Bộ Xây dựng đã có văn bản số 1550/BXD-QLN gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc đẩy nhanh việc triển khai thực hiện NQ số 02/NQ-CP của Chính phủ về vay vốn hỗ trợ nhà ở.
Theo văn bản Bộ Xây dựng mới ban hành, người dân sẽ được tạo điều kiện thuận lợi hơn khi làm thủ tục xác nhận về thực trạng nhà ở. Trong ảnh: Làm thủ tục hành chính tại UBND phường Trung Tự.Ảnh: Linh Anh
|
Theo Nghị quyết của Chính phủ, đối với đối tượng thu nhập thấp khi mua, thuê nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 phải có văn bản xác nhận của UBND xã, phường nơi đối tượng đó có hộ khẩu thường trú hoặc đăng ký tạm trú xác nhận về hộ khẩu và thực trạng nhà ở và chỉ xác nhận một lần. Tuy nhiên, qua phản ánh, hiện một số xã, phường nơi đối tượng đó có hộ khẩu thường trú hoặc đăng ký tạm trú không thực hiện việc xác nhận về hộ khẩu và thực trạng nhà ở, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. Bên cạnh đó, tại một số địa phương đang chậm triển khai việc chuyển đổi công năng dự án nhà ở thương mại sang dự án nhà ở xã hội, theo quy định tại Thông tư số 02, ảnh hưởng không nhỏ đến việc tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ và tiến độ thực hiện dự án.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai gói tín dụng hỗ trợ nhà ở, Bộ Xây dựng đề nghị các tỉnh, TP triển khai các quy định tại Thông tư số 07/2013/TT-BXD việc xác nhận hộ khẩu và thực trạng nhà ở theo mẫu quy định. Cụ thể với nội dung xác nhận về thực trạng nhà ở: UBND xã, phường xác nhận thực trạng nhà ở (số thành viên trong hộ gia đình và diện tích nhà ở) tại địa chỉ mà người xin xác nhận có đăng ký hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú và thực tế đang sinh sống tại đó. Người đứng đơn xin xác nhận về thực trạng nhà ở phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, nếu đã có nhà ở khác trong địa giới hành chính của tỉnh, TP trực thuộc T.Ư nơi có dự án nhà ở mà người đứng đơn muốn vay vốn để thuê, mua nhà ở.
Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn UBND xã, phường tổ chức thực hiện việc xác nhận hộ khẩu và thực trạng nhà ở theo quy định tại Thông tư số 07/2013/TT-BXD, không để trường hợp người dân đến nhưng không được xác nhận mà không có lý do. Trên thực tế, không ít xã, phường đã từ chối việc xác nhận điều kiện nhà ở cho người dân với lý do không nắm được thực trạng nhà ở. Các xã, phường chỉ nắm được tình trạng nhà ở của người dân tại địa phương mình mà không có cơ sở để biết được liệu người dân có sở hữu nhà ở tại địa phương khác hay không?
Theo một số chuyên gia, không thể trách chính quyền địa phương vì một khi đặt bút ký xác nhận là phải chịu trách nhiệm. Như vậy, vấn đề cốt lõi ở đây lại là việc chúng ta còn thiếu cơ sở dữ liệu nhà ở toàn quốc. Nếu có cơ sở dữ liệu này thì cơ quan thẩm quyền có thể dễ dàng tra cứu để biết được chính xác ai đã sở hữu nhà - đất, ai chưa. Với hướng dẫn này của Bộ Xây dựng, có thể thấy do còn có "lỗ hổng" về công cụ quản lý nhà, đất, nên người dân - chứ không phải ai khác - sẽ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật về thực trạng nhà ở của mình khi vay tiền từ gói tín dụng hỗ trợ nhà ở.
DiaOcOnline.vn - Theo Kinh tế Đô thị
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: