Top

Ai Cập - Món quà của các vị thần (Phần 2)

Cập nhật 22/04/2008 08:34

Alexandria - thành phố biển nổi tiếng

Thật không uổng công khi chúng tôi phải vượt chặng đường hơn 220km (từ Cairo) để đến được Alexandria, thành phố này sạch, xanh và được sắp xếp tốt hơn Cairo. Alexandria nằm bên bờ Địa Trung Hải nên khí hậu tương đối dễ chịu, khi Cairo hay Aswan đang sôi lên khoảng 40 độ C vào những ngày hè, Alexandria vẫn ôn hòa ở mức 30 độ C.



Pháo đài Qaitbey thay thế cho ngọn
hải đăng huyền thoại tại Alexandria.


Tương truyền rằng Alexander Đại đế được đón chào tại Ai Cập như một đấng quân vương giải phóng. Nhà vua đã đích thân chọn địa điểm và vạch ra ranh giới của thành phố Alexandria mới. Công cuộc xây dựng được bắt đầu vào năm 332 trước Công nguyên theo bản quy hoạch của kiến trúc sư Dinocrates người đảo Rhodes. Nhờ có vị trí địa lý thuận lợi và bến cảng được thiết kế hợp lý, Alexandria đã trở thành một trong những nơi giao lưu lớn nhất của các tuyến đường thương mại và hàng hải thời cổ đại.

Một viên tướng của Alexander trở thành nhà vua đầu tiên của triều đại Ptolemy (tức Ptolemy I) đã trung thành với tinh thần và chính sách mà vị tiền nhiệm đề ra. Tôn trọng các thể chế dân sự và chính trị, các tín ngưỡng và tôn giáo địa phương, nhà vua đã tạo lập tại Ai Cập một bầu không khí khoan dung và yên ổn, đặc biệt thuận lợi cho việc phát triển văn hóa. Chính Ptolemy I là người ra lệnh xây dựng ngọn hải đăng nổi tiếng và thảo ra dự án xây dựng Thư viện Alexandria lớn nhất thời cổ đại.



Đường phố Alexandria.


Ngày nay, du khách không còn được nhìn thấy ngọn hải đăng xưa nữa, pháo đài Qaitbey được thay vào đó năm 1480. Vào cuối năm 1994, ông Frank Goddio được sự trợ giúp của Viện Khảo cổ Phương Đông và các nhà khảo cổ Ai Cập đã tìm ra ngọn hải đăng chìm dưới đáy biển bằng thiết bị cộng hưởng từ hạt nhân.

Cùng chung số phận với ngọn hải đăng, vết tích của thư viện xưa không còn nữa. Theo các nhà sử học, phần lớn các bộ sưu tập của thư viện đã bị thiêu hủy trong trận hỏa hoạn tàn phá hải cảng này khi hoàng đế La Mã Jules Caesar đánh chiếm Alexandria. Tuy nhiên, niềm mơ ước của Ptolemy I không phải đã vĩnh viễn bị chôn vùi khi trường Đại học Alexandria và Chính phủ Ai Cập cộng tác với Unesco và UNDP (Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc) khôi phục lại thư viện này. Đứng trước tượng của Alexander và tượng Ptolemy sừng sững trước thư viện mới, xung quanh tôi toàn là sinh viên trẻ, tôi thầm cầu mong cho đất nước này có những bước phát triển thoát khỏi đói nghèo.

Luxor - Viện bảo tàng ngoài trời lớn nhất



Những ngôi đền tuyệt đẹp ở Luxor.


Những cổ vật vô giá trong Bảo tàng Ai Cập (tại Cairo) và những câu chuyện xác ướp trả thù khi khai quật mộ của vị pharaoh Tutankhamun tại Thung lũng Đế vương đã gợi lên trí tò mò của chúng tôi. Chuyến tàu đêm đầy mùi hơi người và hàng hóa chậm chạp “bò” trên đoạn đường 679km đưa chúng tôi đi Luxor.

Thành phố Luxor được chia làm ba bộ phận: thành phố Luxor nằm ven dòng sông Nile, thị trấn Karnak tọa lạc ở phía Đông Bắc và cố đô Thebes ở bên bờ Tây của sông Nile. Từ năm 1570 đến 1090 trước Công nguyên, thành phố Thebes đã trải qua một thời kỳ phồn thịnh nhất. Những ngôi đền Luxor hay Karnak… đã làm du khách choáng ngợp về mức độ hùng vĩ và nguy nga của nó. Nơi này đã được nhiều người viết, mô tả và vẽ nhưng có lẽ không giấy mực nào tả hết những cảm nhận. Phải mất hàng tuần mới khám phá được phần nào các kho tàng văn hóa ở đây.

Chúng tôi chọn cách cưỡi… khinh khí cầu để xem di tích vì thời gian ở lại có hạn, giá khoảng 180 USD cho gần nửa giờ bay. Nhìn từ trên cao, Luxor đẹp mê hồn: thành phố của người sống với những đền thờ thần Amun, thần Mut hay thần Montu, bên kia bờ Tây của sông Nile là thành phố vĩnh hằng của người chết.


Uống trà kèm theo một điếu thuốc lào sheesha mùi trái cây.

Thư viện Alexandria đã được khôi phục.


Trong thời tân vương quốc này, người Ai Cập tin rằng mọi người đều phải thực hiện một cuộc hành trình vượt qua cái chết để đến Cánh Đồng Sậy (chốn thiên đàng). Cuộc đời như một chốn dừng chân trước khi đến Cánh Đồng Sậy. Bất chợt bên tôi văng vẳng câu hát của Trịnh Công Sơn, tôi nay ở trọ trần gian, trăm năm về chốn xa xăm cuối trời...

Tôi phải dừng câu chuyện Nghìn lẻ một đêm của mình ở đây khi chuyến tàu về lại Cairo đã gần đến ga cuối và trời sắp sáng. Cho dù nàng Dinarzade (em của Scheharazade) nằng nặc đòi nghe nốt câu chuyện về Ai Cập, thì tôi đành xin hẹn một dịp khác.

Kính chào Người, vị thần toàn năng!
Người soi sáng trái đất bằng ánh sáng tốt lành
Và mang lại cho nó hơi nóng và sự sống.
Người sáng tạo mọi kỳ quan,
Người làm nảy sinh sông Nile từ lòng trái đất
Và cho dòng nước chảy qua sa mạc
Để nuôi sống con người,
Bởi chính con người cũng do Người tạo ra


Kính chào Người và món quà của Người!

>>Ai Cập - Món quà của các vị thần (Phần 1)

Theo DNSG Cuối Tuần