Sau 2 tháng triển khai gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng với mục tiêu kích cầu thị trường bất động sản, tính đến thời điểm này, theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, mới có 2 DN được ngân hàng (NH) xác nhận vay vốn từ gói hỗ trợ này. Và bản thân lãnh đạo Bộ Xây dựng cũng thừa nhận, do đây là một chính sách khá mới, lần đầu được triển khai nên những khó khăn là khó tránh khỏi.
Người dân chưa được hưởng lợi từ gói hỗ trợ bất động sản 30.000 tỷ đồng. Ảnh Hoàng Long
|
Quá nhiều nút thắt
2 DN được xác nhận vay vốn với tổng giá trị khoảng 660 tỷ đồng. Còn số cá nhân, hộ gia đình được tiếp cận gói hỗ trợ này dù cũng đã được NHNN xác nhận một con số … kha khá: 150 khách hàng. Song trên thực tế, theo phản ảnh của các ngân hàng thương mại, mới giải ngân được cho 139 khách hàng với số tiền khoảng 33,46 tỷ đồng.
Cụ thể, một số NH cho biết, dù đã tiếp nhận hồ sơ của khá nhiều cá nhân đề xuất vay vốn từ gói hỗ trợ này, song khi đi vào thực tiễn, giải ngân lại chẳng được bao nhiêu. Phía Vietinbank cho biết, đã tiếp nhận hồ sơ của 300 khách hàng, song số hợp đồng đã ký và giải ngân chỉ chiếm 1/3 (66 khách hàng được ký hợp đồng tín dụng với số tiền cam kết cho vay 20,3 tỉ đồng). Vietcombank cũng đã ký hợp đồng với 50 khách hàng với số tiền giải ngân 11,7 tỉ đồng. Với BIDV, con số khách hàng được "ký duyệt” gói này còn khiêm tốn hơn, mới chỉ 23 khách hàng, nhưng "bi đát” hơn, NH này vẫn chưa giải ngân được do vướng ở … Bộ Tư pháp!
Như vậy, kỳ vọng về gói hỗ trợ 30.000 tỷ sẽ mang lại "hơi thở” mới cho thị trường bất động sản đã và đang bộc lộ những điểm thất vọng. Bản thân các DN dù đủ điều kiện để được vay gói 30.000 tỷ này cũng cảm thấy oải khi mà bị NH đòi hỏi đủ các thủ tục. Theo lãnh đạo một DN bất động sản, khi ông đến các NH nằm trong diện được cho vay gói 30.000 tỷ đề xuất được vay vốn, ông không gặp vướng mắc về thủ tục này, lại gặp vướng về thủ tục khác. NH thì trả lời "chưa có hướng dẫn từ phía trên”, nơi thì yêu cầu cái "khó có thể thực hiện được”.
Nói về khó khăn trong việc triển khai gói hỗ trợ 30.000 tỷ, Phó Thống đốc NHNN, ông Nguyễn Đồng Tiến cũng cho biết, gói này đang gặp khó vì nguồn cung nhà ở xã hội chưa nhiều, nhà ở thương mại đủ điều kiện vay còn ít, chưa kể một số vướng mắc khác liên quan tới tài sản bảo đảm, công chứng hồ sơ...
Bản thân lãnh đạo Bộ Xây dựng cũng thừa nhận, khó khăn, vướng mắc lớn nhất chính là nguồn cung về nhà ở xã hội và nhà thương mại có diện tích dưới 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng đang ít so với cầu. Và một khó khăn cũng không kém phần quan trọng đang "bó” việc triển khai gói hỗ trợ này, đó là điều kiện để vay vốn phải là các hợp đồng mua nhà được ký sau ngày 7-1-2013, thời điểm Nghị quyết 02 có hiệu lực, trong khi số dự án thuộc dạng này trên địa bàn cả nước dường như cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Đó còn chưa kể, bản thân những đối tượng thu nhập thấp, có thể đáp ứng được điều kiện vay vốn thì họ cũng không dám vay, vì với mức thu nhập bình quân 8 triệu đồng/ tháng, riêng tiền chi tiêu cho sinh hoạt hàng ngày cũng ngốn mất 80%, vậy con số tích lũy còn lại được bao nhiêu để có thể lo cho việc thanh toán gói vay này (?).
Gỡ rối thế nào?
Như vậy, có thể thấy, sau 2 tháng triển khai, gói hỗ trợ 30.000 tỷ đã bộc lộ nhiều bất cập mà kể cả những người trong cuộc như Bộ Xây dựng, NHNN cũng thừa nhận. Để tháo gỡ được những khó khăn ấy, theo các chuyên gia kinh tế, rất cần phải có những thay đổi, loại bỏ những thủ tục rườm rà để các DN, người dân có thể tiếp cận gói hỗ trợ này một cách nhanh chóng, tránh tình trạng nhiều DN, cá nhân nghĩ đến gói hỗ trợ là nản chí vì sợ khâu thủ tục. Theo như đề xuất của ông Nguyễn Đình Trung - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh địa ốc Hưng Thịnh, Bộ Xây dựng, NHNN cần nghiên cứu để cải tiến những vướng mắc đang gặp phải trong chính sách cho vay, để chính sách thực sự phát huy được hiệu quả.
Làm việc với Bộ Xây dựng về triển khai chính sách nhà ở và thị trường bất động sản cuối tuần qua, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, gói 30.000 tỷ muốn giải ngân được phải có cung, nếu không có nhà để bán cho dân thì tiền cũng ứ trong két. "Còn vì sao DN chưa mặn mà với nhà ở xã hội thì chứng tỏ cơ chế, chính sách chưa thoả đáng” – Phó Thủ tướng băn khoăn, đồng thời yêu cầu các địa phương cần tiếp tục rà soát về chuyển dịch cơ cấu nhà, đặc biệt tập trung gỡ các vướng mắc ở hai thành phố lớn Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, các địa phương phải công khai minh bạch thông tin, nghiên cứu khung pháp lý để cải tạo chung cư cũ, đẩy mạnh các phần việc liên quan tới nhà ở cho người có công, nhà ở cho người nghèo, nhà chống lũ miền Trung, cụm tuyến dân cư đồng bằng sông Cửu Long, nhà ở sinh viên, nhà ở cho người nước ngoài…
DiaOcOnline.vn -Theo Đại Đoàn Kết
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: