Top

Về gói tín dụng 30.000 tỉ, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam

Phải phân định rõ mục tiêu

Cập nhật 27/08/2013 14:09

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam (ảnh) đã khẳng định như vậy trước thông tin một số doanh nghiệp (DN) kinh doanh bất động sản (BĐS) cho rằng, gói tín dụng 30.000 tỉ đồng đã thất bại, cho đến nay thị trường BĐS vẫn chưa có biến động gì, DN không hưởng lợi, người dân không hưởng lợi, thị trường tiếp tục đóng băng…

Theo Thứ trưởng Nam, cần có sự hiểu đúng về quyết tâm của Chính phủ, cũng như các Bộ ngành liên quan trong thực hiện Nghị quyết 02, chứ không phải là giải cứu DN BĐS.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam
* Cùng với các giải pháp tổng thể nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS theo Nghị quyết 02, Chính phủ cũng thông qua gói tín dụng hỗ trợ 30.000 tỉ đồng cho vay hỗ trợ nhà ở. Đã qua một thời gian thực hiện, Thứ trưởng đánh giá như thế nào về tác động cũng như hiệu quả của gói hỗ trợ tín dụng này?

 Trước hết, cần nhấn mạnh rằng, giải pháp khắc phục khó khăn cho thị trường BĐS chủ yếu là hoàn thiện cơ chế, chính sách cho phù hợp với thực tiễn là chính chứ không phải bơm tiền vào thị trường, vì nếu dùng tiền thì Nhà nước không đủ nguồn lực. Trong Nghị quyết 02 đã nói rõ các cơ chế, chính sách, giải pháp, như rà soát lại các dự án thị trường BĐS cả nước, đặc biệt tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.

Hiện nhược điểm lớn hiện nay của thị trường là sự mất cân đối cung cầu: Dư thừa căn hộ giá cao, diện tích rộng trong khi những căn hộ có diện tích vừa phải, nhỏ, giá cả phù hợp số lượng rất ít. Do đó, tái cấu trúc lại cơ cấu hàng hóa của thị trường BĐS hiện nay là giải pháp cơ bản mà Chính phủ và Bộ Xây dựng đang hướng tới. Tuy nhiên, để tạo cú hích với một thị trường “đang ốm”, tạo cầu thực cho người dân có khó khăn về nhà ở, Bộ Xây dựng, NHNN đã đề xuất Chính phủ thông qua Nghị quyết 02, chấp thuận gói kích cầu 30.000 tỉ để kết hợp giải quyết khó khăn của người dân về nhà ở phù hợp với chiến lược phát triển nhà ở quốc gia.

Theo kết quả rà soát của các địa phương về nhu cầu nhà ở, hiện nay và đến 2015 cả nước còn khoảng 1.740.000 người có khó khăn về nhà ở và 1.715.000 công nhân có nhu cầu chỗ ở ổn định. Riêng tổng hợp của 25 bộ, ngành có nhu cầu nhà ở xã hội tại Hà Nội đã khoảng 30.000 căn. Như vậy, nếu nhìn vào nhu cầu về nhà ở xã hội, so sánh với gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỉ đồng theo Nghị quyết 02 của Chính phủ thì rõ ràng vẫn còn là con số rất ít.

Tuy nhiên, sức lan tỏa của gói hỗ trợ sẽ không chỉ dừng lại ở 30.000 tỉ. Trong điều kiện hiện tại, 30% sẽ được cho chủ đầu tư vay để tạo nguồn hàng hóa là các dự án nhà ở xã hội vốn đã, đang thực hiện, nhưng thiếu nguồn lực để hoàn thiện. Phần lớn gói 30.000 tỉ đồng (70%) để cho người dân vay thời hạn 10 năm hưởng lãi suất thấp 6% hoặc thấp hơn. Có thể thấy, vốn cho vay DN và người dân sẽ là vốn mồi để hấp dẫn các nguồn lực đối ứng của DN, hay đang tiềm ẩn của người dân.

Thực tế tính đến thời điểm 13.8.2013, ngoài các chủ đầu tư có dự án được các NH xem xét cho vay vốn thì các NH đã cho vay 208 khách hàng hộ gia đình với số tiền trên 49 tỉ đồng. Hiện các NH được giao thực hiện Nghị quyết 02 đã nhận được nhiều hồ sơ của DN và người dân và đang tích cực tiến hành việc thẩm định để cho vay. Như vậy bước đầu đã tạo được niềm tin, nguồn động lực nhất định cho DN cũng như đáp ứng nhu cầu cho người dân mua nhà.

* Thưa Thứ trưởng, thị trường BĐS đang đóng băng, lượng hàng tồn kho lớn, tại sao Bộ Xây dựng vẫn quyết liệt áp dụng các giải pháp đẩy nhanh nguồn “cung” thêm cho thị trường, đặc biệt là phân khúc nhà ở xã hội, nhà giá thấp?

 Như tôi đã nói ở trên, bất cập lớn nhất của thị trường BĐS thời gian qua là mất cân đối cung - cầu, các dự án nhà ở thương mại thì tồn kho nhiều trong khi người dân không thể tiếp cận được do giá cao, căn hộ diện tích lớn. Thực tế, việc phát triển nhà ở xã hội chính là sự tác động của Nhà nước vào thị trường BĐS, làm gia tăng giao dịch và kéo mặt bằng cung về giá nhà ở trên thị trường xuống đáng kể. Và với chủ trương này, Bộ Xây dựng đã quyết liệt chỉ đạo, phối hợp với các địa phương đẩy mạnh triển khai xây dựng các dự án nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu nhà ở xã hội của nhân dân.

Tính đến nay, cả nước đã có 167 dự án nhà ở xã hội đang triển khai, trong đó 34 dự án nhà ở cho người thu nhập thấp đã hoàn thành với quy mô 18.850 căn hộ, đang tiếp tục triển khai 32 dự án với quy mô gần 20.000 căn. Ngoài ra, đến nay đã có 50 dự án đăng ký chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội với quy mô 34.000 căn, chủ yếu tại các đô thị lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh...

Xin cảm ơn ông!

Tôi xin khẳng định, với ngành Xây dựng, nhiệm vụ quan trọng là tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, giải quyết hàng tồn kho và phát triển nhà ở xã hội. Những mục tiêu này liên quan mật thiết với nhau: Giải quyết hàng tồn kho là khắc phục sự lệch pha về cung - cầu, làm cho thị trường BĐS giao dịch trở lại để phát triển kinh tế. Còn phát triển nhà ở xã hội là nhiệm vụ thực hiện Chiến lược nhà ở quốc gia với mục tiêu mọi người dân được cải thiện về nhà ở, nhất là những người nghèo, thu nhập thấp. Chúng ta cần phân biệt rõ các mục tiêu này.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Lao động