Trong 9 nhóm BĐS mà các ngân hàng trên địa bàn TP. HCM đã đẩy vốn cho vay, hiện nợ xấu vẫn không đáng kể.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Giàu đã công bố chính thức dư nợ cho vay đối với lĩnh vực bất động sản (BĐS) tại TP.HCM trong cuộc họp bàn tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về vốn cho doanh nghiệp trên địa bàn TP. HCM ngày 7/11.
Theo số liệu báo cáo, tính đến hết tháng 10/2008, vốn cho vay của các ngân hàng trên địa bàn vào lĩnh vực BĐS đạt 61.000 tỷ đồng, bao gồm 9 nhóm BĐS khác nhau. Trong đó, cho vay để xây dựng cơ sở hạ tầng là 5.647 tỷ đồng; khu công nghiệp - khu chế xuất: 1.380 tỷ đồng; khu đô thị mới: 6.093 tỷ đồng; cao ốc cho thuê: 5.773 tỷ đồng; trung tâm thương mại: 2.439 tỷ đồng; xây dựng, sửa chữa nhà ở: 18.000 tỷ đồng; xây dựng nhà để bán: 9.587 tỷ đồng; sử dụng đất: 5.571 tỷ đồng; kinh doanh bất động sản khác: 6.237 tỷ đồng.
Theo ông Giàu, trong 9 nhóm BĐS mà các ngân hàng trên địa bàn TP. HCM đã đẩy vốn cho vay, hiện nợ xấu vẫn không đáng kể. Khoản vốn vay vẫn trong tầm kiểm soát của các ngân hàng. Chẳng hạn, với cho vay để xây dựng cơ sở hạ tầng, khu công nghiệp - khu chế xuất, khu đô thị mới, trung tâm thương mại… sẽ khó có thể dẫn đến phá sản.
Còn cho vay để xây dựng cao ốc văn phòng cho thuê thì hiện tại, loại hình dịch vụ này cung chưa đáp ứng được cầu nên không đáng lo. Dư nợ cho vay BĐS của các ngân hàng trên địa bàn TP. HCM tính đến hết tháng 10/2008 chỉ đạt 15,4% so với đầu năm 2008 là 26,5%. Tăng trưởng dư nợ giảm không chỉ do phía ngân hàng hạn chế cho vay, mà trước diễn biến của thị trường hiện nay nhiều khách hàng cũng ngại vay.
Giám đốc NHNN - Chi nhánh TP. HCM, ông Hồ Hữu Hạnh cho biết, trong những tháng đầu năm nay, nhiều ngân trên địa bàn đã điều chỉnh giảm dần dư nợ cho vay BĐS, tập trung hỗ trợ vốn cho lĩnh vực xuất nhập khẩu.
Chính vì vậy, tỷ lệ dư nợ cho vay vào lĩnh vực nhà đất đã giảm xuống còn 15,4%, trong đó giảm cho vay chủ yếu ở lĩnh vực căn hộ chung cư do ảnh hưởng bởi việc ngưng thi công của các chủ đầu tư dự án khi thị trường BĐS đóng băng.
Theo đánh giá của ông Hạnh, các khoản vốn ngân hàng cho vay vào BĐS vẫn trong tầm kiểm soát. Điều này được chứng minh qua tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng trên địa bàn TP. HCM hiện nay khoảng 2,14%. Trong khi đó, theo thông lệ quốc tế, tỷ lệ này là 5%.
Tính đến hết tháng 10/2008, trên địa bàn TP. HCM có 151 dự án, trong đó 56 dự án đã được giải ngân, với tổng vốn 9.300 tỷ đồng; 95 dự án còn lại đang xem xét để tiếp tục giải ngân. Trong số này, có đến 57 dự án được các ngân hàng cho vay thêm dưới 10 tỷ đồng.
Do đó, NHNN tiếp tục theo dõi sát diễn biến của thị trường để có sự điều chỉnh linh hoạt, nhằm giảm áp lực về vốn và lãi suất cho doanh nghiệp BĐS. Tuy nhiên, việc nên làm trước mắt là các doanh nghiệp phải tự ngồi lại để tìm giải pháp.
Hiện người có nhu cầu về nhà ở vẫn chưa muốn mua, còn chờ giá xuống nên tiền nhàn rỗi được gửi vào ngân hàng. Một phần là giá nhà đất vẫn cao. Theo Chủ tịch UBND TP. HCM Lê Hoàng Quân, các doanh nghiệp trong lĩnh vực BĐS cần ngồi lại để xem xét điều chỉnh giá nhà đất cho phù hợp với nhu cầu của người dân.
Ông Quân cho biết, trong thời gian qua nhiều doanh nghiệp BĐS đã đẩy giá lên quá cao. "UBND TP. HCM lo đền bù giải tỏa đến đâu, doanh nghiệp BĐS tăng giá bán đến đó. Vì vậy, nếu có thành viên nào trong Hiệp hội BĐS TP. HCM có hành vi đẩy giá lên, cần phải xem xét loại bỏ", ông Quân nhấn mạnh.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư Chứng Khoán
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: