Top

Trung tâm hành chính-chính trị QG vẫn đặt tại Ba Đình

Cập nhật 28/07/2011 08:40

Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt ngày 26.7. Điều dư luận quan tâm nhất đó là Trung tâm hành chính - chính trị Quốc gia vẫn đặt tại Ba Đình chứ không phải lên Ba Vì như tin đồn trước đây.

Bố trí thêm trụ sở cơ quan Trung ương ở Tây Hồ Tây


Theo quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt, hệ thống cơ quan, công sở, an ninh quốc phòng, các cơ quan đầu não của Đảng, Quốc hội, Nhà nước và Chính phủ được đặt tại khu vực Ba Đình.

Rà soát và di dời trụ sở làm việc của một số cơ quan Trung ương ra ngoài nội đô đến khu vực Mễ Trì và Tây Hồ Tây. Ưu tiên vị trí tại khu vực Tây Hồ Tây để bố trí thêm trụ sở các cơ quan Trung ương làm việc, tạo điều kiện liên hệ thuận lợi với trụ sở của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước và Chính phủ.

Dự kiến đầu tháng 8 người dân sẽ được xem quy hoạch Hà Nội tại Cung Quy hoạch quốc gia đặt tại Mỹ Đình (Từ Liêm, Hà Nội). Ảnh: Internet.

Trụ sở cơ quan Thành ủy, Hội đồng nhân dân, UBND TP bố trí tại khu vực xung quanh Hồ Gươm. Trên cơ sở di chuyển trụ sở một số cơ quan bộ - ngành, bố trí trụ sở các Sở, ngành của thành phố tại các vị trí phù hợp để liên hệ thuận lợi với trụ sở của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, UBND TP.

Về định hướng phát triển nhà ở, đến năm 2030, diện tích bình quân nhà ở khu vực đô thị tối thiểu là 30m2 sàn sử dụng/người và nhà ở nông thôn tối thiểu là 25m2 sàn sử dụng/người. Khu vực nội đô, cải thiện điều kiện sống trong các khu ở, khu chung cư cũ, kiểm soát về mật độ xây dựng và tầng cao, bổ sung thêm các chức năng công cộng, cây xanh và hạ tầng kỹ thuật. Kiểm soát quy hoạch và kiến trúc đối với nhà ở dân tự xây. Xây dựng nhà ở đạt tiêu chuẩn quốc gia đáp ứng cho nhiều đối tượng sử dụng trong các đô thị vệ tinh và các đô thị mới để giảm tải cho đô thị trung tâm.

Đô thị trung tâm và 5 đô thị vệ tinh

Theo Quy hoạch, tổ chức không gian đô thị Hà Nội sẽ theo mô hình chùm đô thị, gồm khu vực đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh, các thị trấn được kết nối bằng hệ thống giao thông đường vành đai kết hợp các trục hướng tâm, có mối liên kết với mạng lưới giao thông vùng và quốc gia.

Khu vực đô thị trung tâm được phát triển mở rộng từ khu vực nội đô về phía Tây, Nam đến đường vành đai 4 và về phía Bắc với khu vực Mê Linh, Đông Anh; phía Đông đến khu vực Gia Lâm và Long Biên.

Đây là trung tâm chính trị hành chính, kinh tế, văn hóa, lịch sử, dịch vụ, y tế, đào tạo chất lượng cao của TP Hà Nội và cả nước. Dự báo dân số đến năm 2020 đạt khoảng 3,7 triệu người; diện tích đất xây dựng đô thị khoảng 45.300 ha. Đến năm 2030 dân số đạt khoảng 4,6 triệu người; diện tích đất xây dựng đô thị khoảng 55.200 ha.

Trong đô thị trung tâm có khu nội đô lịch sử (giới hạn từ phía Nam sông Hồng đến đường vành đai 2), khu nội đô mở rộng (giới hạn từ đường vành đai 2 đến sông Nhuệ), khu vực mở rộng phía Nam sông Hồng (từ sông Nhuệ đến đường vành đai 4), khu vực mở rộng phía Bắc sông Hồng (đến Nam sông Cà Lồ).

Tại đô thị trung tâm bố trí trụ sở, cơ quan Trung ương, cơ quan đầu não của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể của quốc gia và Thành phố, trụ sở các cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế; các cơ sở thương mại, giao dịch, dịch vụ tài chính - ngân hàng - bảo hiểm - chứng khoán, các viện nghiên cứu đầu ngành; trụ sở chính của các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp lớn; các cơ sở đào tạo chất lượng cao với quy mô phù hợp.

Các đô thị vệ tinh như: đô thị Hòa Lạc, đô thị Sơn Tây, đô thị Xuân Mai, đô thị Phú Xuyên, đô thị Sóc Sơn. Việc hình thành và phát triển nhanh các đô thị vệ tinh có chức năng hỗn hợp và đặc thù riêng, hoạt động tương đối độc lập để hỗ trợ và chia sẻ với đô thị trung tâm các chức năng về đào tạo, công nghiệp, dịch vụ, nhà ở...

Bên cạnh các đô thị vệ tinh, xây dựng các thị trấn theo mô hình đô thị sinh thái mật độ thấp, từ các thị trấn huyện lỵ hiện hữu như Phùng, Tây Đằng, Liên Quan, Kim Bài, Vân Đình, Đại Nghĩa, Thường Tín, Phúc Thọ, Quốc Oai, Chúc Sơn và các thị trấn mới.

DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động