.300 USD một m2…

Không những các dự án rao bán mới được công bố giá bằng USD mà nhiều loại hình bất động sản cho thuê cũng được niêm yết giá USD. Đơn cử giá thuê căn hộ làm văn phòng, công sở tại tòa nhà Charmvit Grand Plaza trên trục đường Trần Duy Hưng (Hà Nội) đang được đa số công ty kinh doanh dịch vụ nhà đất công bố giá từ 38 đến 44 USD một m2, giá văn phòng cho thuê tại tòa nhà CEO Tower trên đường Phạm Hùng trung bình 25 USD một m2, kể cả phí đỗ ô tô ở đây cũng được quy ra ngoại tệ là 100 USD mỗi tháng… Theo một nhân viên kinh doanh tại Sàn giao dịch bất động sản Đông Nam Á, đơn vị được ủy quyền cho thuê một số diện tích văn phòng làm việc tại hai tòa nhà trên, việc thuê văn phòng thường ký hợp đồng từ 1 đến 5 năm nên phải niêm yết giá USD để tránh rủi ro do tiền đồng trượt giá. Hơn nữa, tỷ lệ khách thuê là các cá nhân và tổ chức nước ngoài cũng nhiều nên việc niêm yết giá theo USD hợp lý hơn.

Một điều đáng chú ý là không ít dự án bất động sản nội địa, không có vốn đầu tư nước ngoài cũng niêm yết theo giá USD. Chẳng hạn dự án Khu đô thị Usilk City ở quận Hà Đông hay tòa nhà Thành Công Tower thuộc quận Đống Đa có giá rao bán từ hơn 1.000 đến gần 2.000 USD một m2.

Chị Phước, nhân viên kinh doanh của CBRE Việt Nam, cho hay: “Chúng tôi bán sản phẩm theo nhu cầu của chủ đầu tư nên chủ đầu tư niêm yết giá thế nào chúng tôi phải để nguyên giá như thế, dù là USD hay VND”.


Dự án Hillstate Villa 1 vẫn rao bán giá bằng USD trên website của CBER Việt Nam. (Ảnh chụp màn hình từ website của CBER Việt Nam ngày 1/10/2010).


Theo ông Bùi Tất Thắng, Phó tổng giám đốc Công ty CP địa ốc Sài Gòn thương tín (Sacomreal), đúng là hiện tượng niêm yết giá bất động sản bằng USD đang rất phổ biến tại Việt Nam, tuy nhiên khi chủ đầu tư ký hợp đồng với khách hàng thì phải để giá giao dịch là VND, hợp đồng mới có hiệu lực. Còn việc thanh toán bằng VND hay USD là thỏa thuận giữa hai bên. Vì đặc thù của dự án bất động sản là quá trình giao dịch kéo dài từ khi góp vốn lần đầu đến khi hoàn thành, nên việc thanh toán bằng USD đảm bảo tính hiệu quả của dự án. Khi tỷ giá biến động, lạm phát, giá nguyên vật liệu tăng…, chủ đầu tư sẽ không bị ảnh hưởng nếu niêm yết giá theo USD.

Bên cạnh đó, một yếu tố quan trọng nữa khiến chủ đầu tư thích niêm yết giá và thanh toán theo USD là tâm lý “sính ngoại” đến từ phía chủ cũng như khách. Thông thường những dự án lớn hay cao cấp, nếu niêm yết giá bằng VND có thể bị “mất giá”, kể cả những khách hàng nhà giàu cũng thường hứng thú với những dự án báo giá bằng USD hơn.

Còn một lãnh đạo của Công ty bất động sản Viglacera cho rằng, nếu dự án bất động sản niêm yết giá bằng USD và bán cho khách nước ngoài thì ở một khía cạnh nào đó vẫn mang yếu tố tích cực, đó là thu được ngoại tệ về cho doanh nghiệp nội địa.

Ông này cũng lo ngại rằng, việc chủ đầu tư đã quen với niêm yết giá và thanh toán bằng USD, giờ phải chuyển qua VND sẽ gặp không ít khó khăn. Việc niêm yết giá bằng USD khiến giá cả sản phẩm, dự án ổn định trong một thời gian dài, chẳng hạn như tổ hợp Keangnam Landmark Tower từ khi rao bán đến nay đều ổn định ở mức giá 2.800 - 3.300 USD một m2 (tùy căn hộ). Nếu chuyển qua VND thì giá có thể biến động ngày một, gây khó cho việc rao bán, quảng cáo. “Vấn đề là phía chủ đầu tư lấy giá nào làm hệ quy chiếu. Nếu họ lấy giá USD làm quy chiếu và tính theo biến động giá trên thị trường tự do từng ngày, thì dù có báo giá và thanh toán bằng VND, khách hàng vẫn là người hứng chịu rủi ro từ việc tăng tỷ giá nhiều nhất”, đại diện của Viglacera nói.

Giá USD biến động mạnh thời gian qua đã khiến nhiều người có nhu cầu mua nhà đất chột dạ, nhất là những người đang có ý định mua các căn hộ thuộc dự án cao cấp, vốn có thói quen tính bằng "đô". Tính từ khoảng vài tháng trở lại đây, giá USD đã tăng từ dưới 19.000 đồng lên gần 19.700 đồng một USD. Nếu khách hàng đặt mua một căn hộ cao cấp có diện tích 100 m2 với giá khoảng 2.000 USD một m2, thì số tiền đội lên do tỷ giá tăng có thể lên tới 140 triệu đồng, một con số không hề nhỏ chút mà chỉ khách hàng là người gánh chịu hoàn toàn về rủi ro tỷ giá.
 

 

DiaOcOnline.vn - Theo Đất Việt