Top

Việt Nam đô thị hóa nhanh với các cực tăng trưởng kinh tế

Cập nhật 07/11/2014 16:44

Ngày 7/11, tại Hà Nội, Hội thảo khoa học quốc tế "Triển vọng quy hoạch vùng các thành phố lớn" do Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam tổ chức chính thức khai mạc với sự tham gia của khoảng 400 đại biểu, bao gồm các chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch vùng, nhà khoa học đến từ các Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và chủ nhà Việt Nam.

Một góc khu đô thị phía Tây Hà Nội. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Phát biểu tại lễ khai mạc, bà Phan Thị Mỹ Linh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cho biết thực hiện Chiến lược công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước, Việt Nam đang có tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, mặc dù còn ở mức độ thấp so với thế giới (Việt Nam khoảng 34%, trong khi thế giới trên 50%), nhưng Việt Nam cũng đang hình thành những cực tăng trưởng kinh tế quan trọng là các vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, trong đó trọng tâm là vùng Thủ đô Hà Nội; vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trọng tâm là vùng Thành phố Hồ Chí Minh; ngoài ra còn một số khu vực thành phố tương đối lớn như thành phố Hải Phòng, thành phố Đà Nẵng, thành phố Cần Thơ đang phát triển và có sức hút đầu tư mạnh mẽ và ảnh hưởng lan tỏa cho kinh tế và quốc gia rất quan trọng.

Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh khẳng định đô thị hóa tập trung, tạo động lực kinh tế xã hội phát triển vừa là cơ hội nhưng cũng là những thách thức rất lớn, nguy cơ của sự phát triển quá năng động mất cân đối, lãng phí đất đai, cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường, dịch chuyển dân cư, lao động thất nghiệp, an ninh xã hội.

Mỗi vùng thành phố lớn của Việt Nam có những đặc thù rất khác nhau, đòi hỏi phải có nghiên cứu thích hợp đảm bảo cho sự phát triển bền vững. Do đó, Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh đánh giá cao sáng kiến của Hội Quy hoạch phát triển Đô thị và sự hợp tác của các hội quy hoạch đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan tổ chức hội thảo quốc tế tại Việt Nam.

Đây là cơ hội để tập hợp được các ý kiến chuyên gia trong và ngoài nước đóng góp trí tuệ cho các nghiên cứu quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội và vùng quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh trên cơ sở bài học kinh nghiệm của các nước trên thế giới.

Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, cho biết Việt Nam đang triển khai hai đồ án quy hoạch vùng thành phố lớn là quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội và quy hoạch vùng Thành phố Hồ Chí Minh, đây là vùng quan trọng bậc nhất trong việc phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, là hai đô thị lớn có quy mô dân số gần 10 triệu người có tác động đến tổ chức không gian vùng lãnh thổ, đến liên kết vùng và những vấn đề quan trọng trong quá trình toàn cầu hóa, quá trình biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Ông Norihiro Nakai, Chủ tịch Hội quy hoạch Phát triển đô thị Nhật Bản, cho biết vài trò của các hội quy hoạch các nước là rất quan trọng khi là đầu mối tiếp nhận thông tin, giao lưu trao đổi kinh nghiệm, điều này góp phần quan trọng trong việc quy hoạch vùng đô thị của các nước một cách hiệu quả hơn.

Hiện tại nhiều vùng quy hoạch đô thị của Nhật Bản đang đối mặt với suy giảm dân số và môi trường, vì vậy vấn đề quy hoạch của Nhật Bản đang đứng trước bước ngoặt lớn. Những gì Nhật Bản đã và đang trải qua cũng có thể sẽ gặp phải tại các đô thị của các nước khác.

Ông Norihiro Nakai hy vọng qua hội thảo lần này sẽ được chia sẻ và học hỏi được kinh nghiệm trong việc quy hoạch đô thị một cách hiệu quả từ các chuyên gia các nước.

Còn theo Chủ tịch Hội quy hoạch Hàn Quốc Mack Joong Choi, châu Á đang trải qua giai đoạn chuyển mình hết sức quan trọng, đặc biệt về kinh tế. Cùng với đó thì châu Á cũng đang đối mặt với các vấn đề như thiếu nhà ở, hạ tầng yếu kém tại nhiều đô thị lớn, vấn đề thiếu quy hoạch trong các đô thị... Vì vậy, việc liên kết các thành viên quy hoạch của các nước với nhau có ý nghĩa lớn trong việc cùng nhau khám phá, xây dựng và cùng đề xuất để xây dựng một mô hình chung về đô thị cho châu Á.

Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng tham gia thảo luận theo từng chủ đề như quy hoạch kinh tế-xã hội và phát triển; quy hoạch tổ chức không gian lãnh thổ vùng; tổ chức giao thông và hạ tầng kỹ thuật; môi trường-phát triển bền vững và nguồn lực; đào tạo quy hoạch vùng và thực tiễn quy hoạch; quản lý phát triển vùng.

DiaOcOnline.vn - Theo Vietnam+