Đặt nhà hát giao hưởng tại công viên 23-9 có nhiều điểm bất lợi. Đó là ý kiến của giới kiến trúc, quy hoạch và phát triển đô thị. Trong khi đó quan điểm của các nghệ sĩ, nhà hoạt động văn hóa phần lớn ngược lại.
UBND TP.HCM đã khoanh vùng hai nơi có thể xây dựng nhà hát là công viên 23-9 (ảnh) và khu đô thị mới Thủ Thiêm - Ảnh: T.T.D.
|
Cần phải có quy hoạch Địa điểm xây dựng nhà hát giao hưởng được đặt lên bàn cơ quan chức năng từ hơn bảy năm nay, qua nhiều hội thảo, tọa đàm nhưng đến nay vẫn chưa gút được địa điểm. Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính cho rằng chính quyền TP.HCM cần phải xây dựng quy hoạch các công trình văn hóa, tượng đài, các công trình thể thao... ngay từ bây giờ. Chính vì từ trước đến nay chưa có quy hoạch nên mới rơi vào tình huống “nay bàn, mai bác” như trường hợp nhà hát giao hưởng. Việc này làm tốn nhiều thời gian, công sức của Nhà nước, của xã hội mà còn vuột mất nhiều cơ hội. |
Kiến trúc sư Nguyễn Văn Tất - phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư VN - cho rằng nhà hát giao hưởng là một công trình mang tính “ăn nói” về văn hóa của TP nên phải được đặt ở vị trí sang trọng, cần một miếng đất “ngon lành” để xây dựng. Với dải đất của công viên 23-9, kiến trúc sư Tất nhận định chưa thật sự xứng tầm để đặt nhà hát: “Miếng đất này chỉ xứng là một vườn hoa phía trước các công trình cao ốc vì chiều ngang dải đất này quá hẹp để có thể nhìn ngắm, thưởng thức một công trình từ xa”. Ông cũng phân tích thêm: “Chiều ngang hiện tại của công viên là 90m, khi xây dựng phải chừa ít nhất 20m mỗi bên, chỉ còn khoảng 60m để xây dựng nhà hát liệu có đủ? Xung quanh khu vực này có nhiều cao ốc thương mại nên không gian có vẻ nhộn nhạo quá so với không khí cần có của một công trình có tính chất là thánh đường văn hóa”.
Ông Huỳnh Văn Mười - chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM - lại đặt vấn đề: “Khu vực công viên 23-9 có nhiều công trình cần bảo vệ như nhà thờ Huyện Sỹ, khách sạn New World, nay đặt thêm nhà hát trong công viên nữa thì có “ép” quá chăng? Về mặt mỹ thuật, tôi nghĩ không nên”. Về điểm này, KTS Nguyễn Văn Tất cũng nhận xét: khu vực này có nhiều công trình để “khoe” giá trị văn hóa, TP có “xài sang” quá chăng? Nhiều chuyên gia về kiến trúc, đô thị đề nghị TP nên xây nhà hát giao hưởng tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, vừa không sợ bị “chỏi” với những công trình kiến trúc cổ tại trung tâm TP cũ, vừa có không gian tự do cho kiến trúc sư sáng tác khi thiết kế nhà hát.
Với tư cách là một người dân TP, TS Nguyễn Minh Hòa - trưởng khoa đô thị học Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM - kiên quyết bảo vệ mảng xanh của công viên 23-9. Theo ông Hòa, nếu xây nhà hát giao hưởng thì chỉ có tầng lớp thượng lưu mới có khả năng hưởng thụ. Còn để công viên như bây giờ thì bà bán vé số, ông đạp xích lô, người ăn mày, cụ hưu trí... cũng có thể đến nghỉ chân, hưởng thụ bóng mát cây xanh. Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính cũng đồng tình với các ý kiến trên.
Trong khi đó kiến trúc sư người Đức Torten Illgen - giám đốc Công ty Inros-Lackner VN, đơn vị tư vấn và thực hiện dự án này - cho rằng: “Nhà hát sẽ xây (trong diện tích cho phép 1-1,2ha) không phải là một công trình quá lớn và công viên 23-9 hoàn toàn phù hợp để làm công trình này”. Ông nói thêm rằng có nhiều cách bố trí nhà hát và việc giải quyết các vấn đề về mỹ quan đô thị, tiếng ồn, không gian eo hẹp ở hai bên, giao thông... đều không quá phức tạp. Không gian có vẻ chật hẹp của công viên lại được kiến trúc sư Torten coi là một lợi thế bởi từ những cao ốc dọc hai bên vẫn có thể nhìn xuống, ngắm nhà hát rất rõ. Việc nhà hát này nằm cùng trục đường với Nhà hát TP sẽ tạo nên một không gian văn hóa đặc biệt, một phố đi bộ rất đẹp trong tương lai mà một người châu Âu như ông hay khách du lịch sẽ rất thích.
Nên có nhà hát cả hai nơi!
Nhiều nghệ sĩ, các vị hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật cũng muốn đặt nhà hát tại khu công viên 23-9.
Giáo sư Hoàng Cương - nguyên giám đốc Nhạc viện TP.HCM - là người đầu tiên đưa ra ý kiến tán đồng về việc nên xây dựng nhà hát giao hưởng ở công viên 23-9. Bởi theo ông, nhà hát không chiếm hết vị trí của công viên nên không sợ làm mất đi khoảng xanh của TP.
Tiến sĩ Văn Thị Minh Hương, giám đốc Nhạc viện TP.HCM, cũng cùng quan điểm với GS Hoàng Cương về việc chọn công viên 23-9 làm nơi xây nhà hát. “Tôi cho rằng cả hai vị trí, công viên 23-9 và Thủ Thiêm, đều nên để xây dựng nhà hát và chúng ta sẽ xây ở những giai đoạn, thời điểm khác nhau. Trước mắt cần xây nhà hát ở công viên 23-9, còn ở Thủ Thiêm sẽ là 20 năm nữa. TP đã có quá nhiều khách sạn, cao ốc, trung tâm thương mại, nhà hàng... nên cũng cần có thêm nhà hát để cân bằng giữa các hoạt động kinh doanh và văn hóa” - bà Hương góp ý. Bà Hương, nhạc sĩ Vĩnh Lai, nghệ sĩ violon Tăng Thành Nam cũng đưa ra các quan điểm ủng hộ việc phải xây dựng một nhà hát tiêu chuẩn và nghiêng về hướng ủng hộ vị trí xây dựng ở công viên 23-9.
Riêng NSƯT - nhạc trưởng Trần Vương Thạch, giám đốc Nhà hát Giao hưởng - nhạc vũ kịch TP.HCM (HBSO), lại không có ý kiến gì về việc chọn địa điểm công viên 23-9. Ông chỉ nhắc lại việc TP đang thiếu nghiêm trọng các nhà hát đủ chuẩn và các nhà hát đang được sử dụng nhiều nhất như Nhà hát TP, nhà hát Hòa Bình, nhà hát Bến Thành... đều không đáp ứng đủ nhu cầu biểu diễn và thưởng thức cũng như đã quá xuống cấp. Trước các ý kiến nên xây nhà hát ở Thủ Thiêm của các kiến trúc sư, nhạc trưởng Trần Vương Thạch trình bày: “Nếu nhà hát đặt ở Thủ Thiêm thì nhìn từ phía Sài Gòn qua sẽ rất đẹp, bóng nhà hát soi xuống sông rất lung linh, đặc biệt là ban đêm. Tuy nhiên, vị trí xây nhà hát được đặt kế bên cầu Thủ Thiêm 2 nên không đẹp. Nhà hát nên nằm ở quảng trường trung tâm Thủ Thiêm hoặc hay nhất là ở ngã ba sông. Ước mơ của tôi là nhà hát được đặt ở khu đô thị mới Thủ Thiêm, ngay ngã ba sông, đối diện bến Nhà Rồng. Vị trí này sẽ thu hút được mọi góc nhìn, bên này, bên kia sông hay từ phía bến Nhà Rồng nhìn qua đều thấy được nhà hát”.
DiaOcOnline.vn - Theo Tuổi Trẻ
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: