Ánh sáng trời hay còn gọi là nguồn sáng tự nhiên luôn được cho là cần thiết cho một ngôi nhà cũng như các thành viên cư ngụ. Trong thiết kế kiến trúc, việc tạo ra các “cửa” lấy sáng cho nhà ống sẽ là một giải pháp tốt tạo nên mối quan hệ thân thiện, gần gũi giữa con người với thiên nhiên bên ngoài.
“Cửa” lấy sáng cho nhà ống
Giếng trời ở khu vực buồng thang và các cửa sổ từ các phòng ốc trong nhà được
trổ ra giếng trời để nhận ánh sáng và gió. Ảnh: CTV- H.TR.
Với một căn nhà phố thông dụng vốn bị bao bọc giữa ba bức tường kín, để tạo sự thông thoáng và có thêm nguồn sáng cho các phòng ốc phía sau nhà, bạn có thể tham khảo kiến trúc sư để mở thêm các khoảng thông tầng hoặc giếng trời ở khoảng giữa hoặc sau nhà. Từ khoảng thông tầng này, bạn có thể trổ ra nhiều cửa sổ để tận dụng nguồn sáng cho các phòng ốc mà không cần phải sử dụng đèn vào ban ngày.
Các không gian bếp, phòng ăn thiết kế tận dụng nguồn sáng
tự nhiên từ bên ngoài. Ảnh: H.TR.
Với những căn nhà quá “ống”, bạn có thể mạnh dạn thiết kế hẳn những khu “vườn trong nhà” như một dạng sân trong tạo sự gần gũi với thiên nhiên bên ngoài. Bên cạnh đó, việc thiết kế các sân sau hay còn gọi là các khoảng thông gió phía sau nhà cũng là giải pháp tốt để tạo ra nguồn sáng tự nhiên cần thiết cho gian bếp. Có thể mất một ít diện tích sử dụng nhưng bù lại, bạn sẽ “được” nhiều hơn cho các không gian sống cũng như các thành viên trong gia đình.
Bố trí nội thất
Để nguồn sáng tự nhiên được sử dụng hiệu quả cho các phòng ốc, bạn cũng nên bố trí nội thất một cách hợp lý tùy theo nhu cầu của từng không gian sống trong nhà. Theo đó, ngoài cửa đi, các cửa sổ phòng khách có thể được mở rộng tối đa để đưa ánh sáng tràn ngập vào nhà. Bạn cũng không ngại ngần lắm cho việc sắp xếp đồ dùng nội thất như salon, bàn ghế ngoại trừ việc để các loại máy móc như tivi, dàn máy… trực tiếp ngay sát cửa sổ. Với một phòng làm việc, ánh sáng tự nhiên bao giờ cũng cần thiết nhưng cũng cần tránh việc nơi có ánh sáng chiếu trực diện vì sẽ làm chói mắt dẫn đến việc căng thẳng đầu óc.
Không gian sinh hoạt chung và phòng khách được bố trí để tận dụng nguồn sáng
và sự thông thoáng từ khoảng giếng trời ngay giữa nhà. Ảnh: H.TR
Ở các phòng ngủ, bạn có thể tận dụng khoảng thông tầng nhỏ hoặc những khoảng không có sẵn để mở rộng cửa sổ tạo sự thoáng đãng cần thiết. Tuy nhiên, không chỉ trong khoa học phong thuỷ mà ngay cả những quy chuẩn cơ bản có trong thiết kế kiến trúc đều khuyên cần tránh đặt giường ngủ đối diện ngay cửa ra vào hay cửa sổ. Giải pháp tốt nhất là xoay giường song song cửa sổ, để đầu giường áp vào một bức tường cố định để tránh ánh sáng cũng như các luồng khí tác động trực tiếp vào mắt hoặc vào đầu.
Tại các phòng ngủ, nơi được ưu tiên nhận nhiều ánh sáng nhất thường là khu vực trang điểm nên việc bố trí bàn trang điểm hoặc nơi sửa soạn quần áo đầu tóc trước khi ra ngoài. Vì vậy cũng thường được bố trí gần khu vực cửa sổ để tận dụng được nhiều nhất ánh sáng trời bên ngoài.
Bàn trang điểm và nhà vệ sinh được bố trí tận dụng
các nguồn sáng. Ảnh: H.TR. - CTV
Ánh sáng trung thực cần thiết cho việc nấu nướng. Nên bạn cũng cần ưu tiên các nguồn sáng tự nhiên cho khu vực bếp, nhất là khu vực sửa soạn thức ăn và bồn rửa. Không chỉ cần thông thoáng, theo phong thuỷ, bếp lúc nào cũng cần phải giữ để sáng sủa và sạch sẽ để có xung lượng tốt đến thực phẩm. Việc giữ bếp khô ráo và sạch thoáng tương tự cũng giúp cho các dòng khí luân chuyển tốt và việc mở cửa sổ bếp (nếu có) thường xuyên sẽ khuấy động xung lượng cho không gian sống khá quan trọng này trong nhà.
Vũ Vi - Theo Tuổi Trẻ
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: