Trong một báo cáo ngắn vừa công bố, Ngân hàng HSBC cho rằng, giai đoạn tồi tệ nhất của kinh tế Việt Nam có thể đã qua, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm để giải tỏa gánh nặng cho nền kinh tế.
HSBC kết luận, ít nhất vào lúc này, nền kinh tế Việt Nam đã đi theo hướng đúng - Ảnh: Getty.
|
Báo cáo chỉ rõ, vấn đề của Việt Nam chính là khu vực kinh tế quốc doanh - khu vực sử dụng vốn kém hiệu quả nhất, nhưng lại chiếm tỷ trọng chính trong tổng đầu tư. Trong vòng 5 năm trở lại đây, theo HSBC, các khoản đầu tư trong khu vực kinh tế nhà nước tạo ra hiệu quả thấp. Tuy nhiên, khu vực này vẫn đòi hỏi tiếp tục được hỗ trợ để tồn tại.
Bởi thế, tăng trưởng tín dụng ở Việt Nam trong 10 năm qua đã vượt mức 30% trung bình mỗi năm, dẫn tới sự tăng trưởng bùng nổ của nhu cầu và hoạt động đầu tư. Tuy nhiên, sự trở lại của lạm phát cao trong năm 2011 đã chấm dứt cho sự tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ. Chính phủ Việt Nam đã phát tín hiệu đặt ổn định kinh tế vĩ mô lên trên tăng trưởng kinh tế, đưa tăng trưởng tín dụng năm 2011 xuống còn 14,4%.
Theo đánh giá của HSBC, một số cải cách ở Việt Nam đang được đẩy nhanh, bao gồm việc yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước công bố lợi nhuận và hoạt động cải tổ hệ thống ngân hàng tiếp tục diễn ra. Trong đó, biện pháp được HSBC cho là “hứa hẹn nhất” là việc Bộ Công Thương soạn thảo chiến lược các doanh nghiệp vừa và nhỏ nước ngoài để phát triển các cụm công nghiệp.
Báo cáo nhận định, đây là những bước đi cần thiết để Việt Nam tăng năng suất của nền kinh tế và giảm bớt sự phụ thuộc vào mô hình tăng trưởng phụ thuộc vào đầu vào. Tuy nhiên, trong quá trình này, sự giảm tốc tăng trưởng là điều không thể tránh khỏi. Lĩnh vực sản xuất công nghiệp và xây dựng của Việt Nam, theo HSBC, đã bị kéo lùi trông thấy do nhu cầu thấp và những điều kiện kinh doanh khó khăn.
Các nhà phân tích của HSBC nhận xét, tin tốt là lạm phát của Việt Nam đã giảm tốc và có khả năng ở mức 1 con số trong năm nay và năm tới. “Tăng trưởng có thể sẽ tăng tốc trong 6 tháng cuối năm - một tín hiệu cho thấy điều tồi tệ nhất có thể đã qua. Tuy nhiên, với nhu cầu vẫn ở mức thấp và khối nợ xấu còn chưa được giải quyết, vẫn còn nhiều cần phải làm để giải tỏa gánh nặng cho nền kinh tế”, báo cáo có đoạn viết.
HSBC kết luận, ít nhất vào lúc này, nền kinh tế Việt Nam đã đi theo hướng đúng.
Báo cáo nhận định, cho dù chính sách nới lỏng có phát huy hiệu lực trong 6 tháng cuối năm thì GDP Việt Nam năm nay cũng chỉ có thể tăng 5,1%. Ngoài ra, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 được HSBC dự báo tăng dưới 6% so với cùng kỳ năm trước, tạo điều kiện cho Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất OMO.
DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: