Top

Tín dụng vừa mở cửa vừa nghe ngóng

Cập nhật 31/10/2008 01:00

Nguy cơ đình trệ sản xuất đã xuất hiện và chiều hướng này có thể mạnh hơn dưới tác động của tình hình suy thoái kinh tế toàn cầu, là một trong những lý do khiến nhiều doanh nghiệp không dám đầu tư mở rộng sản xuất - kinh doanh, ngại gõ cửa tìm vốn từ ngân hàng, dù lãi suất đã được hạ xuống khá nhiều.

Song song với vấn đề đó, sự suy giảm của tăng trưởng kinh tế cũng là lý do khiến các ngân hàng dù đã xuất hiện tình trạng dư thừa vốn, nhưng không vì thế mà dám nới lỏng hơn điều kiện cho vay đã được thắt chặt trước đó.

Tại thời điểm này, hầu hết ngân hàng đều từ chối bình luận về hướng giải ngân vốn cũng như con số dư nợ tín dụng cho vay sau đợt giảm lãi suất vừa rồi, do các đơn vị này đang phải thống kê những con số trên để báo cáo Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Trao đổi với PV về hướng mở cửa cho vay đối với tín dụng bất động sản, đại diện một ngân hàng thương mại cho rằng, chưa thể phát biểu điều gì vì tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp ngành này vẫn còn khá khó khăn.

Tình hình kinh tế vĩ mô có những dấu hiệu khả quan hơn không có nghĩa là chúng ta có thể lơ là vì tỷ lệ nợ xấu vẫn đang là mối hiểm họa phía trước. Nguyên Thống đốc NHNN Lê Đức Thúy cho biết, mặc dù ở thời điểm hiện tại, tỷ lệ nợ xấu chưa thực sự đáng lo ngại đối với hệ thống ngân hàng, nhưng nguy cơ về nợ xấu nhiều khả năng sẽ gia tăng trong những tháng tới, nếu thị trường còn khó khăn.

Đặc biệt là khi tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng gắn liền với thị trường bất động sản. Nhiều khoản cho vay bất động sản cũng như các khoản nợ vay được thế chấp bằng tài sản đảm bảo là bất động sản dự báo sẽ trở thành nợ xấu khi các hợp đồng 1 năm sắp được đáo hạn trong quý IV này. Chính vì vậy, ông Thúy cho rằng, cần có những biện pháp để ngăn ngừa tình trạng trên.

Trả lời báo giới trước đó về tình hình cho vay bất động sản của các ngân hàng thương mại Việt Nam sau cuộc khủng hoảng xảy ra đối với các ngân hàng Mỹ và châu Âu, ông Lê Xuân Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Chiến lược phát triển ngân hàng cũng nhận định, hiện tại chúng ta chưa có đánh giá với các khoản vay bất động sản, cuối năm 2009 nếu đánh giá lại giá trị các khoản vay này thì có thể sẽ tạo ra những biến động nhất định.

NHNN vẫn tiếp tục thanh tra, giám sát chặt chẽ chất lượng tín dụng của các ngân hàng thương mại để có những con số chuẩn xác về chất lượng tài sản, kịp thời có những biện pháp chấn chỉnh hoặc củng cố chất lượng tài sản, tránh hiện tượng có một cú sốc về nợ cuối niên khóa tài chính 2009.

Đối với các khoản cho vay khác như đầu tư vào vàng hay chứng khoán, theo đánh giá của đại diện NHNN, các ngân hàng thương mại cũng đang hết sức thận trọng bởi họ đều biết kinh doanh trong lĩnh vực này có rất nhiều rủi ro khó lường trước.

Đánh giá của NHNN cho hay, đến giờ phút này thanh khoản của tất cả các ngân hàng, kể cả ngân hàng yếu nhất đã được củng cố, gần như không có ngân hàng nào gặp khó khăn về thanh khoản. Hiện nay, các ngân hàng thương mại đang thay đổi về tiêu chí cho vay, giảm tỷ lệ cho vay dài hạn, giảm cho vay bất động sản, thống kê chặt chẽ hơn nợ xấu…

Và giải ngân vốn như thế nào cho hợp lý trong bối cảnh giảm phát chứ không phải lạm phát cũng đang khiến các ngân hàng thương mại đau đầu tìm lời giải. Giảm phát nếu kéo dài thì tính rủi ro của các khoản vay cũng “bấp bênh” không kém thời lạm phát.

Hiện các ngân hàng thương mại cũng đang gấp rút tập hợp số liệu về dư nợ cho vay để báo cáo NHNN trước ngày 31/10, cùng với số liệu thống kê dư nợ tín dụng cũng sẽ được các ngân hàng thương mại trình lên NHNN trong thời gian tới.

Sau khi những con số này được công bố, bức tranh hoạt động của hệ thống ngân hàng những tháng cuối năm nay sẽ được nhìn nhận rõ ràng, minh bạch hơn.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư Chứng Khoán