Top

Ngân hàng sẵn sàng vốn cho bất động sản

Cập nhật 27/02/2013 09:13


Các nhà băng cho rằng, đây là thời điểm tốt để triển khai sản phẩm cho vay mua nhà
Thực hiện chủ trương của Chính phủ “bơm” vốn lãi suất rẻ cho phân khúc nhà ở xã hội khoảng 20.000 - 40.000 tỷ đồng trong năm nay, nhằm kích cầu thị trường bất động sản, các NHTM đang rầm rộ tung nhiều gói vốn ưu đãi cho lĩnh vực này.

Một trong những điểm sáng đối với tín dụng bất động sản trong năm 2013 chính là việc bỏ “room” đối với tín dụng bất động sản. Theo đại diện nhiều ngân hàng, việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa bất động sản ra khỏi nhóm tín dụng không khuyến khích là một điều kiện thuận lợi đối với lĩnh vực bất động sản trong năm 2013 và cũng là một cơ hội cho các NHTM. "Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là NHNN không có kiểm soát về tăng trưởng tín dụng, mà sẽ khống chế một cách tổng quát ở chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành ở mức 12%, thay vì phân ra từng khu vực như trước đây", Tổng giám đốc Eximbank, ông Trương Văn Phước nhìn nhận.

Với gói tín dụng 5.000 tỷ đồng, lãi suất 12%/năm cố định trong 2 năm đầu vừa được Eximbank đưa ra, ông Phước kỳ vọng, sẽ có những tác động tích cực đến thị trường bất động sản vốn bị “đóng băng” kéo dài, với lượng hàng tồn kho rất lớn. Chủ trương của Eximbank là sẽ đẩy mạnh tín dụng cá nhân; trong đó, đối với tín dụng bất động sản, Eximbank tập trung chủ yếu cho cá nhân vay vốn mua nhà để ở.

Tổng giám đốc Sacombank, ông Phan Huy Khang cũng cho biết, dư nợ tín dụng bất động sản chỉ mới chiếm khoảng 15 - 20% trong tổng dư nợ tín dụng của Ngân hàng. Do đó, dư địa cho vay ở lĩnh vực này tại Sacombank còn rất lớn. Theo ông Khang, hiện Sacombank không chỉ đẩy mạnh cho vay bất động sản tiêu dùng (cá nhân mua, sửa chữa nhà…) mà còn tìm kiếm các dự án có đầu ra khả thi để tài trợ vốn cho các chủ đầu tư.

Sacombank vừa triển khai gói tín dụng 1.000 tỷ đồng, ưu đãi cho vay đối với các khách hàng cá nhân có nhu cầu vay vốn mua, xây hoặc sửa chữa bất động sản từ nay đến hết tháng 5/2013. Khách hàng có thể vay tối đa 100% giá trị mua, chuyển nhượng, xây dựng, sửa chữa bất động sản, với số tiền vay lên đến 10 tỷ đồng trong vòng 10 năm đối với xây, sửa chữa và 15 năm đối với mua bất động sản. Lãi suất áp dụng cho các khoản vay này là 9,9%/năm trong 2 tháng đầu tiên, sau đó được áp dụng bằng lãi suất huy động cộng với biên độ 2%/năm trong 10 tháng tiếp theo và 4%/năm trong các năm còn lại. Đồng thời, khách hàng được ân hạn vốn tối đa 1 năm đối với mua và 6 tháng đối với xây, sửa chữa nhà.

Tương tự, OCB đang nỗ lực tìm kiếm các dự án có đầu ra tương đối tốt để tài trợ vốn. Đơn cử như Dự án căn hộ Ehome 3, dành cho phân khúc khách hàng có thu nhập trung bình và ổn định đã được OCB dành 80 tỷ đồng tài trợ. “Dự án này là một hướng đi phù hợp và có ý nghĩa dành cho phân khúc khách hàng đang có nhu cầu nhà ở thực sự, nên OCB đã quyết định tài trợ vốn”, lãnh đạo OCB cho biết.

Thực tế, tăng trưởng tín dụng ở lĩnh vực sản xuất - kinh doanh năm nay được các chuyên gia nhận định vẫn còn nhiều khó khăn, bởi hoạt động của doanh nghiệp chưa thoát khỏi tình trạng đình đốn khi hàng tồn kho chưa giảm do sức tiêu thụ thị trường suy yếu. Vì vậy, dù bất động sản vốn được xem là còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, các ngân hàng vẫn phải cố gắng sàng lọc các dự án tốt để tài trợ vốn. Đơn cử như BIDV có gói vốn 6.000 tỷ đồng cho vay bất động sản; trong đó, dành 2.000 tỷ đồng cho các dự án nhà ở thu nhập thấp khu vực đô thị và nhà ở công nhân khu công nghiệp và 4.000 tỷ đồng dành cho cá nhân, hộ gia đình mua nhà. Ngoài ra, BIDV còn tài trợ 3 dự án thuộc Chương trình 12.500 căn hộ tái định cư, thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP. HCM), với tổng số vốn cam kết là 6.806 tỷ đồng...

Theo lãnh đạo của một số nhà băng, đây là thời điểm tốt để triển khai các chương trình tín dụng bất động sản, nhất là cho vay mua nhà, vì lãi suất trên thị trường đang theo chiều hướng giảm và sự quan tâm từ phía các khách hàng có nhu cầu mua nhà để ở đang gia tăng. Tuy nhiên, NHNN cần xây dựng chính sách tín dụng theo hướng không tăng tỷ trọng tín dụng bất động sản trong tổng dư nợ của toàn hệ thống, nhưng điều chỉnh linh hoạt tỷ trọng cho vay với từng đối tượng, đặc biệt là với khách hàng cá nhân có nhu cầu nhà ở. Mặt khác, cần có các cơ chế, chính sách hợp lý khuyến khích các NHTM tăng trưởng tín dụng bán lẻ, cho vay người mua nhà để ở…, để các NHTM có thể giảm lãi suất cho vay. Bởi thực tế, lãi suất cho vay mua nhà hiện nay chỉ được các NHTM ưu đãi ở mức 8 - 9%/năm trong vài ba tháng đầu, rồi sau đó lại tăng vọt lên.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Chứng khoán