Top

Tiếp sức cho cổ phiếu bất động sản

Cập nhật 20/05/2013 08:15

Không phải đợi đến khi gói tín dụng hỗ trợ bất động sản được triển khai thì cổ phiếu bất động sản mới “bừng tỉnh” và có hy vọng “nổi sóng”.

1 tuần kể từ ngày cuộc Tọa đàm về triển vọng thị trường bất động sản do Báo Đầu tư tổ chức với sự tham dự của lãnh đạo Bộ Xây dựng, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng nhiều chuyên gia và DN, gói hỗ trợ tín dụng bất động sản 30.000 tỷ đồng chính thức được ban hành, với nhiều nội dung thiết thực. Trên sàn, thông tin triển khai gói tín dụng này từ ngày 1/6 đã giúp TTCK có 2 phiên tăng điểm, sau đó giảm nhẹ vào cuối tuần.

Cổ phiếu NLG của CTCP Đầu tư Nam Long có diễn biến khả quan khi DN này được coi là “khỏe nhất” hiện tại trong việc đi xuyên băng thị trường bằng sản phẩm nhà giá trung bình dành cho người thu nhập trung bình. Ban đầu, sản phẩm EHome của NLG bán ra thị trường có giá 1 tỷ đồng/căn hộ, nhưng đến nay, các dự án Ehome mới đã cung cấp cho thị trường những căn hộ với giá chỉ từ 450 triệu đồng/căn, đáp ứng được 2 tiêu chí giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng là diện tích dưới 70 m2 và giá dưới 15 triệu đồng/m2.


Không phải đợi đến khi gói tín dụng hỗ trợ bất động sản được triển khai thì cổ phiếu bất động sản mới “bừng tỉnh” và có hy vọng “nổi sóng”, bởi một số cổ phiếu của các DN có các sản phẩm nhà ở xã hội hay nhà đủ tiêu chuẩn vay gói tín dụng hỗ trợ đã nhiều lần dậy sóng trong thời gian gần đây như HQC, DXG, TDH…

Tuy nhiên, những đợt sóng cổ phiếu bất động sản thường không cao, mà chỉ nhấp nhô liên tục. Diễn biến này cho thấy tâm lý thận trọng của nhà đầu tư nói chung, ngay cả khi các điều kiện cho người mua nhà vay vốn từ gói tín dụng được nới rộng như lãi suất không quá 6%/năm trong thời hạn 10 năm, 70% giá trị gói tín dụng dành cho người mua nhà, phần còn lại mới dành cho chủ đầu tư.

Theo nhiều ý kiến, tác động của gói tín dụng bất động sản cần thời gian để ngấm vào thị trường và nhà đầu tư cần thời gian để quan sát các ngân hàng cho vay như thế nào mới chính thức vào cuộc. Đó là chưa kể nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn trên sàn hiện nay không được hưởng lợi trực tiếp từ gói tín dụng này, do sản phẩm không phù hợp tiêu chí được hỗ trợ.

Trên bình diện chung của thị trường bất động sản, những DN có số lượng lớn sản phẩm tận dụng được gói tín dụng ưu đãi như NLG không phải nhiều. Đa số DN có một vài dự án, với khoảng 200-300 căn hộ. Nếu bán được hết số căn hộ này trong vòng 2 năm sẽ giúp DN giải quyết được dòng tiền ngắn hạn và giảm các khoản nợ hiện tại. Nhưng đó cũng chỉ là “đếm cua trong lỗ”, khi thị trường bất động sản còn nhiều vấn đề khác cần giải quyết. Hơn nữa, khi gói tín dụng kết thúc, chiến lược phát triển dài hạn của DN như thế nào vẫn còn là dấu hỏi. Vì vậy, trông đợi sự vực dậy và hồi phục bền vững của nhiều DN bất động sản hiện tại là quá sớm. Gói tín dụng bất động sản như biện pháp “hà hơi tiếp sức” cho các DN đang “đuối nước”. DN nào bật lên sau cú tiếp sức này còn tùy thuộc vào nội lực và chiến lược hoạt động của từng DN.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Chứng khoán