“Việt Nam muốn phát triển được phải xây dựng được hệ thống tài chính lành mạnh, mà ở đó, tín dụng không được cho vay để đầu cơ”.
Đó là phát biểu của giáo sư Hansjoerg Herr, đại học Kinh tế và luật Berlin (Đức) trong một hội thảo về thị trường tài chính – ngân hàng Việt Nam mới đây.
Dòng tiền đầu cơ ngày càng nhiều
Cũng nói về vấn đề này, tiến sĩ Phạm Hồng Chương, đại học Kinh tế Hà Nội đặt ra câu hỏi: tại sao khi kinh tế khó khăn, doanh nghiệp khó khăn nhưng các ngân hàng vẫn lãi to? Có phải do trình độ quản trị của các ngân hàng đã tốt lên?
“Thực tế, có ít ngân hàng thương mại có được mô hình quản trị tốt. Vấn đề chính ở đây là nhiều ngân hàng cho vay quá nhiều vào lĩnh vực không tạo ra phát triển xã hội như chứng khoán, bất động sản…”, ông Chương nói.
Theo ông Chương, trong khi doanh nghiệp sản xuất phải rất vất vả mới có 10 – 18% lợi nhuận trong một năm, thì dòng tiền đầu cơ lại có thể sinh lời từ 20 – 30%, thậm chí lên đến 40% chỉ trong vài tháng. Chính khoản lợi nhuận thu được từ những dòng tiền đầu cơ này đã làm triệt tiêu động lực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và tăng chi phí sản xuất kinh doanh do nguồn lợi nhuận này đã làm cho giá cả hàng hoá tăng lên bất thường.
“Chính vì vậy mà toàn bộ tinh tuý của Việt Nam thay vì đầu tư sản xuất kinh doanh, lại tìm hướng đầu cơ vào bất động sản, chứng khoán”, ông Chương nhận định.
Thực tế, mỗi lần chính sách tiền tệ điều chỉnh thì hầu hết các ngân hàng hoặc kiếm tiền “bạt mạng”, hoặc “chết cứng”. Bằng chứng cho thấy, mỗi khi có thông tin nới lỏng chính sách tiền tệ, thị trường chứng khoán liên tục tăng trần, dòng tiền đổ vào thị trường không hiểu từ đâu mà nhiều thế? Giá bất động sản tăng theo từng ngày, người người đổ xô vào mua nhà, mua đất… Khi chính sách tiền tệ theo hướng thắt chặt, hạn chế cho vay kinh doanh bất động sản, chứng khoán ví dụ như thông tư 13 mới đây của ngân hàng Nhà nước thì giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán liên tục giảm sàn; giá nhà, bất động sản giảm liên tục và không có người mua, thị trường rơi vào tình trạng mất thanh khoản.
Tín dụng không để cho vay đầu cơ
Một vấn đề đáng lưu ý khác, theo giáo sư Hansjoerg Herr, tín dụng cấp từ hệ thống ngân hàng phải được đầu tư vào doanh nghiệp chế tác, công nghiệp, sản xuất và ông đã dẫn kinh nghiệm của các nước Đông Á về việc quản lý dòng tín dụng chảy vào thị trường này như thế nào cho hiệu quả.
Theo kinh nghiệm này, vùng lãnh thổ ở Đông Á trong những năm 50, 60 của thế kỷ trước như Nhật Bản, sau đó là Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Malaysia… đã đạt được kỳ tích kinh tế trong thời gian dài. Việc mở rộng tín dụng hướng vào khu vực công nghiệp có sự hợp tác chặt chẽ giữa các doanh nghiệp lớn, các ngân hàng và Nhà nước.
Và với định hướng tín dụng này, “các cá nhân hầu như không thể vay được tiêu dùng và việc mở rộng tín dụng cho khu vực bất động sản cũng được hạn chế chặt chẽ”, giáo sư Hansioerg Herr nói.
“Việc đầu tư vào doanh nghiệp sản xuất sẽ tạo ra những khoản thu nhập và những nguồn thu nhập đó mới nảy sinh ra gửi tiết kiệm ngân hàng. Từ đó, dòng vốn được sinh lời này lại dành để cho vay doanh nghiệp sản xuất để tạo ra những khoản thu nhập gửi ngân hàng. Việc mở rộng tín dụng theo hướng này về lâu về dài sẽ tạo ra sự phát triển bền vững cho hệ thống ngân hàng, tài chính và đất nước phát triển tốt hơn”, ông phân tích.
“Một nền kinh tế mà suốt ngày loay hoay với đầu cơ vàng, USD, bất động sản, chứng khoán… thì dịch chuyển nguồn lực sẽ rất kém hiệu quả, khó phát triển bền vững, khó tăng trưởng ổn định và nguy cơ lạm phát luôn rình rập”, tiến sĩ Võ Trí Thành, phó viện trưởng viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nói. |
Trong khi nếu cấp vốn cho một hoạt động đầu cơ như bất động sản thì trong thời gian trung hạn, tỷ lệ nợ cũng gia tăng mà không đạt được sự phát triển bền vững. Cho vay tiêu dùng hộ gia đình cũng mang lại rủi ro tương tự, giáo sư Hansjoerg Herr cảnh báo.
Theo giáo sư Hansjoerg Herr, dư nợ cho vay trong nước tính ra % GDP năm 2007 của Việt Nam so với các nước khác không phải là thấp. Năm 2007, dư nợ cho vay tín dụng chiếm 96% GDP, cho vay trong khu vực tư nhân chiếm 93% GDP. Trong khi đó con số tương ứng này ở Trung Quốc là 132% và 111%, Brazil là 96% và 50%, Ấn Độ là 64% và 47%, Hàn Quốc là 110% và 108%…
“Nếu 30% dư nợ tín dụng này đổ vào đầu tư bất động sản thì sao? Như vậy, Việt Nam chỉ còn 60% và liệu ai dám chắc con số này sẽ đầu tư vào doanh nghiệp sản xuất mà lại cho vay để đầu cơ ở lĩnh vực khác như vàng, USD, chứng khoán…?”, giáo sư Hansjoerg Herr đặt câu hỏi.
Để ngăn chặn được dòng vốn đầu cơ, theo ông Chương, phải sớm có giải pháp và trách nhiệm trước hết thực hiện nhiệm vụ này là của Chính phủ.
DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Tiếp Thị
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: