Top

Xây mới 2 bến xe lớn nhất TP.HCM

Cập nhật 04/09/2011 10:15

Khoảng năm 2015 - 2016, cả 2 bến xe lớn nhất, nhì TP.HCM là Miền Đông và Miền Tây sẽ cùng chuyển đến vị trí mới, xa hơn trung tâm TP.

Quá tải

Bến Xe Miền Đông (BXMĐ) có từ trước năm 1975 với tên gọi là Xa cảng Miền Đông, nằm trên địa bàn Q.10 (đường Lê Hồng Phong bây giờ). Năm 1981, TP.HCM quyết định chuyển BXMĐ đến P.26, Q.Bình Thạnh, cửa ngõ phía đông TP, được bao quanh bởi quốc lộ 13, Nguyễn Xí và Đinh Bộ Lĩnh. Tháng 11.1996, BXMĐ đã tiếp nhận chuyển giao một số luồng tuyến từ Bến xe Văn Thánh, làm tăng thêm lượng xe cũng như lượng hành khách đi lại. Hiện tại BXMĐ có hơn 250 doanh nghiệp vận tải tham gia hoạt động, với hơn 3.000 đầu xe đi - đến 49 tỉnh, TP trên cả nước. Bình quân mỗi ngày, BXMĐ xuất bến 1.124 lượt xe, những ngày cao điểm có thể lên đến 2.000 xe (như lễ, tết). Bình quân mỗi ngày có 23.000 khách đi xe; ngày cao điểm có thể lên đến 62.000 khách.

Bến xe Miền Đông luôn chịu cảnh quá tải - Ảnh: Diệp Đức Minh

Nằm ở cửa ngõ phía tây TP, Bến xe Miền Tây (BXMT) cũng hình thành trước năm 1975 với tên gọi Xa cảng Miền Tây. Năm 2004, Bến xe Chợ Lớn ở Q.6 với 33 tuyến đã được sáp nhập vào BXMT với 69 tuyến, cũng làm tăng đáng kể lưu lượng xe và hành khách ở BXMT. Hiện bến xe này phục vụ hành khách từ TP.HCM đi các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, với hơn 150 doanh nghiệp vận tải, tham gia khai thác 200 tuyến đường, với khoảng 1.000 xe xuất bến mỗi ngày, vận chuyển trung bình hơn 20.000 khách/ngày.

Có thể nhận thấy rõ sự chật chội của 2 bến xe này trong những dịp lễ, tết, nhất là tại BXMĐ. Trong bến, xe khách không đủ chỗ đậu; mặt bằng phía trước nhà ga trên đường Đinh Bộ Lĩnh cũng không đủ cho xe buýt đón, trả khách. Xe taxi cũng khó có chỗ để đón khách trong bến. Các bãi giữ xe gắn máy phải nâng cao thêm mấy tầng do quá tải. Ngoài bến, đoạn đường Đinh Bộ Lĩnh từ dốc cầu Bình Triệu 2 đến ngã tư Đinh Bộ Lĩnh - Nguyễn Xí mật độ xe thường xuyên đông đúc, đôi khi xảy ra ùn tắc trong những giờ cao điểm. Đặc biệt là vào những ngày lễ và tết, xe khách nối đuôi nhau thành những hàng dài, nhích từng tí để vào bên trong bến xe, gây nên những cảnh ùn tắc xe nghiêm trọng tại cửa ngõ thành phố. BXMT tương đối thông thoáng hơn. Tuy nhiên, các bãi giữ xe gắn máy của bến xe này thường xuyên quá tải, buộc hành khách phải tìm những bãi giữ xe ở bên ngoài để gửi.

Dời ra Suối Tiên và Bình Chánh

"TP mong muốn cả 2 bến xe mới này trở thành những công trình đầu mối giao thông tiện nghi, hiện đại" - ông Lê Văn Pha, Phó tổng giám đốc SAMCO.
Theo quy hoạch giao thông vận tải TP.HCM đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, BXMĐ sẽ được dời ra Suối Tiên, ở xa lộ Hà Nội, trong đó một phần thuộc địa bàn phường Bình Thắng, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương và một phần ở phường Long Bình, Q.9, TP.HCM. Trong khi đó, BXMT sẽ chuyển ra quốc lộ 1A, xã Tân Quý Tây, huyện Bình Chánh, cách nút giao thông quốc lộ 1A - Nguyễn Văn Linh khoảng 1 km về hướng Long An. Cả 2 bến xe mới đều có diện tích lớn hơn nhiều so với 2 bến xe hiện hữu, trong đó BXMĐ mới rộng hơn 14 ha, hơn gấp đôi BXMĐ hiện hữu, còn BXMT mới có diện tích gần 15 ha, rộng gấp 3 lần so với bến xe hiện nay ở quận Bình Tân. Tổng mức đầu tư của dự án xây dựng BXMĐ mới là 1.900 tỉ đồng và của BXMT mới là 1.428 tỉ đồng, cả hai đều từ vốn tự có của chủ đầu tư (SAMCO), vốn vay và vốn huy động hợp tác.

Ông Lê Văn Pha - Phó tổng giám đốc Tổng công ty cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (SAMCO), đơn vị chủ đầu tư 2 bến xe mới này, cho biết vị trí xây dựng BXMĐ và BXMT mới được kết nối với các phương tiện giao thông công cộng hiện đại, tạo thuận lợi cho người dân đi lại từ nội thành ra bến xe ở cửa ngõ TP. Như BXMĐ mới sẽ kết nối với tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên, còn BXMT mới sẽ có tuyến metro Bến Thành - BXMT. Theo ông Pha, tuyến metro này do theo quy hoạch hiện nay chỉ đi đến depot Tân Kiên, nên đang được đề xuất kéo dài thêm khoảng 3 km nữa để đến BXMT mới. Cả 2 bến xe mới đều bố trí các điểm kết nối với các tuyến xe buýt và taxi để đưa đón khách được thuận lợi.

"TP mong muốn cả 2 bến xe mới này trở thành những công trình đầu mối giao thông tiện nghi, hiện đại" - ông Lê Văn Pha nói. Sự tiện nghi, hiện đại, theo ông Pha, là ngay tại bến xe sẽ có sự phân luồng để tránh xảy ra ùn tắc giao thông. Ví dụ như khách muốn đón taxi thì xuống tầng hầm, đi xe buýt ở tầng trệt, còn đi metro thì lên tầng 2. Nhà ga của bến xe mới sẽ có những sảnh rộng lớn cho khách ngồi nghỉ ngơi trong thời gian chờ xe. Bên trong nhà ga của bến xe có những cửa hàng, trung tâm mua sắm, ăn uống,... như nhà ga hàng không.

Theo ông Lê Văn Khoa, mặt bằng của 2 bến xe hiện hữu có thể điều chỉnh theo hướng một phần làm bến xe buýt và xe khách liên tỉnh (một số tỉnh), còn lại sẽ chuyển mục đích sử dụng (xây dựng các khu liên hợp thương mại, căn hộ, văn phòng cho thuê...) để tạo nguồn vốn đầu tư xây dựng 2 bến xe mới. Như vậy, các tuyến xe đi theo các trục đường quốc lộ 13, 14 đến các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Đắk Nông, Đắk Lắk,... sẽ tiếp tục hoạt động tại BXMĐ hiện hữu.

Ảnh phối cảnh Bến xe Miền Đông mới (tư liệu)

Hiện tại SAMCO đang triển khai thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng 2 bến xe mới này, trong đó công tác giải tỏa đền bù đang trong giai đoạn khảo sát, đo vẽ và chuẩn bị lấy ý kiến của người dân trong khu vực dự án ở thị xã Dĩ An (BXMĐ mới) và huyện Bình Chánh (BXMT mới). Riêng khu vực Q.9 được triển khai sớm hơn, hiện đang chuẩn bị đền bù.

Dự kiến đến khoảng năm 2015 - 2016, cả 2 bến xe mới này sẽ đi vào hoạt động.

DiaOcOnline.vn - Theo Thanh Niên