Lý Xuân Hải và ê kíp lãnh đạo Ngân hàng ACB chắc chắn khi chẻ tiền giao cho nhân viên gửi tiết kiệm vào Vietinbank không nghĩ bị mất. Trên thực tế cũng chưa thấy “phù thủy” nào chôm tiền của khách “siêu” như Huỳnh Thị Huyền Như.
>> ‘Phù thủy’ ngân hàng - Kỳ 1
>> 'Phù thủy' ngân hàng - Kỳ 2: Thợ săn tiền
>> 'Phù thủy' ngân hàng - Kỳ 3: Tham nhũng bậc thầy
>> 'Phù thủy' ngân hàng - Kỳ 4: Cá mập thế giới ngầm
>> 'Phù thủy' ngân hàng - Kỳ 5: Bộ trưởng về hưu 'có bảo bối'
>> 'Phù thủy' ngân hàng - Kỳ 6: Đua lãi suất
Minh họa DAD
|
Như thực ra cũng đã chuẩn bị một tương lai ở Mỹ. Triệu Thị Hương Giang, một trong những đầu mối cho Như vay tiền lãi ngày khai với cơ quan điều tra, khoảng tháng 7.2011, Như đã chuyển cho Giang 10 tỉ đồng (tương đương 500.000 USD) để nộp “phí ban đầu” làm thẻ xanh ở Mỹ. Sau đó Giang đã nhờ người bạn tên Hạnh có người nhà ở Mỹ nộp giùm 500.000 USD cho công ty dịch vụ chuyên lo thẻ xanh. Nhưng do Như không lo đủ thủ tục của điều kiện làm thẻ xanh nên chưa làm được...
Nếu Như đi trót lọt, có lẽ không chỉ tiền mặt mà hàng loạt những bí mật thâm cung của giới tài chính ngân hàng cũng đã đi theo.
“Ký thay” khách hàng
Trần Thanh Thanh, nguyên Trưởng phòng Giao dịch Điện Biên Phủ của Vietinbank chi nhánh TP.HCM, khai ngày 17.9.2011, trong khi đang bàn giao công việc ở Phòng Giao dịch Lê Thánh Tôn thì được lãnh đạo báo có khách hàng cầm cố sổ tiết kiệm và yêu cầu về giải quyết. Khi Thanh về Phòng Giao dịch Điện Biên Phủ thì được Như đưa 5 thẻ tiết kiệm có trị giá 26 tỉ đồng mang tên Phạm Công Hoàng và nói ông Hoàng là khách của Như, đang có nhu cầu vay gấp nhưng bận công việc không đến được, sẽ ký hồ sơ bổ sung sau và đề nghị Thanh duyệt cho vay. Do tin tưởng Như và sợ mất khách hàng, Thanh đã chỉ đạo Tống Nguyên Dũng, cán bộ tín dụng, lập 6 hồ sơ đứng tên Phạm Công Hoàng vay số tiền 25 tỉ đồng, tài sản thế chấp là 5 thẻ tiết kiệm, sau đó duyệt cho giải ngân ngay theo yêu cầu của Như, mà không có mặt ông Hoàng với tư cách người bảo lãnh đồng thời là người vay. Sau khi giải ngân xong, Thanh chỉ đạo Dũng đưa hồ sơ cho Như để lấy chữ ký của ông Hoàng và Như đã ký giả chữ ký của ông này vào 6 hồ sơ vay tiền như đã nêu, ung dung lấy 25 tỉ đồng.
Tính đến thời điểm vụ án được phát hiện, theo chỉ đạo của Thanh và Như, Tống Nguyên Dũng đã lập 59 hồ sơ đứng tên 16 cá nhân vay tổng cộng 274,6 tỉ đồng, tài sản thế chấp là 46 thẻ tiết kiệm mang tên 12 cá nhân (là nhân viên của Ngân hàng ACB và Ngân hàng Nam Việt gửi tiền tại Phòng Giao dịch Điện Biên Phủ) và đề xuất duyệt cho vay mà không có mặt người vay, để cho Như ký giả chữ ký của những người này rút trót lọt số tiền trên.
Trong khi đó tại Phòng Giao dịch Đinh Tiên Hoàng, chỉ trong vòng 5 tháng, Đoàn Lê Du, trưởng phòng, đã chỉ đạo Huỳnh Trung Chí, cán bộ tín dụng, lập 51 hồ sơ đứng tên 16 cá nhân vay tổng cộng hơn 239 tỉ đồng, tài sản thế chấp là 37 thẻ tiết kiệm trị giá hơn 246 tỉ đồng của 12 nhân viên Ngân hàng ACB và Ngân hàng Nam Việt gửi tiền tại Phòng Giao dịch Điện Biên Phủ. Sau đó đích thân Du ký duyệt cho vay mà chẳng cần sự có mặt của người vay, tạo điều kiện cho Như ký giả chữ ký của người vay lấy sạch tiền mà họ hoàn toàn không hay biết.
Cũng với lý do “khách hàng lớn, bận công việc không đến được…”, Như đã qua mặt Lương Thị Việt Yên, Trưởng phòng Giao dịch Võ Văn Tần, ký giả chữ ký trên hồ sơ mở tài khoản của hai khách hàng và lệnh chi, rút 50 tỉ đồng.
Đẩy lãi suất lên cao
Để phá được vụ án này, cơ quan điều tra cho biết trong quá trình triển khai công tác nghiệp vụ nắm tình hình thực hiện chỉ thị của Ngân hàng Nhà nước quy định về lãi suất trần huy động vốn (14%/năm) đã nhận được công văn của Vietinbank đề nghị làm rõ hành vi của Công ty Phúc Vinh thông qua Võ Anh Tuấn (Phó giám đốc Vietinbank chi nhánh Nhà Bè) và Huỳnh Thị Huyền Như (quyền Trưởng phòng Giao dịch Điện Biên Phủ) để ký 4 hợp đồng tiền gửi và phụ lục hợp đồng có kỳ hạn tại Vietinbank chi nhánh Nhà Bè tổng số tiền 83,5 tỉ đồng với lãi suất từ 18 đến 22%/năm, vượt trần lãi suất quy định của Ngân hàng Nhà nước từ 4 đến 8%/năm. Tiếp đó, cơ quan điều tra nhận được hàng loạt đơn tố cáo của các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp và cá nhân bị Như chiếm đoạt tiền...
Cơ quan điều tra xác định, đây là vụ án gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, thời gian phạm tội kéo dài từ năm 2007 đến thời điểm khởi tố (tháng 9.2011), thủ đoạn phạm tội rất tinh vi, lừa đảo chiếm đoạt của nhiều đơn vị, cá nhân trong đó có các ngân hàng, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình kinh tế của đất nước, gây ảnh hưởng tiêu cực đến việc thực hiện chính sách tiền tệ của Nhà nước, nhất là trong giai đoạn Đảng, Nhà nước và Chính phủ đang chỉ đạo thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát.
“Trong vụ án này, Huỳnh Thị Huyền Như là đối tượng chính, chủ mưu hoạt động phạm tội, có sự giúp sức đắc lực của Võ Anh Tuấn. Các đối tượng tại các Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam chi nhánh TP.HCM và chi nhánh Nhà Bè; Ngân hàng VIB chi nhánh TP.HCM; Ngân hàng TMCP Á Châu, Ngân hàng TMCP Nam Việt, Ngân hàng TMCP Tiên Phong và Ngân hàng TMCP Hàng hải đã không làm đúng chức năng nhiệm vụ, đúng quy trình thủ tục về cho vay tạo sơ hở để Huỳnh Thị Huyền Như lợi dụng phạm tội. Một số đối tượng cho Như vay lãi nặng với mức lãi suất quá cao, thời gian dài, đây là nguyên nhân chính thúc đẩy Như thực hiện hành vi phạm tội”, cơ quan điều tra chỉ rõ.
Đối với Như và Tuấn, với tư cách là cán bộ Vietinbank, cơ quan điều tra nhận xét đã bất chấp, coi thường pháp luật, thực hiện hành vi phạm tội một cách tinh vi, lợi dụng uy tín của Vietinbank, lấy danh nghĩa huy động tiền cho Vietinbank chi nhánh Nhà Bè và chi nhánh TP.HCM, sử dụng nghiệp vụ ngân hàng lừa đảo chiếm đoạt của nhiều đơn vị, cá nhân với số tiền đặc biệt lớn (3.986.254.481.860 đồng) gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cần phải xử lý nghiêm trước pháp luật.
DiaOcOnline.vn - Theo Thanh Niên
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: