Hãy cùng nhớ lại những ngày này năm ngoái: 17 - 5 - 2006, bão Chanchu (bão số 1) xuất hiện trên biển Đông, dù không đổ bộ vào Việt Nam nhưng đã làm thiệt mạng hơn 200 ngư dân Việt Nam đang đánh cá ngoài khơi.
Một ngôi nhà đổ nát sau cơn bão
Xangsane ở Đà Nẵng năm 2006.
Trong ngôi nhà này chẳng có góc
nào gọi là an toàn.
Ngày 1 - 10 - 2006, Bão Xangsane (bão số 6) tàn phá miền Trung, đi thẳng vào Đà Nẵng gây ra hoang tàn và nhiều thương vong cho thành phố lớn này. Ngày 4 - 12 - 2006, bão Durian (bão số 9) tàn phá Bà Rịa - Vũng Tàu và Bến Tre… Cảnh tượng trước bão là hàng chục ngàn cư dân phải di tản khỏi nhà để tránh bão, có người ở Quảng Nam phải đào hầm trú bão theo kinh nghiệm dân gian và cảnh tượng sau bão là hàng ngàn căn nhà sụp đổ…
Như vậy, có mấy điều cần lưu tâm: Bão tố ngày càng hung hãn hơn và tấn công khắp nơi - tức không còn tồn tại "vùng không bão" ở miền Nam như trước đây; Kiến trúc trong các vùng bão của chúng ta hiện chưa phù hợp trong chống bão; Cư dân Việt Nam hiện tập trung sống dọc theo ven biển (nơi dễ tổn thương do bão nhất) nhiều hơn trước với hàng ngàn resort sát biển suốt chiều dài lãnh thổ; Tất cả đều chưa được huấn luyện sống sót và đối phó với hiểm hoạ thiên nhiên này (cứ mỗi cơn bão di tản hàng trăm ngàn người không phải là một giải pháp hay).
Những ngôi nhà bị đổ sụp hoàn
toàn sau cơn bão.
Một trong những giải pháp quan trọng của cư dân các vùng có bão tố, lốc xoáy hoành hành trên thế giới là quy định xây phòng an toàn chống bão ngay trong nhà (gọi là safe room - SR). Đây là một giải pháp nên suy nghĩ ở nước ta.
Theo kinh nghiệm tại Mỹ, các SR đã cứu sống sinh mạng nhiều người khi nhà sập do bão. Ở ta, việc xây toàn bộ căn nhà kiên cố thì tốn kém, nhưng nếu tạo ra một góc kiên cố vài m² thì lại khả thi. (Dân cư miền Trung từ thời chiến tranh đã có nhiều kinh nghiệm về xây hầm trong nhà để tránh đạn pháo hay đào hầm tránh bão ngoài sân nhà…).
Nhìn hàng ngàn căn nhà bị bình địa tại Đà Nẵng hay cảnh vận động, nài ép người dân rời nhà tránh bão trước đó, ta nhận ra một giải pháp dung hoà khả thi: xây dựng một SR tại nhà vừa bảo đảm an toàn tính mạng cho dân vừa giải quyết được cái khó của việc di tản hàng chục ngàn người…
Nhà bị tốc mái sau khi bão thổi qua.
Mặt khác, đừng quên các khu resort ven biển. Vừa rồi tại Đà Nẵng, cơn bão Xangsane đã phá tan phòng họp một hội nghị tiền APEC tại khu du lịch Furama, suýt làm đình trệ một hội thảo quan trọng.
Nhưng, xin nhớ, Furama dù sao cũng là một resort thuộc loại kiên cố, chứ, hãy thử đến tất cả các resort ở Phan Thiết, Long Hải, Hội An… bạn sẽ nhận ra kiến trúc nhiệt đới rất nhẹ của các bungalow tại đây (mái rơm rạ, cửa kính to để dễ nhìn ngắm, vách gỗ để tạo cảm giác thôn dã...) tất cả sẽ ra sao nếu bão ập tới.
Những khuyến cáo của FEMA (Tổ chức phòng chống thiên tai Mỹ) về xây dựng SR:
Tốt nhất là làm SR ngay khi xây nhà mới. Chứ để sau đó mới cải tạo và xây thêm thì sẽ khó hơn.
Khi xây SR chống bão cần chú ý: khác với các loại thiên tai như gió xoáy (tornado) chỉ lướt qua vài phút, bão thì kéo dài nhiều giờ, có lúc đến 12 giờ. cho nên SR cần đủ rộng và có một tiện nghi để tồn tại. Kích thước nếu được nên là 1m² cho một người. Nước và các vật dụng tối thiểu, đồ cấp cứu phải được để sẵn trong SR (kể ca để đi toilet). Các nguy hiểm của bão ngoài sập nhà còn là các vật liệu nhọn, sắt bay khắp nơi với tốc độ cực lớn (như tôn, các mảnh gỗ, sắt…) thường dễ gây thương vong. Và tiếp nữa, còn là nước biển dâng trào trong những vùng ven biển.
Do đó, khi xây nhà mới có một safe room hay xây thêm safe room cho nhà cũ cần nhớ:
Thứ nhất, kết cấu tường của SR phải độc lập (không gắn kết) với kết cấu nhà. Điều này giúp cho SR không bị kéo sập khi nhà bị sập.
Thứ hai, nếu bạn định chọn phương cách gia cố một phòng của nhà (phòng tắm, nhà kho…) để làm SR, nhớ phải gia cố tường thật kỹ để tránh tình trạng các vật nhọn có thể đâm thủng.
Thứ ba, ở những nơi quá gần biển và có khả năng nước biển dâng cao khi có bão thì không nên làm SR, trừ phi bảo đảm các SR nằm cao hơn mức dâng trào ấy.
Sơ đồ 1, 2: cho thấy cách gió bão áp lực lên tường và mái gây tốc mái hay sập nhà. Điểm cốt yếu ở đây là khi gió bão phá vỡ một cánh cửa và tuồn được vào nhà thì áp lực gió từ cả ngoài lẫn trong sẽ dễ dàng phá huỷ nhà.
Sơ đồ 3: là cách xây một SR trong nhà trệt bình thường.
Sơ đồ 4: Nhiều khu resort ven biển xây nhà sàn cho các bungalow. Việc tạo một SR cho loại nhà này khó hơn vì nguyên tắc cấu trúc SR phải không gắn kết với cấu trúc nhà. Do đó khi xây SR ở đây lại phải làm một nền móng riêng cho nó. Chuyện này có thể gây mất thẩm mỹ cho nhà sàn. Tốt nhất là xây một SR bên ngoài trên đất nối thông với nhà sàn.
Sơ đồ 5: Một số nhà Pháp cổ và cũ ven biển như thấy ở Long Hải, nếu nhà có tầng hầm kiên cố thì xây SR ở đây là thuận lợi, SR nên dựa vào góc tường nhà, có thông thoáng tốt và phải trên mức nước biển dâng tràn.
Sơ đồ 6: Góc tường hầm, một góc lồi có 3 mặt tựa, đứng độc lập.
Sơ đồ 7: Ở tầng trệt, góc phòng tắm, nhà kho, phòng giặt…
Một vài vị trí trong nhà thuận lợi để gia cố và tạo ra một SR: | |
Sơ đồ 1 hướng gió luồn vào nhà áp lực lên tường. | Sơ đồ 2 hướng gió luồn vào nhà áp lực lên mái. |
| |
Sơ đồ 3. | Sơ đồ 4. |
| |
Sơ đồ 5. | Sơ đồ 6 các nơi có thể đặt phòng an toàn tại tầng hầm. |
Sơ đồ 7 các nơi có thể đặt phòng an toàn tại tầng trệt.
Theo Sài Gòn Tiếp Thị
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: