Top

Trong mỗi người có một ngôi làng

Cập nhật 10/08/2008 10:48

Ngôi làng Ailen xa xôi và khác biệt là vậy, vẫn cứ thấy đâu đó làng mình, ngồi mãi chẳng muốn rời chân. Đâu đó một bến nước, một lò gạch, một cầu tre, một mảng sân con... Đâu đó chum sành đậu hờ bên hông nhà, tưới mát những đứa con đi xa trở về. Đâu đó bếp lửa hồng, cả đời bập bùng tình yêu.

Folk Village, tên đầy đủ là The Ulster Folk Museum, nằm ở ngoại ô thủ đô Belfast của Bắc Ailen. Bạn có thể đón xe buýt từ trạm trung tâm, hoặc trạm ngay bờ sông Lagan, chỉ mất nửa tiếng đồng hồ, và xe sẽ dừng ngay trước cổng bảo tàng.



Làng ở đâu cũng vậy đều cho ta cảm giác thanh
bình và yên ả, đều là nơi gác lại trăn trở
và lo âu…


Folk Village là dạng bảo tàng ngoài trời (open museum) toàn khu rộng khoảng 70 mẫu, bảo tồn và tái hiện chân thực cuộc sống của người Ulster khoảng đầu thế kỷ 20 ở Bắc Ailen. Làng bé, với khoảng vài chục ngôi nhà và vài nông trại. Bên cạnh là một thị tứ nhỏ với đầy đủ các cửa hàng kiểu Victorian san sát nhau, gồm quán ăn, tiệm đóng giày, tiệm sắt, tiệm ảnh, nhà may

Rạp chiếu bóng tầm 30 khán giả. Mỗi ngôi trường chỉ một lớp học. Tương tự như thế với bệnh viện, nhà in, bưu điện, ngân hàng, không bỏ sót chức năng nào. Và vài nhà thờ cũ từ thế kỷ 18…



Những ngôi nhà mái rơm vàng xinh xắn
vẫn còn người ở


Hôm ấy mưa lất phất. Trời lạnh và âm u cả ngày, song mặt người sáng lắm. Gần nửa buổi chiều tôi ngồi trong ngôi trường tiểu học bé xíu. Lũ trẻ con nghịch ngợm cứ chạy ra chạy vào và hét vang trên con đường làng lót sỏi. Người lớn thì quây quần bên những chiếc bàn gỗ dày và thô, mặt bàn nguệch ngoạc vết khắc. Lọ mực gắn ngay trên mặt bàn, bàn tính và viết tre nằm lăn lóc. Thân thuộc vô cùng những ngày xưa cũ tưởng rằng đã nhạt.

Người phụ nữ ngồi phía sau tôi nắn nót ghi: Hungary. Người bên cạnh cũng tham gia: Ucraina, America. Và cứ thế tiếp tục. Dĩ nhiên, trên mảnh giấy ấy tôi cũng viết hai chữ: Viet Nam… Chưa bao giờ tôi cảm nhận trái đất rộng lớn đến vậy và cũng nhỏ bé đến vậy. Chúng tôi, những người già trẻ khác nhau, quốc tịch khác nhau, về đây cùng lắng nghe tiếng kèn túi da diết mông mênh, cùng bỏ quên thời gian ngoài khung cửa và thấy như đã hiểu nhau từ lâu.



Làng bé, với khoảng vài chục ngôi nhà
và vài nông trại


Trong những ngôi nhà mái rơm vàng xinh xắn vẫn còn người ở. Nhà bé, cửa đi bé, cửa sổ bé, cầu thang bé, những căn phòng cũng bé nốt. Mọi bếp than đều đỏ rực. Cảm giác thật dễ chịu mỗi khi bước qua từng ngưỡng cửa, trút hết lạnh giá và bon chen náo nhiệt bên ngoài, chỉ còn hơi ấm sực nức lặng lẽ ôm lấy mình.

Rất lâu tôi ở đó và ngắm nhìn như bị mê hoặc con mèo tam thể đang lười biếng nằm ịch bên chân cô chủ, và cô đang ngồi khâu gì đó… Vâng, y hệt những bức tranh trong truyện cổ tích ngày bé chúng ta hay đọc, nhưng bức tranh hiện thực sống và cảm động hơn nhiều. Vụn bánh mì vung vãi trên chiếc thớt gỗ trên bàn. Tiếng gà rù rì ngoài sân. Mùi tách trà thoảng trên tay. Ngoài kia, cỏ lấm tấm cúc trắng...



Lớp học bé xíu trong ngôi trường
tiểu học ở Folk Village


Mộc mạc vậy, nhưng đó chẳng phải giấc mơ của rất nhiều người hiện tại hay sao? Tôi bật cười rồi mải mê nhìn đàn heo con đang say sưa bú mẹ. Nghe mùi đất thơm nồng, cái mùi tường đất quê nội ngày còn rất bé. Cũng ẩm và thấp như thế trong gian nhà nhỏ tối ấy, bà vẫn hay đãi tôi món cơm nguội với mắm cua.

Món ăn của bà nội, món ăn ấu thơ luôn là một trong những thứ ngon nhất đẹp nhất trong đời, bởi thưởng thức bằng trái tim nguyên sơ, điều mà sau này ta vẫn thi thoảng lưu luyến, thi thoảng đi tìm. Nhưng không bao giờ thấy nữa…



Lũ trẻ con nghịch ngợm hét vang trên con đường
làng lót sỏi hay chọc ghẹo gà trên những
mảnh vườn


Bản thân làng chẳng cần những định nghĩa mỹ miều. Làng cũng không nhất thiết phải ở nông thôn. Một người sinh ra và lớn lên ở thành thị như tôi cũng có làng, và ngôi làng của tôi rất cụ thể. Có gì to tát đâu, làng là xóm chợ ven sông của bà ngoại, tôi thích ghé lắm, bởi lần nào bà cũng cho quà bánh mang về. Làng là cái phản to dày, là nơi ăn, ngủ, và chơi của phần lớn tuổi thơ tôi, mà sau này tiếc hùi hụi khi cất nhà ba má đem cho người ta mất…



Tiếng nhạc của người làng da diết mênh mông


Ngôi làng Ailen xa xôi và khác biệt là vậy, vẫn cứ thấy đâu đó làng mình, ngồi mãi chẳng muốn rời chân. Đâu đó một bến nước, một lò gạch, một cầu tre, một mảng sân con... Đâu đó chum sành đậu hờ bên hông nhà, tưới mát những đứa con đi xa trở về. Đâu đó bếp lửa hồng, cả đời bập bùng tình yêu.

Những hình hài làng khác nhau nhưng hồn làng thì chỉ có một. Ngôi làng bên trong mỗi người, giấc mơ hạnh phúc của mỗi người ai cũng như nhau, bất kể vàng, trắng, hay đen. Đều là cảm giác thanh bình và yên ả, đều là nơi gác lại trăn trở và lo âu…



Có lẽ học trò xứ nào cũng thế, mặt bàn
học luôn nguệch ngoạc vết khắc và
những cái tên


Trở về làng chỉ chốc lát thôi. Một ngày tự cho phép thời gian trôi thật chậm. Để thấy mình lắng lại, thấy mình bé lại, đồng thời lại ý thức rõ lắm: mình đã lớn lên. Được an ủi ấm lòng, thế nhưng lại thấy càng cần càng nhớ thêm. Tôi nhận ra tôi yêu ngôi làng của mình nhiều hơn tôi vẫn tưởng.

Theo Sài Gòn Tiếp Thị