Trong quan niệm của người phương Đông, mỗi con vật đều gắn với biểu tượng tâm linh nhất định. Trong đó, sư tử là một trong những loài được coi trọng nhất.
Sư tử đá là biểu tượng phong thủy để hóa giải sát khí.
|
Phân biệt sư tử đực và cái Sư tử phong thủy bao giờ cũng được tạc thành đôi, để duy trì sự cân bằng âm dương trong môi trường. Con đực tựa một bàn chân lên quả cầu còn con cái thì kìm giữ chú sư tử con nghịch ngợm nằm ngửa dưới móng vuốt của mẹ. Nhiệm vụ của sư tử cái là lo lắng cho công việc nội bộ gia đình bên trong tòa nhà, trong khi sư tử đực bảo vệ chính tòa nhà. Con đực thể hiện năng lượng dương với chiếc miệng há rộng, trong khi con cái mang năng lượng âm với miệng ngậm chặt. Trong tư thế đầu hơi nghiêng, cặp sư tử với cặp mắt sắc sảo đang dè chừng những kẻ có tà ý, không cho chúng tiến vào dinh thự hay công sở. Vẻ ngoài hung tợn của cặp sư tử này giúp xua đuổi mọi nguy hiểm. |
Sư tử được phong là chúa tể của muôn loài. Thần thái của sư tử có nét thâm trầm của bậc đế vương. Chính vì vậy, các nhà phong thủy đã lưu ý đến loài vật này từ lâu. Theo đó, sư tử trong phong thủy được dùng để giải trừ nhiều loại hình sát trước nhà. Đồng thời, nó còn có tác dụng tăng thêm uy phong cho cơ quan hay công ty lớn, tăng thêm sinh khí cho ngôi nhà dựa theo thuật phong thủy. Nó hay được dùng để hóa giải trong các trường hợp: nhà ngay giao lộ, cột đèn trước cửa, cây to trước cửa hay cửa sổ…
Hình tượng sư tử khởi phát từ hai quốc gia là Trung Quốc và Ấn Độ. Ở Ấn Độ, dân gian quan niệm một số Thần, Phật “đi mây về gió” bằng việc cưỡi lên lưng sư tử, như Bồ Tát Văn Thù hay một số Kim Cương bản tôn của Mật tông, còn hiện ra hình hài của sư tử. Theo tương truyền lúc đức Phật ra đời cũng phát ra tiếng gầm đầy uy lực, dũng mãnh, giống như tiếng gầm của loài sư tử. Ở Trung Quốc, vị trí của sư tử chỉ đứng sau rồng. Rồng là tượng trưng cho dòng dõi hoàng đế, còn sư tử là tượng trưng cho giới quý tộc, thường được đặt ở cửa vào phủ các vị trọng thần. Ngọ môn thường đặt một đôi sư tử đá. Đôi sư tử đá này thực tế không chỉ bảo vệ mà còn có ý nghĩa bảo đảm, giữ vững địa vị và quyền lợi, có thể đón khí vượng, chiêu tài nạp cát. Sư tử cũng được cho là có khả năng tuyệt vời bảo vệ các chốn linh thiêng, vì vậy thường được chọn đứng gác ở cổng đền chùa. Người ta cũng hay bài trí những bức tượng sự tử đá to lớn ở hai bên cửa chính hoặc dọc theo lối vào các dinh thự. Đôi khi cũng có thể gặp tượng sư tử đá bảo vệ phần mộ của tổ tiên.
Sư tử đóng vai trò rất quan trọng trong phong thủy hiện đại. Biểu tượng sư tử đã được các nhà lãnh đạo Singapore khéo léo khai thác, mang lại sự thịnh vượng cho quốc đảo này. Tượng Ngư Sư Merlion lần đầu tiên được thiết kế thành biểu tượng của Hiệp hội Quảng bá Du lịch Singapore vào năm 1964. Đó là hình ảnh con thú đầu sư tử, mình cá đang cưỡi trên ngọn sóng. Sau đó, nó nhanh chóng trở thành biểu tượng của đảo quốc Singapore trên thế giới. Hiện nay, bất kỳ ai muốn đặt một đôi sư tử phong thủy trước cửa nhà và chỉ cần có đủ không gian thì đều có thể tiến hành. Sư tử phong thủy cũng không có hạn chế về mặt chất liệu nữa, có cả sư tử đá, đồng, thạch cao,... song phổ biến nhất vẫn là sư tử đá.
Theo quan điểm của một số nhà phong thủy hiện đại, sư tử được coi là có khả năng đặc biệt chống lại những mất mát tài chính bất ngờ, ngăn ngừa dòng tiền chảy ra, giúp giảm bớt khó khăn và cải thiện tài vận. Nó cũng giúp mang lại vinh quang cho lãnh đạo của công ty hay ông chủ của gia đình. Sư tử là biểu tượng dũng mãnh bảo vệ các cung điện, lâu đài, biệt thự, khách sạn, ngân hàng, cơ sở kinh doanh và cửa hàng bán đồ trang sức quý. Khi được dùng làm logo của nhiều công ty, nó giúp mang lại sự phát triển nhanh chóng. Người ta tin rằng, hình ảnh sư tử đã mang lại lợi ích cho nhiều quốc gia, công ty và cá nhân. Song không thể phủ nhận, tác dụng phong thủy lớn nhất của sư tử được công nhận từ xưa tới nay là tránh tà khí và hóa giải sát khí, đón tài lộc.
Tránh tà khí: Chức năng đầu tiên quan trọng của sư tử phong thủy đó là có thể tránh tà. Trong quan điểm phong thủy nói chung, môi trường mà gia chủ đang sinh sống có thể có nhiều tà khí. Những tà khí này chỉ cần điều kiện nhân duyên phù hợp là sẽ “tác oai tác quái”, quấy nhiễu hạnh phúc, phá hoạt trật tự bình thường của gia chủ. Hình tượng của sư tử uy phong dũng mãnh, có khả năng chinh phục tà khí. Đặt một đôi sư tử trước cửa lớn có thể làm bùa trấn phong thủy cho ngôi nhà mà không hề ngăn chặn khí lành.
Hỏa giải sát khí, đón tài lộc, hoá giải vận hạn: Sư tử phong thủy cũng chủ trị hóa sát khí. Trong môi trường lớn có rất nhiều loại sát khí, ví dụ như một số đá lởm chởm hoặc là góc nhọn, nghĩa địa, đường nước thải, ống khỏi nhả khí thải... ngay phía trước ngôi nhà thì phương pháp hoá giải sát khí tốt nhất đó chính là cải thiện môi trường, đây là điều cơ bản nhất của phong thủy. Nhưng môi trường bên ngoài không phải chúng ta có thể sắp đặt được, cho nên dùng phương pháp khác để điều tiết. Sư tử phong thủy chính là một trong những phương pháp đó. Đặt sư tử ở nơi có sát khí thì có thể hóa giải được, giảm thiểu tai họa.
Nhìn chung, sư tử phong thủy có tác dụng trừ tà khí, sát khí. Ý nghĩa của nó đối với tài khí chính là ở điểm có thể bài trừ trở ngại tiền tài, làm cho việc kinh doanh được tăng trưởng. Ngày nay, những nơi sử dụng sư tử phong thủy nhiều nhất là các cơ quan doanh nghiệp. Họ đặt một đôi sư tử ngay trước cổng lớn để có thể bài trừ vô số các trở ngại gây ra cho công việc.
Nguyên tắc đặt sư tử theo phong thủy
Nguyên tắc đặt sư tử phong thủy đầu tiên chính là cách đặt sao cho đẹp đôi, không được đặt một đôi sư tử đều là đực, hoặc đều là cái. Phải đặt một con đực một con cái, để chúng thành một cặp nằm ở hai bên phải và trái. Điều này sẽ giống như một cặp vợ chồng không thể tách rời nhau, nếu như tách rời nhau sẽ mất đi hiệu lực. Cho nên lúc mua thì phải mua cả đôi.
Tiếp đó, cách đặt sư tử là vào hai bên trái và phải, con nào nên đặt ở bên trái thì đặt nó ở bên trái, con nào nên đặt ở bên phải thì đặt nó ở bên phải. Không được đảo hai bên cho nhau, nếu không sẽ mất đi ý nghĩa hóa giải sát khí, trừ tà. Thường thì con đặt bên trái là con đực, bên phải là con cái. Trường hợp có một con vỡ (hỏng) thì phải thay đôi hoàn toàn mới. Tuyệt đối không dùng lại con cũ.
Thứ ba, sư tử mặc dù là loài thú may mắn nhưng dù sao thì vẻ mặt nó cũng rất hung dữ cho nên bản thân nó cũng có sát khí, không được để cho đầu sư tử đối diện với phòng ở, nếu không có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của các thành viên trong gia đình hoặc là nhân viên trong phòng, dễ sinh ra tai họa. Muốn sư tử phong thủy hóa giải được sát khí thì phải để đầu sư tử đối diện vối bên ngoài hoặc là đặt ở đối diện cửa chính, đặt ở ngoài bệ cửa sổ đều được.
Tượng sư tử nên đặt ở hướng Tây Bắc. Phong thủy cho rằng, sư tử thuộc quái Càn (Kim), phương Tây Bắc hành Kim. Vì thế, các tượng sư tử, nhất là sư tử bằng đồng, bằng kim loại nên đặt theo hướng này sẽ phát huy được công hiệu. Cũng có thể đặt sư tử ở hướng Tây, tại hướng này nên dùng sư tử đá tuy nhiên phải dùng keo dính hoặc xi măng gắn chặt không để xê dịch hoặc bị rơi.
DiaOcOnline.vn - Theo Gia đình
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: