Top

Tiễn thu Hàn từ đỉnh núi Geum-jeong, Busan

Cập nhật 12/11/2014 08:29

Dù đã trải qua 4 mùa thu ở Bắc Kinh, Trung Quốc, với đủ sắc màu lá đỏ lá vàng của mùa thu, nhưng tôi vẫn luôn muốn biết mùa thu xứ Hàn có điều gì đặc biệt.

Ở Busan Hàn Quốc, tôi đã trải qua mùa xuân với hoa Anh đào rực rỡ và hương vị của quả Cham oe thơm ngọt; trải qua mùa hạ mướt xanh với bãi biển Haeundae, hương vị quả lê mọng nước ngọt mát, và tôi luôn mong chờ mùa thu đến.

Ngày nào tôi cũng leo từ lưng chừng dốc lên trường mất khoảng 15 phút, dường như chỉ một chút thay đổi nhỏ của hàng cây bên đường cũng làm tôi chú ý – mùa thu lan dần trên sắc lá bên đường.

Mùa thu lan dần trên sắc lá bên đường

Mùa thu rực vàng trên lá cây ngân hạnh là đặc điểm của mùa thu ở Bắc Kinh và Hàn Quốc, nhưng có một điều không biết có mang nghĩa gì không khi người Hàn đặt cho nó một cái tên đồng âm với chữ Ngân hàng (Un haeng). Cây ngân hạnh ở Busan vàng muộn hơn ở Bắc Kinh có đến gần một tháng. Tôi tự nhủ lòng mình chờ khi nào lá vàng lá đỏ rực rỡ nhất sẽ đi ngắm. Nhưng không ngờ, lần đi ngắm lá vàng này cũng là lần tiễn biệt mùa thu. Bởi mùa thu là mùa ngắn nhất trong 4 mùa ở Hàn Quốc, nó bị xâm lấn bởi mùa hạ kéo dài và mùa đông nhanh đến.

Chúng tôi chọn con đường đi qua chùa Beo-meo để lên đỉnh núi Geum-jeong. Busan mặc dù có biển, nhưng phần lớn thành phố nằm trong các thung lũng, cho nên, leo núi là một hoạt động thường ngày của những người cao tuổi, dịp cuối tuần thì số lượng người leo núi đông hơn, và càng đông vào thời điểm mùa xuân rực rỡ hoa và mùa thu ngợp trời lá đỏ lá vàng. Họ trang bị đồ leo núi rất chuyên nghiệp: giầy, quần áo sáng màu, ba lô, gậy, mũ và đồ ăn nước uống, đi thành từng tốp, nói cười vui vẻ. Chúng tôi hòa vào dòng người đó đến chùa Beo-meo và choáng ngợp bởi vẻ rực rỡ của lá đỏ lá vàng.


Đến đây tôi mới hiểu được vì sao các bạn Hàn Quốc khi đến Hương Sơn ở Bắc Kinh ngắm lá đỏ và đã buột miệng nói: thế này mà cũng gọi là lá đỏ ư? Ở Bắc Kinh mùa thu cũng có lá đỏ, nhưng lá đỏ không phải là đặc sắc của mùa thu Bắc Kinh. Tôi choáng ngợp trước cả một dãy núi chuyển sang màu đỏ chen màu vàng.


Chùa Beo-meo nổi tiếng ở Hàn Quốc, được xây dựng vào thế kỷ thứ 7, như chìm trong rừng cây lá đỏ lá vàng – một vẻ đẹp khó có thể tìm thấy ở xứ sở khác

Tôi đã hứa với một số người bạn sẽ lên chùa Beo-meo nhặt lá của cây ngân hạnh ngàn năm tuổi làm quà tặng của mùa thu Hàn Quốc. Do một trận hỏa hoạn mà thân cây đã bị cháy lẹm vào trong, người ta phải dùng xi măng trát vào để giữ lại nhân chứng của thời gian này.


Mặc dù thân thể mang đầy tàn tích như vậy, nhưng thu đến, cây ngân hạnh ngàn năm này vẫn phô sắc vàng rực rỡ

Với cây ngân hạnh, màu vàng không phải là màu héo úa tàn tạ, mà là vẻ đẹp rực rỡ nhất của nó. Vì thế, khi ngắm lá vàng của ngân hạnh, người ta không thấy có cảm giác thê lương, ngược lại, là cảm xúc xốn xang trước vẻ đẹp của mùa thu, mặc dù ai cũng biết, cái gì đẹp đẽ nhất của đất trời dường như đều ngắn ngủi.

Để lên đỉnh núi, trước hết chúng tôi đến thành cổ núi Geum-jeong, đây là thành cố thủ thời Tam Quốc của Hàn. Mặc dù không có cái kì vĩ của Vạn lí trường thành bên Trung Quốc, nhưng thành cổ này đã ghi lại dấu ấn lịch sử, và tạo nên một nét đẹp riêng cho xứ sở này.

Thành cổ trên núi Geum-jeong

Dãy núi này sở dĩ được gọi là Núi Geum-jeong (giếng vàng) bởi trên đó có một quả núi hình cái giếng, nước ở đó dường như không bao giờ cạn, người ta kể lại rằng, trước kia, có sau một trận mưa, thì trên đó có một con cá vàng theo mưa rơi xuống chỗ đó, nên người ta gọi đó là “Giếng vàng”.


Lên đỉnh núi Geum-jeong, ở độ cao 801,5m, có thể thấy thành phố Busan chìm trong thung lũng lá đỏ lá vàng. Busan có điều kiện địa lí không thực sự thuận lợi cho giao thông, nhưng người Hàn đã xây dựng được một thành phố vừa hiện đại vừa thơ mộng.

Busan nhìn từ đỉnh Geum-jeong

Cũng ở độ cao này có thể ngắm nhìn sông Nakdong (là sông dài nhất ở Hàn Quốc và chảy qua các thành phố lớn như Daegu và Busan) uốn lượn chảy ra biển. Trong cảnh này có thể có người cảm thấy niềm hi vọng, cũng có người trào dâng nỗi nhớ quê hương…

Mỗi người sẽ mang một niềm hoài cảm riêng khi đứng giữa khoảng không mênh mông của đất trời này

Vì không phải người Busan, nên tôi không duy trì được thói quen leo núi hàng tuần, lại càng không thể duy trì thói quen leo núi hằng ngày. Lên đỉnh Geum-jeong lần này có lẽ là lần cuối cùng trong năm, lần đi ngắm lá vàng lá đỏ, cũng là lần tiễn biệt thu Hàn.


Có thể nói, Hàn Quốc đẹp nhất vào mùa xuân và mùa thu. Nhưng cũng như thời gian nở rộ của hoa Anh đào, khoảnh khắc rực rỡ nhất của thu Hàn cũng thật ngắn ngủi, để lại trong lòng người bao nỗi bâng khuâng…


DiaOcOnline.vn - Theo Thể thao Việt Nam