Top

“Sống xanh” – xu hướng sống của gia đình trẻ hiện đại

Cập nhật 11/03/2015 11:37

Văn hóa sống của người Việt Nam dường như được thay đổi theo những cột mốc phát triển kinh tế. Nếu thời bao cấp, người ta mơ đến “ăn no mặc ấm”, thời kinh tế thị trường rộn ràng với  “ăn ngon mặc đẹp” thì thời của kinh tế hội nhập chính là “ văn hóa sống xanh”.


Trong khoảng vài năm trở lại đây, thị trường đã bắt đầu xuất hiện những sản phẩm thể hiện nét văn hóa này. Từ những sản phẩm nhỏ nhất như chiếc khăn rửa bát tự hủy, chiếc túi thân thiện với môi trường, văn hóa ẩm thực: trồng rau tại gia, sử dụng thực phẩm organic đến những ngành công nghệ sản xuất: bóng đèn tiết kiệm năng lượng, xe máy tiết kiệm xăng. Và cao hơn nữa xu hướng này đã tác động đến cả những ngành kinh tế vốn “khô cứng” và có sức ảnh hưởng đến những hình ảnh vĩ mô như quy hoạch đô thị, phát triển hạ tầng xã hội, đó là ngành Bất động sản.

Không phải ngẫu nhiên mà tổ chức ngân hàng thế giới IFC – thành viên của Worldbank chỉ chọn đầu tư vào những chủ đầu tư có đồng chí hướng với họ về sự phát triển kinh doanh gắn liền với trách nhiệm cộng đồng, trong đó yếu tố “xanh” được đặt lên hàng đầu. Điều đó chứng tỏ rằng ở những đất nước có nền kinh tế phát triển, người dân văn minh, no ấm thì điều quan trọng hơn cả đối với họ là sống tốt không chỉ là sống cho riêng mình mà phải sống vì cộng đồng. Xu hướng này cũng ảnh hưởng đến triết lý kinh doanh của các tổ chức kinh doanh “mỗi sản phẩm làm ra không chỉ tốt cho doanh nghiệp mà phải vì người tiêu dùng”.


Ông Nguyễn Ngọc Thanh –  Kiến trúc sư trưởng Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long – doanh nghiệp có công trình đầu tiên tại Việt Nam nhận chứng chỉ EDGE – một chứng chỉ đánh giá về công trình sử dụng năng lượng hiệu quả của IFC chia sẻ: “ Việc đầu tư vào một công trình xanh đúng nghĩa sẽ làm tăng chi phí đầu tư dự án lên khoảng 6 %, chưa tính những đầu tư về nghiên cứu. Nhưng bù lại tất cả cư dân sống trong công trình đó sẽ được hưởng một tiêu chuẩn sống tiết kiệm năng lượng lâu dài về nước sinh hoạt, điện năng tiêu thụ, năng lượng chiếu sáng v.v. Càng triển khai, chúng tôi càng cảm nhận được ý nghĩa tốt đẹp của những công trình xanh và hiện đang thai nghén và ra mắt một dòng sản phẩm xanh phục vụ riêng cho nhu cầu của  phân khúc “khách hàng văn minh” này.

Đúng theo nhận định của vị kiến trúc sư này, những người chọn cách “sống xanh” có thể không giàu nhưng chắc chắn là những người có kiến thức và lối sống rất “văn minh”. Đa phần họ là những người trẻ, tiếp cận được những kiến thức hiện đại trong quá trình hội nhập. Họ là những người cảm thấy áy náy khi vất chiếc vỏ kẹo ra đường, là những người sẵn sàng hưởng ứng “giờ trái đất”, là những người rơi nước mắt với những hình ảnh thương tâm của chú tê giác phơi xác bị cưa sừng, hay thậm chí..rất nhiều người theo xu hướng ăn chay trường để động vật đỡ bị giết hại. Những người tham gia cộng đồng sống xanh thường có xu hướng sống hòa mình với thiên nhiên, sẵn sàng sống ở những khu vực không trung tâm nhưng phải sinh thái, không ô nhiễm tiếng ồn, tác động tốt cho sức khỏe của gia đình và con cái của họ


Chị Ngân Khánh  – thành viên của một khóa học sống xanh tại thành phố cho biết: “ Trước đây tôi và ông xã định rời Việt Nam để sang Úc định cư do anh xã quá sợ ồn ào, khói bụi, thực phẩm ô nhiễm nhưng cội nguồn còn ở đây nên chúng tôi đi tìm giải pháp thay vì tránh né. Tôi đang đi học và thực hiện ngay tại nhà mình một khóa “tá điền thành thị”. Hàng ngày cùng với cô con gái yêu làm đất, tưới cây, thu hoạch rau sạch cho gia đình, tôi thấy cuộc sống rất yên bình và hạnh phúc. Đây cũng là cách tôi dạy con về cách sống tự lập, tình yêu thiên nhiên, tình yêu gia đình và hy vọng cuộc sống của con có thể đơm hoa từ những điều giản dị và tươi mát nhất”.


Thông tin Doanh nghiệp