Top

Đường dài mới biết ngựa hay

Cập nhật 07/10/2013 08:42

Theo một cán bộ công tác lâu năm trong ngành xây dựng thì gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng đang góp phần tạo hiệu ứng lan tỏa cho thị trường bất động sản.


Theo số liệu từ NHNN, đến ngày 30/9, các NHTM đã cam kết cho vay 619 khách hàng cá nhân với số tiền là 203 tỷ đồng, trong đó đã có 590 khách hàng được giải ngân. NHTMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) là ngân hàng có số lượng khách hàng vay vốn nhiều nhất, với 230 khách hàng.

Theo Vụ Tín dụng, tốc độ giải ngân như trên cho thấy sự nỗ lực từ phía các NHTM. Bởi so với số liệu công bố ngày 31/8 mới chỉ có 305 khách hàng được vay vốn, thì chỉ sau một tháng con số này đã tăng gấp đôi và gần 600 căn hộ đã có người mua. Phía ngân hàng sẽ tiếp tục xử lý hồ sơ nhanh với các khách hàng vay vốn đủ điều kiện theo Thông tư 11/2013/TT-NHNN quy định về cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02/NQ-CP. Thông tư 11 quy định thời gian giải ngân trong 36 tháng, tới thời điểm này mới thực hiện được hơn 3 tháng. Đây là chương trình dài hạn, gắn với chiến lược phát triển nhà ở của Chính phủ.

TS. Cao Sỹ Kiêm – Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia cho rằng: “So với các gói tín dụng thông thường, chương trình này đã có nhiều ưu đãi nhưng người vay vẫn phải đáp ứng những tiêu chuẩn nhất định thì ngân hàng mới thấy khả năng thu hồi được vốn vay. Vì vậy, cùng với ngân hàng, cần có sự hỗ trợ của các bộ, ngành, địa phương để đảm bảo các thủ tục, giấy tờ nhanh gọn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân”.

Một chuyên gia kinh tế cho rằng, phải nhìn nhận một cách công bằng, là gói 30 nghìn tỷ đồng không phải là cứu thị trường bất động sản mà chỉ hỗ trợ “sưởi ấm” thị trường, đồng thời tạo điều kiện cho người có thu nhập thấp có chỗ ở ổn định, nằm trong chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Chương trình còn tạo điều kiện cho người dân có chỗ ở hợp lý và sẽ tác động đến việc điều chỉnh cơ cấu sản phẩm bất động sản của DN nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu nhà ở cho người dân.

Bên cạnh đó, theo một cán bộ công tác lâu năm trong ngành xây dựng thì gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng đang góp phần tạo hiệu ứng lan tỏa cho thị trường bất động sản. Bởi theo ghi nhận của Bộ Xây dựng, từ quý II/2013 các NHTM đã bắt đầu cho vay trở lại đối với các DN địa ốc làm ăn ổn định, dự án đảm bảo tiến độ. Lãi suất cho vay đã giảm khá mạnh so với năm 2013, ở mức khoảng 11-13%/năm. Tổng giá trị hàng tồn kho bất động sản trong quý II khoảng gần 108.800 tỷ đồng, giảm 15,4% so với quý I.

Đặc biệt, gói 30 ngàn tỷ còn tạo thêm hiệu ứng cho các dự án nhà ở thương mại xin chuyển đổi sang nhà ở xã hội (NOXH) hoặc DN đã chủ động điều chỉnh giảm giá bán căn hộ xuống 10 – 20%, nhằm đưa giá nhà xuống mức dưới 15 triệu đồng/m2 để đủ điều kiện tham gia gói 30 nghìn tỷ đồng và đáp ứng nhu cầu thực về nhà ở của thị trường.

Phó tổng giám đốc một NHTM Nhà nước cho rằng, trong quá trình thực hiện các ngân hàng vẫn còn nhiều vướng mắc nên cần sự hỗ trợ tháo gỡ từ nhiều phía. Chẳng hạn hiện nhiều địa phương vẫn không đồng ý công chứng cho khách hàng thế chấp tài sản hình thành trong tương lai khi làm thủ tục vay vốn ngân hàng. Vì vậy NHNN, Bộ Xây dựng và Bộ Tư pháp đang phối hợp xây dựng các văn bản hướng dẫn về việc thực hiện thủ tục này.

Ngay cả vấn đề chuyển đổi dự án từ nhà ở thương mại sang NOXH cũng không thể nói là làm được ngay. “Có dự án NHTM đã đến thẩm định để sẵn sàng cho DN vay nhưng thủ tục chuyển đổi dự án chưa xong. Thậm chí DN còn bảo ngân hàng “đợi” thời gian làm thủ tục chuyển đổi của họ từ nhà ở thương mại sang NOXH có lẽ phải tính bằng quý.

Lý do là trước đây, Sở Quy hoạch kiến trúc các địa phương khi phê duyệt thiết kế nhà ở thương mại thì đi kèm với yêu cầu về diện tích căn hộ, đường sá, cây xanh khác, nay chuyển sang NOXH thì phải rà soát lại để đảm bảo không gây áp lực lên hạ tầng cơ sở… Vì thế, mọi thủ tục đều phải được xem xét, phê duyệt lại. Chính việc này sẽ khiến việc giải ngân gói 30 nghìn tỷ chậm hơn”– vị Phó tổng giám đốc NHTM trên chia sẻ.

DiaOcOnline.vn - Theo Thời báo Ngân hàng