Top

Cần lắm, một nhà hát tầm cỡ quốc gia

Cập nhật 05/09/2007 10:19

Khu du lịch Bình Quới bình thường có vẻ mênh mông là thế. Vậy mà khi đứng trên sân khấu ngoài trời nhìn xuống chật cứng 10.000 khán giả của đêm nhạc hàng năm kỷ niệm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, tôi bỗng chợt hỏi: nếu có một đêm âm nhạc dành cho 10.000 người, chỗ nào ngoài sân vận động? Nhưng sân vận động là sân vận động, nó được thiết kế cho thể thao, không phải là không gian dành cho nghệ thuật. Câu hỏi muốn tìm câu trả lời chính là một Nhà hát.




Đối diện với các tower hiện đại là “Trái sầu riêng” Esplanade
- một không gian độc đáo dành cho hoạt động nghệ thuật ở singapore.


Hẳn ta cũng chẳng muốn nhắc lại những nhà hát đã quá nổi tiếng thế giới như Opera House (nhà hát “con sò”) trên vịnh Sydney, hay gần hơn là nhà hát Esplanade - “trái sầu riêng” của Singapore. Hẳn ta cũng không muốn nói đến Nhà hát lớn Hà Nội hay Nhà hát lớn TP.HCM, những công trình văn hoá Pháp tồn tại cả thế kỷ mà chúng ta thừa hưởng chứ không xây dựng mới.

Kiến nghị có một nhà hát tầm cỡ quốc gia và tầm cỡ quốc tế cũng đã thấy thấp thoáng trên công luận, trên báo chí thời gian vừa qua. Nhưng rồi tất cả lại chìm vào im lặng bởi vấn đề đặt ra không phải đòi hỏi một kiến trúc cho tương lai, cho vài chục năm sau, thậm chí cho những thế hệ đời sau mà bế tắc ở chỗ: làm nhà hát, xây dựng nhà hát nhưng sẽ diễn gì, loại nghệ thuật nào và ai sẽ đến xem?

Vấn đề đặt ra chỉ là thực trạng eo sèo của một nền nghệ thuật nói chung đang tìm câu trả lời có khán giả hay không có khán giả. Một nhà hát tầm cỡ, nếu xây dựng, liệu có rơi vào phí phạm tiền bạc của người dân và Nhà nước?

Nhưng nếu đặt vấn đề cho một “thành phố toàn cầu” như những thông tin vừa đăng trên báo chí, đặt vấn đề quy hoạch đô thị của tương lai mà những luồng văn hoá đích thực, cần thiết của ta và của thế giới sẽ có nơi gặp gỡ, thì một nhà hát không chỉ chứa được bao nhiêu ngàn người mà còn là một tác phẩm kiến trúc phản ánh văn hoá Việt Nam.



Sau Nhà hát lớn Hà Nội, chúng ta vẫn chưa
 có một nhà hát mang kiến trúc Việt tầm cỡ.


Khó khăn là tất nhiên đối với một đất nước vừa chỉ có 32 năm hoà bình, vừa bước ra khỏi một cuộc chiến tranh dài nhất thế kỷ 20, còn nghèo và lạc hậu nhiều mặt so với thế giới. Thừa hưởng những di sản văn hoá, kiến trúc của 100 năm Pháp thuộc là tất yếu, nhưng khi đã chuyển động để hội nhập, đã tập vỗ cánh về hướng tương lai thì những ý tưởng có tầm chiến lược ở nhiều lĩnh vực không thể không quan tâm, không nhớ đến.

Trở lại Bình Quới - Trịnh Công Sơn và 10.000 khán giả, con số ấy thật sự chẳng thấm thía gì so với những cuộc hoà nhạc mà những nghệ sĩ tên tuổi của thế giới từng thực hiện với lượng khán giả hàng trăm ngàn. Nó chỉ mang ý nghĩa như một nhắc nhở rằng: nếu cần một buổi biểu diễn, hoà nhạc mà lượng khán giả sẽ nhiều hơn con số 10.000 trong tương lai gần, ta sẽ có chỗ nào ngoài sân vận động? Mà - vẫn nhắc lại - sân vận động không dành cho tất cả mọi loại hình nghệ thuật.

Một nhà hát đẹp, một công trình kiến trúc xứng đáng tầm cỡ quốc gia và quốc tế vẫn là câu hỏi, vẫn là nguyện vọng và đấy sẽ là một phần của gương mặt đô thị tương lai. Nó cần phải được đặt lên bàn các nhà quy hoạch kiến trúc như một đồ án quan trọng và không thể thiếu.



Nhà hát Hoàng Gia Thái Lan.


Theo Sài Gòn Tiếp Thị

CÁC TIN KHÁC