Top

Tết truyền thống Đông Nam Á

Cập nhật 03/02/2011 11:30

Các nhà nghiên cứu phong tục tập quán chia khu vực Đông Nam Á thành 4 nhóm quốc gia ăn Tết theo truyền thống. Đó là nhóm ảnh hưởng Trung Quốc, nhóm Hồi giáo, nhóm Tháng tư và nhóm theo dương lịch... Như vậy, quanh năm ở các nước nói trên đều diễn ra lễ tết truyền thống của mình. Nhân ngày tết truyền thống Việt Nam, chúng ta thử tìm hiểu các lễ tết nói trên.

Tết ở Trung Quốc, Việt Nam và Xinh-ga-po:
Trong đó tết ở Trung Quốc thì chẳng khác mấy Tết ở Việt Nam, cũng có cúng ông bà, múa lân, treo câu đối, liễn xuân và lì xì cho trẻ em. Đặc biệt những ai lỡ đường trên đất Trung Quốc thì ngày Tết không sợ đói và thiếu tiền xe về quê quán. Ở Xinh-ga-po với đại bộ phận là Hoa kiều cũng có tết truyền thống tương tự. Ngày Tết có khác chăng là trò múa rồng đặc sắc bên cạnh múa sư tử.

Cả ba nước có tục lễ tết hằng năm đều cầm tinh một con vật nào đó như ở Việt Nam có 12 con giáp. Ngày Tết ở các nước Trung Quốc, Xinh-ga-po người ta thường nặn con vật cầm tinh năm đó đem bán cho mọi người mua về trưng bày trong nhà lấy may.

Tết ở đất nước In-đô-nê-xi-a và Ma-lai-xi-a, thường theo lịch Hồi giáo. Mỗi nhà đều dựng một ngai thờ cao 2m bằng gạo nhuộm đủ màu sắc, dừa, lá dừa và mía để tế thần. Trước ngai là đồ thủ công mỹ nghệ truyền thống. Ngày Tết người ta rước kiệu đi khắp phố phường cầu phúc cho nhau. Hầu hết, sau tết ngai thờ được khiêng ra sông dìm xuống nước xin Hà Bá ban cho mưa thuận gió hòa, mùa màng trúng đậm.


Tết ở Thái Lan, Lào, Cam-pu-chia và Mi-an-ma cùng thời gian. Tết Lào gọi là Bunpimay hay Bunhot-nam được tổ chức vào trung tuần tháng 4. Trước Tết mấy ngày các nam thanh nữ tú đốt lửa múa hát đến tận 2-3 giờ sáng. Các gia đình thường có trò vui tổ chức thi uống rượu cần, chia hai phe 10 nam và 10 nữ.

Ngày Tết người dân Lào
thường đi chùa lễ Phật, tắm Phật, đặc biệt là có tục tạt nước vào nhau cầu phúc. Quan niệm ai được tạt ướt nhiều thì năm mới càng có nhiều may mắn. Ngày Tết có cuộc đua thuyền rất vui. Khách vào nhà người Lào năm mới sẽ được gia chủ cột vào cổ tay sợi chỉ đỏ chúc phát tài, nếu buộc chỉ xanh có nghĩa là chúc sống mạnh khỏe, hạnh phúc.


Tết ở Cam-pu-chia có Tết cổ truyền Chol Chnam Thmây. Tết này thường diễn ra vào cuối mùa nắng, tức trung tuần tháng 4. Đêm giao thừa, dân nước bạn tổ chức rước thần Thê-vê-đa cũ đi, mời thần Thê-vê-đa mới về ngự trị. Mồng một làm thức ăn ngon vào chùa dâng Phật và bày cho sư sãi ăn. Các nhà sư phải gắp mỗi phần ăn một miếng để ai cũng được phước như nhau. Ngày mồng hai họ cũng dâng cơm vào chùa, làm lễ đắp 9 ngọn núi và cầu siêu cho những linh hồn siêu thoát. Mồng ba thì làm lễ tắm Phật, sau đó đua thuyền do một sư trưởng dẫn đầu cuộc thi.

Ngày Tết ở Cam-pu-chia có màn múa Lân – môn truyền thống rất vui nhộn. Ngày tết cuối cùng, người ta căng một sợi dây ngang sông cho người đứng đầu địa phương chặt dây ra lệnh cho nước rút ra biển để dân cày cấy.

Tết ở Thái Lan
được tổ chức vào tháng 4 dương lịch. Ngày Tết dân Thái cũng có tục tạt nước thơm cho nhau (tục này cũng có ở một số dân tộc Tây Bắc của Việt Nam). Nét văn hóa nữa giống Việt Nam là chơi cờ người ngày tết, nhưng bàn cờ tổ chức rất quy mô với 64 ô vuông, mỗi bên 16 quân cờ. Mỗi quân cờ cầm binh khí, mỗi nước đi là một vũ đạo trong tiếng nhạc hùng hồn, thúc giục.


Tết cổ truyền Mi-an-ma
, vào giờ giao thừa mỗi người cầm một bình nước sạch vào chùa tắm Phật cầu phúc và cũng có tục tạt nước để gội rửa lỗi lầm trong năm. Ngày Tết người dân Mi-an- ma thường hành hương đến chùa Swedagon và Sul lễ Phật. Đây là kỳ quan của châu Á, ngôi chùa bằng vàng này có tháp cao đến 110 m.


Tết truyền thống của Phi-lip-pin lại chịu ảnh hưởng của châu Âu. Đa số dân Phi-lip-pin đều theo đạo Công giáo, tin lành nên ngôn ngữ chính của họ là tiếng Anh. Dân Phi-lip-pin đón Tết cổ truyền từ trước lễ Giáng sinh. Ở vùng nông thôn, người Phi-lip-pin leo lên các ngọn núi cao để cầu phúc kéo dài trong 9 ngày và chỉ chấm dứt vào ngày Noel. Trẻ con Phi-lip-pin vào ngày Tết cũng được mặc quần áo mới, người lớn thì ca hát, ăn nhậu. Mỗi khu phố, bản làng đều có những cuộc chơi tập thể. Vùng quê đám thanh niên đeo mặt nạ giả thần núi nhảy múa chung với cả làng để cầu phúc, cầu may, cầu mùa màng bội thu và một năm mới tốt lành.

DiaOcOnline.vn - Theo Baohaiduong