Thị trường bất động sản đóng băng khiến các doanh nghiệp xây dựng cũng bị vạ lây. Tuy nhiên, với những tín hiệu cộng với sự điều chỉnh chiến lược kịp thời, nhiều doanh nghiệp đã dần lấy lại đà tăng trưởng.
Đa phần các doanh nghiệp trong ngành đang hoạt động ở mức cầm chừng trong bối cảnh thị trường bất động sản ảm đạm, cùng với những dự báo chưa sáng sủa về tăng trưởng trong ngắn hạn của nền kinh tế. Biên lợi nhuận ngày càng thu hẹp và rủi ro nợ xấu tăng lên do chủ đầu tư gặp khó khăn về tài chính đã khiến kết quả kinh doanh không mấy khả quan.
Tuy nhiên, cũng có một số doanh nghiệp đã cơ cấu lại hoạt động, thay đổi chiến lược kinh doanh bằng cách chuyển dần sang mảng xây dựng công nghiệp và hạ tầng. Đây là mảng có biên lợi nhuận cao, đặc biệt với những dự án có vốn ODA và FDI, rủi ro nợ xấu tương đối thấp.
Ngoài yếu tố chủ quan, các yếu tố khách quan cũng góp phần tạo nên sự lạc quan cho các doanh nghiệp xây dựng. Đầu tiên có thể kể đến việc dòng vốn FDI đang quay trở lại sẽ thúc đẩy tăng trưởng ở ngành xây dựng.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 11 tháng năm 2013, vốn FDI đăng ký đạt hơn 20,8 tỷ USD (tăng 54,2% so với cùng kỳ). Trong đó, 16 tỷ USD (tương đương 77,2%) đầu tư vào ngành chế biến, sản xuất và 884 triệu USD (tương đương 4,2%) đầu tư vào bất động sản.
Dòng vốn FDI tăng mạnh sẽ là một động lực giúp ngành xây dựng vượt qua khó khăn. Mặc dù thị trường vẫn đứng trước nhiều thử thách, nhưng đã có dấu hiệu tăng trưởng nhẹ trở lại của ngành xây dựng, dự báo có thể đạt hơn 5% trong năm 2013 và đà tăng trưởng này có thể gia tăng mạnh hơn đến năm 2014.
Đơn cử như CTCP Xây dựng và Kinh doanh địa ốc Hòa Bình (HBC), kết quả kinh doanh quý III-2013 cho thấy doanh thu tương đối ổn định, lũy kế 9 tháng ước đạt 2.838 tỷ đồng (tăng hơn 7% so với cùng kỳ). Lợi nhuận không như kỳ vọng nhưng với hàng loạt hợp đồng mới được ký kết trong năm 2013, khả năng HBC lấy lại đà tăng trưởng trong năm 2014 rất khả quan.
Trong 10 tháng, HBC đã ký thêm một số hợp đồng mới với tổng giá trị hơn 2.000 tỷ đồng, trong đó có một số công trình lớn như: SSG Tower (231 tỷ đồng), Plot W Sunrise City (306 tỷ đồng), Trung tâm thương mại A2-02 Gamuda City và Tháp C2 Tropic Garden 2 (tổng giá trị 326 tỷ đồng), phần ngầm dự án VietinBank Tower (769 tỷ đồng). Gần đây, HBC đã bắt đầu thâm nhập vào thị trường xây dựng một số nước ASEAN như Indonesia, Myanmar, Malaysia.
Đối thủ của HBC trên lĩnh vực xây dựng là CTCP Xây dựng Cotec (CTD) cũng ghi nhận được những kết quả khả quan. Sau giai đoạn tăng trưởng doanh thu cao với tốc độ trung bình 43% trong những năm 2007-2010, CTD đã có dấu hiệu chững lại khi doanh thu và lợi nhuận hầu như không tăng thêm kể từ năm 2011.
Trước tình hình này, lãnh đạo CTD đã chủ động giảm tỷ trọng ở mảng nhà ở dân dụng có tỷ suất lợi nhuận thấp để chuyển sang các mảng có lợi nhuận cao hơn như: thương mại (siêu thị), công nghiệp (nhà máy) và nhà hàng khách sạn. Song song đó, CTD cũng có kế hoạch phát triển ra thị trường nước ngoài với những dự án đầu tiên tại Lào và Campuchia.
Kết quả của sự chuyển hướng kịp thời này đã được hiện thực hóa qua kết quả kinh doanh 9 tháng năm 2013: doanh thu thuần đạt 3.762 tỷ đồng (tăng 22% so với cùng kỳ), lợi nhuận sau thuế đạt 202 tỷ đồng (tăng 32% so với cùng kỳ).
DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Đầu tư
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: