Top

Vật liệu xây dựng theo ngũ hành

Cập nhật 04/08/2007 10:13

Vật liệu xây dựng có khả năng ảnh hưởng đến con người qua các giác quan. Chẳng hạn màu sắc tác động lên thị giác, các bề mặt vật liệu lại tác động lên khứu giác... Do đó, sự an lành của gia chủ cũng phụ thuộc vào vật liệu xây dựng.

Như vậy nếu xét theo phong thủy thì việc lựa chọn và sử dụng vật liệu phù hợp với mục đích cũng như vị trí sẽ giúp không gian sống của bạn trở nên hoàn hảo hơn.



Một chút cô tịnh tách
biệt với bên ngoài…

Mỗi loại vật liệu xung quanh cuộc sống của chúng ta đều chưa đựng một năng lượng riêng. Thuật phong thủy quan niệm mọi vật chất đều mang những tính chất của ngũ hành. Chúng ảnh hưởng tới khí của khu vực chúng ta đang sống.

Đơn cử, những vật liệu có bề mặt sáng bóng như nhôm, kính mang tính dương, giúp khí di chuyển nhanh hơn. Ngược lại, bề mặt nhám, thô, sậm lại có tác dụng làm chậm dòng khí. Do vậy, đối với khu vực cần sự năng động như phòng làm việc, phòng khách, sử dụng chất liệu hiện đại như nhôm, inox... mang tính dương là sự lựa chọn phù hợp.

Với những căn phòng hay khu vực cần tới sự yên tĩnh, thư thái như phòng ngủ, phòng giải trí, nên sử dụng các vật liệu mang tính âm, xuất xứ từ thiên nhiên như gỗ, mây, tre, lục bình... Những vật liệu này sẽ cho bạn cảm giác tĩnh tâm, yên bình và tốt cho sức khỏe.

Một vài cách lựa chọn vật liệu theo ngũ hành. Gỗ thuộc hành Mộc. Các loại gỗ có bề mặt nhẵn bóng sẽ giúp khí lưu chuyển nhanh, nên dùng lát sàn nhà. Các loại đá ốp tường thuộc hành Thổ. Chúng mang lại cảm giác vững chắc, thích hợp để lát cầu thang, mặt bếp nấu.

Thép, inox có bề mặt bóng sẽ làm tăng tốc độ lưu chuyển khí. Nên dùng kim loại cho khu vực ứ đọng như bếp hoặc nhà tắm. Thử đi sâu hơn về căn phòng tắm. Xét phong thủy ở đây cần thấy rằng khuynh hướng mới trong việc thiết kế các thiết bị cho nhà tắm không chỉ dựa trên công năng, cũng không chỉ vì lý do thẩm mỹ, mà phải xuất phát từ khởi nguồn của “câu chuyện” tắm, đó là nước, cái yếu tố chính yếu nhất đã sáng tạo ra hình hài của tự nhiên trên trái đất này.

Nước nghĩa là tinh khiết, nước là tự nhiên, là sự liên tục không ngắt quãng. Cho nên, việc sử dụng đặc tính tự nhiên của các vật liệu thuần khiết như gốm, cẩm thạch, đất nung hay kim loại, thuỷ tinh, tráng men hay gỗ… trong thiết kế phòng tắm sẽ giúp gia tăng xúc giác và sự nhạy cảm của con người.

Tiếp xúc với các đồ vật từ các vật liệu ấy, và với chính thứ vật liệu tự nhiên nguyên thuỷ nhất là nước, sẽ làm gia tăng mối quan hệ rất hồn nhiên, rất vô tư của chúng ta với thứ vật chất lỏng khởi nguồn của sự sống.

Các vật liệu này sẽ định hình cái nền cho các đồ dùng thường ngày tưởng là quá quen thuộc của chúng ta trong phòng tắm: cái cọ, cái bàn chải, cái vòi nước, dầu tắm, nước hoa, xá phòng, khăn lông…

Xét về mặt tương quan của ngũ hành, trong mối quan hệ với nước, cơ thể ta, cảm xúc của ta luôn yêu cầu sự an tĩnh thông qua dáng vẻ tinh giản, nhẹ nhàng. Cho nên những yếu tố hay vật dụng của “cái nơi tắm” ấy, thay vì chỉ thể hiện công năng của mình, thì tốt hơn nên mang đến cho con người một cảm giác trở về với chính mình như một thành phần của tự nhiên bình yên.

Do vậy, sự hấp dẫn của các vật dụng ấy không phải là tự mình rực rỡ tràn lấp mọi thứ mà là ẩn mình như một chi tiết, cái chi tiết của một tổng thể toàn vẹn.

Khi đã vượt qua được cái hào nhoáng bề ngoài rồi thì sự tập trung sẽ hướng đến sự thú vị của sử dụng và những cảm giác của sự đụng chạm, của xúc giác.

Trong cái phòng tắm như vậy, không gian sẽ toát lên sự thân mật, gần gũi, một chút cô tịnh tách biệt với bên ngoài, chính cái không khí ấy làm cho mọi cảm xúc của ta đạt cao trào, và chính lúc ấy, ta trở nên nhạy cảm với từng sự đụng chạm, từng bề mặt lạnh hay ráp, từng bờ cong chắc và dịu… Tất cả như những tiền đề để mỗi chúng ta khám phá lại về tự nhiên nguyên thủy.

Theo Tìm Nhanh

CÁC TIN KHÁC