Top

Sống thiền ở Hội An

Cập nhật 05/08/2018 06:19

Không quá phô trương, đắt đỏ, ở Hội An chỉ đơn giản là hòa mình vào một không khí dễ chịu khó quên, để tìm chút tĩnh thiền trong cuộc sống đầy vội vã.

Chuyện đời của phố


Sau khi khép lại vai trò lịch sử của mình, Hội An ngủ vùi trong suốt thế kỷ 19 và 20 như chìm vào quên lãng. Nhưng sang đến thế kỷ 21, nhờ du lịch khởi sắc mà phố Hội được đánh thức trở lại với diện mạo ngày càng xinh đẹp.

Cái đẹp không còn hoành tráng như thời còn là thương cảng quốc tế phồn thịnh, nơi thuyền buôn các nước gần xa đều phải ghé lại giao thương, mà nằm ở chính sự tĩnh tại, an nhiên trong cuộc sống thường ngày.


4 năm trước, khi đến đây lần đầu, tôi đã như kẻ nặng nợ với phố Hội. Vì muốn thưởng thức cho đủ đầy mọi thi vị Hội An trong hai mùa mưa nắng mà có những năm tôi đến đây 4 - 5 lần, cứ rảnh lúc nào là đi lúc đó, càng đi càng nghiện, lần nào cũng chỉ có mình tôi lang thang.


Hội An có cái kiểu trầm như Huế, chỗ nào cũng thoảng mùi hương trầm nhưng lại không buồn vì Hội An có sức sống hơn, ấm áp hơn và nồng hậu hơn. Chỉ cần một lần tình cờ không hẹn trước, phố Hội sẽ đánh cắp trái tim bạn.


Những ban công xinh xắn treo vài chậu cây xanh mượt, những hiên nhà đầy đèn lồng lấp lánh trong nắng, những tường vàng, mái ngói rêu phong như được cất lên từ vạn cổ.

Những vệt màu của quá khứ và hiện tại vẫn đan xen để tâm hồn du khách được dịu lại, nhẹ bẫng không còn chút nỗi niềm mỗi lần chạm tới.



Chơi ở Hội An cần phải dậy sớm, cực kỳ sớm ấy. Vì chỉ có sớm tinh mơ mới nhìn thấy một phố cổ tĩnh lặng rất khác ngày thường: yên bình hơn, tươi xanh hơn.

Đến đây, việc tôi không bao giờ quên làm chính là đi chợ. Thành phố nào cũng vậy, mọi sắc thái, văn hóa ẩm thực địa phương đều được ẩn giấu trong mỗi khu chợ lớn nhỏ.


Tôi thích nhất đi chợ Hội An và chợ cá Thanh Hà. Nhiều khi không mua gì, chỉ đến để xem người dân họ sinh hoạt chợ ra sao, để nghe tiếng mua bán, mặc cả, xôn xao cả một vùng - thứ âm thanh lâu đời nhất, đặc trưng nhất từ thời khởi thủy buôn bán, giao thương ngày xưa.


Có lẽ vì Hội An là một mảnh đất sống nhờ du lịch nên người dân tỏ ra rất có kinh nghiệm trong cách cư xử với du khách.

Đa phần các cửa hàng đều đón khách rất lịch sự, nhã nhặn, đon đả mời chào, không níu kéo. Bạn có thể xem hàng, mặc cả thoải mái rồi không mua, nhưng người bán vẫn luôn tiễn bạn bằng nụ cười.


Sau khi đi chợ, tôi đạp xuống biển An Bàng nhảy sóng rồi về ngắm phố Hội rục rịch chào ngày mới. So với danh tiếng nổi như cồn khắp năm châu, bốn bể, vóc dáng Hội An khá khiêm tốn và bẻ nhỏ.

Nhà nhỏ, cầu nhỏ, đến cái ngõ di chuyển cũng phải tận dụng mọi khoảng trống để tránh nhau. Thế nhưng, nhờ mấy con ngõ cổ vẫn còn tồn tại đó mà hồn phố Hội được giữ gìn đến tận hôm nay.


Tôi để ý, ngõ Hội An bao giờ cũng xuôi về hướng Nam phía sông Hoài. Điều này không chỉ thể hiện sự rộng rãi, phóng khoáng của người phố cổ, mà còn tạo nên một vùng đất mát mẻ vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông.


Những con ngõ cùng người Hội An trải qua bao mùa mưa nắng với bờ tường rêu xanh, với chiếc giếng nhỏ hàng xóm láng giềng chung nhau sinh hoạt.

Ngõ vì thế gây ảnh hưởng và tạo nên cái tính ăn nhường ở nhịn của người dân nơi đây. Đồng thời, ngõ trở thành nơi lưu giữ kỷ niệm với nhiều người phố Hội. Cho nên, bấy lâu nay, họ không có khát vọng vươn ra mặt phố.


Sau khi tham trong phố, với chiếc xe đạp mượn miễn phí từ homestay, tôi di chuyển về phía bến phà, sang bên kia, lang thang giữa hương lúa thơm ngát ở làng mộc Kim Bồng. Bên này có món gà nhà chuyên đi bộ cực ngon. Mọi chế biến ở đây đều mang tính dân dã, đúng chất bản địa.

Lúc rảnh hơn, tôi hay đạp xe vào mấy khu nghỉ dưỡng như An Bang Beach Hideaway, An Bang Retreat homestay, Vinperland Nam Hội An, Phố Hội Riverside… Mỗi lần trở lại đều thấy chỗ này, chỗ kia mọc thêm vài khu nghỉ dưỡng đẹp và cực kỳ dễ thương.

Mấy khu Villas, tôi nghĩ ít chê được vì chủ nhân ở đây đa phần là người vừa có tiền, vừa tinh tế. Không thế thì sao họ có thể dốc sức tạo nên những căn nhà với tầm view để sống “ảo”, sống xanh tuyệt vời đến vậy.

Hội An trăm vật trăm ngon

Hội An trăm vật trăm ngon. Tiếng thơm này không phải ngẫu nhiên mà có. Với cách chế biến tinh tế, cầu kỳ, cân bằng nguyên lý âm dương ngũ hành, cộng thêm phần trình bày đẹp mắt, bày biện ra đĩa cũng theo quy tắc hài hòa màu sắc làm ẩm thực phố Hội luôn có những nét khác biệt đầy lôi cuốn.


Đứng đầu trong danh sách phải thử chính là món bánh mì Phượng và Madam Khanh nổi tiếng thế giới. Trên các website du lịch hay mạng xã hội như TripAdvisor, Foursquare…, 2 tiệm bánh mì này đã nhận được hàng ngàn lời khen tặng của du khách nước ngoài.

Chiếc bánh nóng giòn, đầy đặn các loại nhân: chả giò thịt, phô mai, gà, pate, thịt xông khói… kèm theo nước sốt, rau sống, dưa muối chua ngọt và tương ớt chế biến theo công thức gia truyền tạo nên sự cộng hưởng hương vị đặc biệt.

Nhưng có ngon miệng đến mấy cũng chỉ nên ăn một chiếc thôi, bởi Hội An còn rất nhiều món ngon đang chờ đợi.


Cao lầu, niềm tự hào ẩm thực Hội An chỉ ngon nhất khi thưởng thức tại phố Hội.

Cao lầu ở đây dùng nước giếng cổ Bá Lễ nấu, gạo ngâm bằng tro củi lấy ở Cù Lao Chàm, thêm chút giá trần, thịt xá xíu, bì lợn chiên giòn, tóp mỡ, nước tương, rau sống Trà Quế… tạo nên món ăn lạ miệng mà hương vị vô cùng tinh tế.

Một món ăn khác ngon có tiếng ở làng rau Trà Quế là tam hữu, hay còn gọi là tôm hữu, được làm từ 3 nguyên liệu chính là tôm, rau, bánh tráng.

Không biết cách gọi nào đúng, nhưng chắc chắn là món ăn này rất hợp khẩu vị với du khách nhiều vùng khác nhau do nguyên liệu và cách chế biến thực đơn giản.

Một đặc sản nữa không thể thiếu là món mì Quảng làm từ bột gạo xay mịn. Ăn mì Quảng phải ăn vào buổi trưa để thấy cái thú, cái ngon đầy miệng và phải ăn ngay khi còn nóng.

Dưới lớp mì là các loại rau sống, trên mì là thịt lợn nạc, tôm, thịt gà, lạc rang, rau thơm, ớt đỏ, bánh tráng giòn giã thơm tho…


Đến Hội An, du khách “không nên” ăn phở, nhất là phở Liến 25 Lê Lợi, vì rất dễ bị “mê hoặc” quên lối về. Quán phở này đã có tuổi đời cỡ 70 năm.

Sợi phở do nhà tự tráng rồi phơi, sấy cho héo nên sợi phở dai dai. Miếng thịt bò tươi rói làm nước ngọt lừ. Tuy nhiên, do đặc trưng ẩm thực vùng miền nên phở có chút ngọt từ đường, ai nghiện phở Hà Nội sẽ thấy phở Hội An lạ hoắc.

Rất nhiều món ngon khác như cơm gà bà Thuận trong hẻm Nhị Trưng, vịt Cửa Đại, bún bò Nguyễn Trường Tộ, các gánh hàng rong bán chè bắp, chí mà phù, đậu hũ nước đường, bánh tráng hến xúc ở Cẩm Nam… Cứ ăn, cứ ở nhiều lần khiến tôi đã có lúc tưởng rằng, mình cũng là một công dân thực sự của Hội An.

Phố Hội mà An

Hội An đã chứng kiến nhiều thăng trầm lịch sử. Không kể các con phố sơn tường vàng là nơi hội họp, thì một số di tích ngày nay cũng trở thành điểm tham quan nổi tiếng như chùa Cầu, nhưng một số di tích khác trở nên hoang phế. Tuy nhiên, truyền thống vẫn luôn được giữ gìn và tiếp nối.

Theo một nghi thức có từ thế kỷ 16, vào đêm trăng lung linh 14 âm lịch hàng tháng, những ngọn hoa đăng, những ánh đèn lồng gìn giữ nét tinh tế, chân thành của người Hội An sẽ được thắp lên.

Một lần nữa, phố Hội và các du khách lại sẵn sàng cho một đêm lễ hội truyền thống mới bắt đầu.


Bên dòng Thu Bồn, khi hoàng hôn xuống, dòng sông tỏa ánh sáng lấp lánh, tôi thầm cảm ơn những lần tương ngộ với Hội An.

Mỗi lần đến rồi đi, tôi đã được tận hưởng những ngày êm đềm, dung dị như dòng chảy, để cảm nhận nhịp sống của một nơi đã từng tấp nập trong quá khứ và nay hồi sinh trở lại không phải là phố cảng giao thương mà là thành phố du lịch văn hóa.

Sau những bộn bề thường nhật, tôi hạnh phúc vì có nhiều chốn để thỉnh thoảng đi về, tìm cho mình khoảnh khắc vô ưu, không lo nghĩ như "giữa phố Hội mà An".
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư BDS