Kết thúc quý I-2012 bức tranh thị trường tiền tệ vẫn chưa có dấu hiệu khả quan dù trần lãi suất huy động đã giảm. Tình trạng lách trần lãi suất vẫn âm thầm diễn ra; tín dụng đối với nền kinh tế giảm liên tiếp trong 3 tháng đầu năm. Nhiều chuyên gia cho rằng hướng điều hành chính sách tiền tệ và lộ trình tái cấu trúc của NHNN cần phải đẩy nhanh tốc độ và có tính minh bạch hơn.
Dấu hiệu kinh tế suy giảm
Theo số liệu mới nhất của NHNN, tính đến ngày 20-3, tổng phương tiện thanh toán (M2) tăng 1,44% so với cuối năm trước; tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các NHTM tăng 1,56%; trong khi tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế trong 3 tháng đầu năm ước giảm 2,13% so với cuối năm trước.
Cùng với đó nền kinh tế đang có dấu hiệu suy giảm. Nếu như quý I-2010 tăng trưởng kinh tế (GDP) là 5,83%, quý I-2011 là 5,43%, thì quý I-2012 chỉ còn 4%. Đây là quý tăng trưởng thấp nhất từ năm 2010 đến nay. Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, mục tiêu năm 2012 không chạy theo tốc độ tăng trưởng nhưng cũng không thể để nền kinh tế rơi vào suy giảm, bởi nó ảnh hưởng đến an sinh xã hội.
Vì vậy, phải bảo đảm kinh tế tăng trưởng ít nhất trên 5-5,5%. Với tình hình trên nếu không có những giải pháp bứt phá quyết liệt, kinh tế năm nay sẽ không đạt được kết quả như mong muốn.
Theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân, đại biểu Quốc hội, nguyên nhân quý I tăng trưởng thấp và tín dụng sụt giảm do phụ thuộc vào vốn đầu tư của xã hội. Theo đó, vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước đang được kiểm soát chặt chẽ; vốn đầu tư nước ngoài (FDI) do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính, nợ công nên cũng hạn chế; vốn đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân dựa vào vốn vay NH, trong khi NHNN đang thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ để kiềm chế lạm phát, nên khó tiếp cận vốn và lãi suất đã giảm, vì thế khả năng hấp thụ vốn cũng khó.
Bên cạnh đó, khó có dự án nào có hiệu quả với mức lãi suất dù có giảm nhưng vẫn ở mức cao. Vì vậy, để nền kinh tế tăng trưởng ở mức chấp nhận được, đảm bảo ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, phải giải quyết ngay những nút thắt trong nền kinh tế, trong đó nút thắt quan trọng là vấn đề lãi suất.
Nhiều NH có thanh khoản tốt nhưng không dám cho vay vì sợ rủi ro. Ảnh: LÃ ANH
|
Vẫn vượt trần huy động
Thanh khoản của hệ thống NHTM hiện nay so với thời điểm cuối năm ngoái đã cải thiện rất rõ nét trên thị trường liên NH. Đặc biệt, gần đây để xử lý tình trạng các NHTM rầm rộ triển khai dịch vụ giữ hộ vàng trả lãi suất rồi lấy vàng đó đi thế chấp vay vốn trên thị trường liên NH nên chịu chi phí kép (lãi vay NH và lãi giữ hộ vàng), NHNN đang đứng ra cho vay thanh toán bù trừ cho các NHTM.
Thí dụ, NH A đang vay NH B. NHNN sẽ cho NH A vay để trả NH B, nhưng số tiền này sẽ được trả trực tiếp cho NH B chứ không đưa NH A. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn tình trạng lách trần lãi suất huy động ở các NHTM. Theo các chuyên gia, ngoài vấn đề thanh khoản do nợ xấu gia tăng (do lấy vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn), tình trạng lách trần lãi suất vẫn phổ biến còn vì lợi ích cục bộ của các NH do sợ mất khách hàng.
Theo TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, để triệt tiêu tình trạng lách trần lãi suất, NHNN cần tăng cường công tác thanh tra, xử lý mạnh hơn những NHTM vi phạm trần lãi suất. Bởi hoạt động kinh doanh tiền tệ đòi hỏi tính kỷ luật cao nhưng thời gian qua điều này còn yếu. Khi thị trường có những số liệu thật, minh bạch NHNN mới dễ điều hành.
Theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân, bên cạnh thanh tra giám sát của NHNN cần thể hiện vai trò của Hiệp hội NH Việt Nam, các lãnh đạo NH trong việc thực hiện nghiêm các chủ trương của NHNN. Ngoài ra, người dân cũng nên thận trọng không chạy theo lãi suất cao, vì dù tiền gửi không mất nhưng bảo hiểm tiền gửi chỉ bảo hiểm số tiền nhất định và số tiền còn lại có thể bị kéo dài thời gian nếu NH gặp sự cố.
Bình ổn lãi suất cho vay
Nhiều NHTM cho biết thanh khoản đang thừa và rất nhiều tiền mặt nhưng không dám cho vay do sợ rủi ro không đòi được sẽ mất thanh khoản, NHNN sẽ cho vào nhóm thấp, không được tăng trưởng tín dụng. Vì thế mới xảy ra chuyện NH nào cũng chạy theo “số đẹp” để được nằm trong nhóm 1.
Nhất là phân loại nợ theo Quyết định 493 của NHNN quy định khách hàng không có khả năng trả đúng vài ngày là chuyển nhóm nợ. NHTM nào nợ quá hạn trên 3% sẽ bị hạn chế nhiều hoạt động. Thực tế các NHTM đều hiểu cho vay lãi suất càng cao rủi ro càng lớn, nhưng vì giá vốn còn cao nên chưa thể giảm nhanh lãi suất.
Trước tình trạng này, theo một chuyên gia NH, NHNN nên áp dụng phương án một mức khống chế chênh lệch giữa chi phí đầu vào với lãi suất đầu ra. Bởi hiện nay không ai biết giá vốn thực tế của các NHTM như thế nào, vì NHTM không chỉ huy động lãi suất 13% mà có nguồn tiền gửi thanh toán 5%.
Vì vậy, NHNN cần thanh tra nhằm minh bạch chi phí và theo vị chuyên gia này lãi suất cũng phải được xem là mặt hàng giá cần bình ổn chứ không chỉ bình ổn giá xăng dầu, lương thực.
DiaOcOnline.vn - Theo ĐTTC
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: