Top

Làm thế nào để tận dụng kiều hối?

Cập nhật 06/02/2014 09:39

Việt Nam xếp thứ 9 thế giới về nguồn kiều hối. Năm 2013, nguồn kiều hối từ nước ngoài chuyển về đạt 11 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2012. Song, điều đáng nói là nguồn tiền này đã tác động tới nền kinh tế của Việt Nam như thế nào?

Với gần 4 triệu kiều bào sống trên 90 quốc gia và vùng lãnh thổ cùng hàng trăm nghìn lao động xuất khẩu (LĐXK), Việt Nam là quốc gia có lượng tiền kiều hối chuyển về rất lớn và tăng bình quân trên 10%/năm, tập trung vào mùa Tết cuối năm. Nguồn tiền này được chuyển về Việt Nam chủ yếu từ các quốc gia và vùng lãnh thổ: Mỹ, Canada, Australia, Đức, Pháp, Singapore, Hồng Kông, Hàn Quốc, Nga, Nhật Bản…nơi có nhiều người Việt lao động, sinh sống.

Công ty Kiều hối Ngân hàng Đông Á cho biết, lượng kiều hối chuyển về về thường tăng mạnh vào dịp Tết, khoảng 20-25% so với các tháng đầu và giữa năm. Và ngay trong dịp Tết Nguyên đán, công ty này vẫn thực hiện giao dịch chi trả kiều hối cho người dân.

Mặc dù có lượng kiều hối dồi dào như vậy song tới nay vẫn chưa có cuộc khảo sát chính thức nào về tác động của lượng ngoại tệ này đến nền kinh tế của Việt Nam.

Việt Nam là quốc gia có lượng tiền kiều hối chuyển về rất lớn và tăng bình quân trên 10%/năm

Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, đa số kiều hối chuyển về Việt Nam là để hỗ trợ cho bà con việc sinh hoạt hằng ngày, xây nhà, trả nợ ngân hàng, đầu tư bất động sản, chứng khoán…Điều này cho thấy lượng kiều hối tuy lớn nhưng chưa thực sự phát huy được hiệu quả của nó, bởi mục tiêu của nước ta là làm thế nào để hướng người dân sử dụng nguồn tiền này vào đầu tư sản xuất, tạo lợi nhuận bền vững.

Liên quan tới vấn đề ngày, ông Bùi Kiến Thành, chuyên gia tài chính – ngân hàng và cũng là một kiều bào từng có nhiều năm sống và làm việc tại Mỹ chia sẻ, lượng kiều hối chuyển về hằng năm là rất quan trọng đối với Việt Nam. Nguồn tiền này góp phần làm giảm sự thiếu hụt cán cân vãng lai và là nguồn cung cấp ngoại tệ cho nền kinh tế quốc gia. Nguồn ngoại tệ này còn giúp Việt Nam giảm thiểu nhiều rủi ro huy động vốn, giảm sự phụ thuộc vào nguồn vốn nước ngoài.

Từ năm 2013 tới nay, trong vòng 10 năm kiều hối đã đạt gần 100 tỷ USD. Con số gần 100 tỷ USD này gần bằng tổng sản lượng GDP trong nước năm 2013. Tính riêng năm 2013, kiều hối đạt 11 tỷ USD, bằng hơn 50% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam và gần gấp đôi mức cam kết ODA cho Việt Nam năm 2013.

“Điều này cho thấy tầm quan trọng của kiều hối nếu Việt Nam biết cách tận dụng nó . Vậy mà tới nay chúng ta vẫn chưa thống kê xem nguồn tiền này được sử dụngcụ thể vào những lĩnh vực nào để mang lại hiệu quả cao cho nền kinh tế, cho người dân”, ông Thành nói.

Ông Thành cũng khuyến cáo: “ Nếu như một lượng kiều hối lớn dành để đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho đất nước cũng sẽ một kênh đầu tư hiệu quả, có ích. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn này nếu muốn hướng nguồn tiền này vào sản xuất kinh doanh thì Nhà nước cũng nên có những chính sách ưu đãi cho kiều bào.Ngoài việc nới rộng những điều kiện mang tính thủ tục, cần phải làm rõ kiều bào sẽ được hưởng lợi ích gì? Và tôi cho rằng sau khi các chính sách được thực thi cũng cần phải khảo sát, kiểm tra xem hiệu quả của các hoạt động bằng nguồn tiền này mang lại như thế nào nhằm tránh lợi dụng, tiêu cực”.

Cùng chung quan điểm trên, chuyên gia kinh tế, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng, nguồn kiều hối tăng mỗi năm là điều tích cực. Tuy nhiên, vì đây là nguồn tiền của dân nên việc quyết định đầu tư vào đâu là quyền của họ, phụ thuộc vào họ đặt niềm tin vào lĩnh vực nào: sản xuất kinh doanh, bất động sản, cổ phiếu, gửi tiết kiệm ngân hàng…?

Chính vì vậy muốn hướng kiều bào đầu tư vào sản xuất kinh doanh hay những hoạt động khác mang lại lợi ích cho nền kinh tế đất nước thì Chính phủ Việt Nam cần có những chính sách tích cực để tạo niềm tin cho họ hay những người thụ hưởng nguồn tiền này.

“Để có thể tận dụng nguồn kiều hối, Việt Nam cần phải tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, thay đổi môi trường đầu tư theo hướng tích cực, đặc biệt là hạn chế thay đổi đột ngột các quy định trong hoạt động đầu tư, nới lỏng các quy định, điều khoản, thủ tục hành chính…”, ông Doanh nhấn mạnh.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chia sẻ quan điểm: “Nguồn kiều hối gửi về Việt Nam đều thuộc cá nhân nên nếu sản xuất kinh doanh ở nước ta mà có lợi nhuận hơn so với đầu tư bất động sản, chứng khoán… thì tự khắc kiều hối sẽ điều chỉnh vào đó. Mà muốn thu hút kiều hồi vào lĩnh vực này thì phải tạo điều kiện ngay cho những doanh nghiệp trong nước bằng những chính sách khuyến khích cụ thể, rõ ràng…Nếu đa phần doanh nghiệp trong nước thành công nhờ ý tưởng sáng tạo, nỗ lực kinh doanh…thì dòng kiều hối sẽ chảy vào lĩnh vực này. Vấn đề ở đây là Nhà nước phải tạo chính sách chung cho doanh nghiệp trong nước chứ không phải chỉ có chính sách riêng cho kiều hối”.

Thực tế, thời gian gần đây giá trị của nguồn kiều hối cũng đã được quan tâm phần nào. Đã có những hướng mở tích cực, góp phần khai thông lượng kiều hối về Việt Nam một cách dễ dàng và giúp người lao động tại nước ngoài yên tâm hơn khi gửi tiền về cho người thân. Cùng với các chương trình nhằm thu hút kiều hối của các ngân hàng và doanh nghiệp, Chính phủ cũng có nhiều chính sách nhằm khuyến khích kiều bào gửi tiền về nước.

Theo Văn bản hợp nhất về việc khuyến khích người Việt Nam ở nước ngoài chuyển tiền về nước mà Ngân hàng Nhà nước vừa công bố, bắt đầu từ ngày 11/12/2013, người thụ hưởng kiều hối có thể nhận bằng tiền VND hoặc bằng ngoại tệ theo yêu cầu và không phải đóng thuế thu nhập đối với các khoản ngoại tệ từ nước ngoài chuyển về. Chính phủ cũng khuyến khích và tạo điều kiện để người Việt Nam ở nước ngoài có nhu cầu gửi tiền về nước được chuyển ngoại tệ về nước phù hợp với quy định. Người thụ hưởng có thể bán ngoại tệ cho các tổ chức tín dụng hay được phép chuyển khoản vào tài khoản tiền gửi ngoại tệ cá nhân…

Theo TS Lê Đăng Doanh: “Đã tới lúc cần phải xác định rõ tầm quan trọng từ nguồn kiều hối của bà con gửi về trong nước và khuyến khích đầu tư vào những lĩnh vực có giá trị gia tăng cao. Và việc nới những chính sách trên chính là bước mở đầu cho nhữngkhai thông tiếp theo, nhằm thu hút nguồn tiền này ngày càng dồi dào hơn.

DiaOcOnline.vn - Theo Tổ quốc