Bài viết của nhà phong thủy Qúy Hải nhằm hướng dẫn các bước xem phong thủy căn bản, hệ thống chuẩn mực phải có khi xem phong thủy đối với người thực hành phong thủy.
Để tinh thông học thuật phong thủy thì rất khó, cần đầu tư thời gian, công sức, trải nghiệm nhiều, nhưng để xem phong thủy nhà ở các bạn cần phải tuân, thứ 1 là xem phong thủy bên ngoài nhà; thứ 2 là xem phong thủy bên trong nhà, theo các bước sau:
A. Phong thủy bên ngoài nhà:
1. Kiểm tra phong thủy xung quanh nhà: Việc xem phong thủy bên ngoài nhà, nghĩa là kiểm tra xem môi trường xung quanh căn nhà, bạn cần phải kiểm tra xem có công trình lớn hoặc chướng vật đối diện với nhà bạn hay không, chẳng hạn: nhà hàng xóm, cửa nhà hàng xóm có đối xung, nhà cao tầng, cột điện, tháp nhọn của nhà thờ, đền, chùa, miếu mạo, dòng sông, ao hồ hoặc con đường dài vừa đúng hướng vào cửa chính nhà bạn - những thứ này đều có sức ảnh hưởng rất lớn đến phong thủy của nhà bạn...
2. Kiểm tra phong thủy lối vào: Điều trước tiên, đừng nên trồng cây hay cột đèn trang hoàng trước ngay cổng chính sẽ ảnh hưởng sinh khí vào trong nhà, nếu cây có tàn lớn cần cắt tỉa thường xuyên vì có thể dẫn đến vấn đề khó khăn về tài chính. Lối đi từ vườn dẫn vào trong nhà phải không bị cản trở hay phải dọn dẹp những đồ hỗn độn, rác rến phải đậy lại và phải để xa lối vào nhà. Vì theo phong thủy học lối đi lấy sự thông thoáng làm trọng.
Phải chắc chắn không có bất cứ đồ vật gì ngăn chặn luồng khí lưu thông, ngoài ra luồng khí từ ngoài vào cần phải tập trung trong căn nhà một cách nhanh nhất. Trước cửa trong ngoài sáng sủa rộng rãi, bởi vậy cần di dời bất cứ vật chặn nào.
Điều quan trọng, đừng đổi lối vào của cửa chính hay lối vào ngoại viên, vì sự thay đổi đó sẽ làm thay đổi chính yếu trong tòa nhà, ngoại trừ bạn được sự thẩm định của thầy phong thủy chuyên nghiệp, vì bạn có thể tạo sự khó khăn lớn cho chính mình.
3. Kiểm tra phong thủy sân (minh đường) trước nhà: Có nhiều cách phân tích khác nhau có thể quyết đoán một cách chính xác những ảnh hưởng của sân đối với những thành viên trong gia đình, trong thời điểm nào và như thế nào theo trường phái Huyền không Phi Tinh và Huyền không đại quái. Đây là những qui luật căn bản tổng quát theo phong thủy hình thế thường áp dụng:
- Vườn đàng trước nhà nên mở rộng và tự do trong khi vườn đàng sau nên có tính cách cá nhân và riêng tư (kín đáo) nhằm tránh tán khí.
- Những vật thể vườn trước nhà thường ảnh hưởng tương lai, cũng có thể là tài lộc.
- Những vật thể vườn sau nhà thường ảnh hưởng sức mạnh, phần lớn là sức khỏe, con người.
- Những vật thể bên trái của nhà ảnh hưởng nam chủ nhân hay nam giới trong nhà (trong nhìn ra ngoài).
- Những vật thể bên phải của nhà ảnh hưởng nữ chủ nhân hay nữ giới trong nhà (trong nhìn ra ngoài).
4. Kiểm tra phong thủy tường rào: tường bao xung quanh nhất định cần có sự hài hòa tương xứng không chỉ để ngôi nhà của bạn đẹp về mặt mỹ quan mà còn rất quan trọng về mặt phong thủy:
- Tường không nên quá cao so với nhà, trong kiến trúc học tường quá cao cũng là một điều không tốt;
- Tường cũng không nên quá thấp, sẽ không phát huy được chức năng chính là tránh tiếng ồn và ô nhiễm, đặc biệt là trong cuộc sống hiện đại;
Ngoài ra theo lý thuyết phong thủy thì tường bao quanh cao hơn nhà là điềm không may;
- Tường không nên xây quá gần nhà vì sẽ tạo cảm giác bức bối, vướng víu chân tay, hạn chế khả năng hứng ánh sáng và thông gió;
Cẩn thận với những hàng rào có hình dạng hay thiết kế với những kiểu nhọn nếu chĩa vào trong nhà sẽ hại cho chủ nhà hay sẽ hại người láng giềng nếu chĩa vào nhà người khác. Phải cố gắng tạo phong thủy tốt hài hòa cho chính mình nhưng cũng không nên làm thương tổn bất cứ ai.
5. Kiểm tra phong thủy hình thế, hình dạng nhà: Nếu như nhà bạn không phải hình vuông hoặc chữ nhật, thì cần xem lại nhà bạn bị khuyết ở góc nào. Góc khuyết biểu tượng cho 1 phương hướng nào đó trong bát quái không cách nào đối ứng với căn nhà. Dưới đây là một vài lý luận theo phong thuỷ hình thế:
Luận về ngoại hình nhà ở, phàm mé bên tả có lưu thủy (sông, dòng chảy), thuật phong thủy gọi là có Thanh Long, mé hữu có đường dài, gọi là Bạch Hổ, phía trước có ao hồ gọi là Chu Tước, đằng sau có gò cao gọi là Huyền Vũ, thì là đất cực quý.
Nhà trước thấp, sau cao, chủ phú quý. Còn trước cao sau thấp thì bất lợi, lớn bé trong nhà không có tôn ti trật tự,..
Xây lầu chớ nên xây quá cao so với xung quanh, cao quá tất nguy hiểm, dễ bị người nhòm ngó, công kích.
Nhà láng giềng bốn phía đều cao, nhà mình không nên làm quá thấp. Nếu thấp so với mé bên tả, chủ về xuất hiện cô phụ, nếu thấp so với bên hữu, chủ khắc thể.,...
B. Phong thủy bên trong nhà:
1. Lập sơ đồ nhà (bản vẽ căn nhà): Các bạn cần phải đo chính xác chiều dài, chiều rộng của căn nhà là bao nhiêu mét (hay feet), thể hiện chúng lên giấy trắng thống nhất đơn vị đo lường, nếu quen dùng mm là mm hết, mét là mét hết, feet là feet hết, inch là inch hết cho cả chiều dài, chiều rộng và các bộ phận khác. Các bạn nên vẽ trước chiều rộng (ngang) và chiều dài (sâu) của căn nhà lên giấy trước, tỷ lệ kích thước trên sơ đồ phải chính xác để khi phân 8 cung trong nhà không sai lệch (bước sau).
Kế đến, ta vẽ lần lượt cách bố trí cuả căn nhà, như cửa chính, cửa sau, cửa sổ, phòng khách, phòng ăn, bếp, phòng ngủ, phòng vệ sinh, cầu thang, v.v., theo từng khu vực trong khuôn viên của 4 bức tường. Dĩ nhiên là phải đo kích thước và tính tỷ lệ trước khi vẽ, ví dụ nếu ta muốn vẽ vị trí bếp thì phải đo xem nó cách bức tường phía trước (hay phía sau) khoảng bao nhiêu. Và cách bức tường bên phải (hoặc bên trái) khoảng bao nhiêu. Rồi nó lớn khoảng bao nhiêu. Và nhìn về bức tường nào?..Nhớ là vẽ thêm tất cả các tầng lầu (nếu có).
2. Kiểm tra phong thủy cổng, cửa chính: Cổng và Cửa chính của một căn nhà vừa là nơi mọi người đi ra đi vào, đồng thời còn là con đường thông dẫn khí từ bên ngoài vào bên trong nhà. Vì vậy, cần phải hết sức lưu ý khi thiết kế cửa chính trong toàn bộ bố cục của một căn nhà:
- Tránh cửa đối cửa
- Tránh cửa chính thẳng với cửa sổ
- Tránh cửa chính và cửa nhà vệ sinh xung nhau
- Tránh góc tường nhọn chiếu vào cửa
- Cổng và cửa chính đúng phong thủy phải tùy theo ngôi nhà lớn nhỏ mà quyết định độ lớn nhỏ (tỷ lệ cân đối):
- Cổng, cửa chính kéo vào khi đi ra tốt hơn là kéo ra khi đi vào.
- Cổng, cửa chính phải có tính cách mời gọi, mở ra dễ dàng.
- Không nên che, bít kín cổng, cửa chính với những dây leo.
- Luôn luôn giữ gìn sạch sẽ cổng, cửa chính, không nên để bị rỉ sét.
3. Kiểm tra phong thủy phòng khách: Phòng khách là không gian sinh hoạt chung đặc biệt quan trọng trong một ngôi nhà. Nó thể hiện phong cách và đặc điểm của mỗi gia đình. Phòng khách có quan hệ đến sự hưng suy của cả nhà, đó là tài vận, sự nghiệp, danh vọng, quý nhân...Một số tiêu chuẩn cần có của phòng khách:
- Phòng khách không xa cửa chính
- Ánh sáng đầy đủ hợp lý
- Trần không nên quá thấp, có ít dầm xà càng tốt.
- Hình dạng vuông vứt, hoặc tròn, tránh góc cạnh, hẹp, dài,...
4. Kiểm tra phong thủy bếp: Bếp là nơi cung cấp lương thực, sức khoẻ cho cả gia đình. Nên khi thiết kế phòng bếp cần phải chú trọng những điều sau:
- Phòng bếp phải tàng phong, tụ khí là hợp nhất.
- Bố trí phòng bếp nên để cách xa phòng ngủ
- Bố trí phòng bếp nên tránh phòng khách nhìn thấy bếp
- Tránh bếp gặp trực xung đối môn
- Tránh bếp bị trực xung thủy – hỏa
- Tránh xú uế và tác động va chạm
- Tránh đặt giường ngủ hoặc các chỗ sinh hoạt ngay trên chỗ nấu bếp
5. Kiểm tra phong thủy phòng ngủ: Phòng ngủ có quan hệ vô cùng mật thiết đối với sinh lý, tâm lý, nó liên quan tới vận khí tốt xấu của một người, Vì chức năng chủ yếu của phòng ngủ là nghỉ ngơi, cho nên, khi lựa chọn, bố trí phòng ngủ trước hết cần chú ý đến sự yên tĩnh, ấm cúng, đảm bảo sự riêng tư, thông thoáng, không khói bụi, không mùi hôi, không bị nhìn trộm thì mới tạo cho con người cảm giác thoải mái. Như vậy mới có thể có giấc ngủ sâu và lấy lại tinh lực (sinh khí) cho ngày mới. Xem thêm bài: Phong thủy phòng ngủ: Sức khỏe và sự thịnh suy của bạn.
6. Kiểm tra phong thủy phòng làm việc (đọc sách): Phòng làm việc hợp phong thủy sẽ có lợi về mặt học hành, thi cử, thúc đẩy vận khí chung của ngôi nhà, đồng thời thúc đẩy những luồng năng lượng hữu ích cho việc cầu danh, thăng quan tiến chức cũng như tạo sự thuận lợi trong công tác.
- Phòng đọc sách cũng cần thông thoáng;
- Phòng đọc sách cần tạo không gian tương đối tĩnh lặng;
- Tránh bố trí phòng đọc sách ở phía dưới toilet hay nhà vệ sinh;
- Tránh cửa phòng đọc sách hướng thẳng với cửa phòng vệ sinh hoặc phòng bếp.
- Khi đặt bàn viết, cần chú ý về phong thủy tránh những điều sau:
- Kê bàn ngay dưới xà ngang
- Kê bàn viết sát đối diện với cửa sổ
- Kê sát cửa phòng
- Kê ngay chỗ cửa sổ hành lang
- Ghế ngồi quay lưng ra cửa. Người ngồi quay lưng trực tiếp ra cửa sổ
7. Kiểm tra phong thủy phòng thờ: Theo phong thủy, nếu việc thờ cúng không tốt, vị trí bàn thờ không phù hợp sẽ ảnh hưởng xấu đến vận khí và sự may mắn của gia chủ. Do đó, khi đặt bàn thờ, bạn phải tránh các điều kiêng kỵ sau:
- Không đặt bàn thờ sát nhà tắm.
- Không đặt bàn thờ ở lối đi lại.
- Không đặt bàn thờ trên nóc tủ.
- Không lấy gỗ đã qua sử dụng để làm bàn thờ.
- Bàn thờ tổ tiên và bàn thờ Phật không nên đặt đối nhau.
- Bàn thờ không được đặt trong phòng ngủ, nhất là phòng ngủ của vợ chồng
- Không được để kính chiếu vào ban thờ
- Bàn thờ kiêng kỵ bị dầm nhà đè xuống
- Không được để vật nhọn xung chiếu vào bàn thờ.
8. Kiểm tra phong thủy vệ sinh - tắm: Phòng vệ sinh không chỉ là nơi tắm rửa, vệ sinh mà còn là nơi hòa dịu áp lực cuộc sống, giải tỏa mọi sự mệt mỏi của thể xác và tinh thần sau một ngày làm việc vất vả. Khi thiết kế phòng vệ sinh cho gia đình, bạn cần lưu ý một số nguyên tắc phong thủy sau:
- Đặt ở phương hung, tránh đặt phương lành;
- Phòng vệ sinh tuyệt đối không nên được xây ở giữa trung tâm của ngôi nhà;
- Tránh nhà vệ sinh nhìn thẳng ra cửa chính;
- Bồn cầu không được trực tiếp xung với cửa;
- Cửa phòng vệ sinh không được đối diện thẳng với phòng ngủ;
- Tránh phòng vệ sinh đối diện với bếp;
- Nhà vệ sinh cũng cần được giữ gìn sạch sẽ, thoáng đãng.
DiaOcOnline.vn - Theo Phong thủy huyền không
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: