Top

TP.HCM: Tăng tốc đầu tư, thêm nhiều cầu, đường

Cập nhật 13/03/2008 14:00

Ngày 12-3, Sở Giao thông công chính (GTCC) TP.HCM đã triển khai đến các sở, ngành, quận huyện "Qui hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020". Qui hoạch này đã có một số điều chỉnh cho phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội TP đang phát triển mạnh.

Để đáp ứng nhu cầu đi lại giữa TP và các đô thị lân cận, qui hoạch phát triển giao thông vận tải TP đã đặt mục tiêu xây dựng hai hầm và 22 cầu vượt các sông Sài Gòn, Đồng Nai, Nhà Bè, Lòng Tàu…, riêng sông Sài Gòn xây dựng 14 cầu. Xây dựng các tuyến đường sắt quốc gia TP.HCM về miền Tây, TP.HCM - Lộc Ninh, Biên Hòa - Vũng Tàu...

Điều chỉnh đường sắt, cảng biển...

Ông Bùi Xuân Cường - trưởng Phòng quản lý giao thông Sở GTCC - cho biết kinh tế TP phát triển mạnh nên TP đã kiến nghị và được Thủ tướng chấp thuận về nguyên tắc điều chỉnh qui hoạch.

Cụ thể qui hoạch TP trước đây xây dựng bốn đường vành đai, nay còn ba đường vành đai. Bởi đường vành đai 1, trong đó đoạn từ Tân Sơn Nhất về đường Võ Thành Trang (Q.Tân Bình - Q.Tân Phú), nay là đường đô thị.

Đồng thời hỗ trợ Nhà máy đóng tàu Ba Son và cảng Sài Gòn di dời về Hiệp Phước (Nhà Bè). Theo qui hoạch cảng biển TP đạt mục tiêu 35 triệu tấn hàng hóa vào năm 2010, nhưng đến cuối năm 2006 đã vượt đến 51 triệu tấn. Do đó Thủ tướng cũng chấp thuận điều chỉnh cảng biển TP đạt 100 triệu tấn hàng vào năm 2010 và 200 triệu tấn hàng vào năm 2020.

Thủ tướng cũng chấp thuận về nguyên tắc điều chỉnh một số tuyến đường sắt, metro, monorail như cho phép kéo dài tuyến metro Bến Thành đến Suối Tiên (thay vì Bến Thành đến Chợ Nhỏ, Q.9), điều chỉnh các tuyến đường sắt quốc gia đến vùng ngoại vi thay vì đi xuyên tâm TP…

Tuy nhiên về vận tải hành khách công cộng, đại diện một số quận huyện cho rằng qui hoạch đề ra mục tiêu người sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng đến năm 2010 đạt 30% và đến năm 2020 đạt 50% là không khả thi vì đến nay chỉ mới có 5%.

Theo ông Nguyễn Kim Lăng - phó giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế giao thông vận tải phía Nam, sẽ điều chỉnh đến năm 2015 đạt 30% người sử dụng phương tiện công cộng. Bởi lúc đó hệ thống giao thông đã phát triển và một số tuyến đường sắt đô thị có sức chở lớn đưa vào hoạt động.

Tăng tốc xây dựng cơ sở hạ tầng

Đại diện một số quận, huyện đề nghị cần xem xét qui hoạch phát triển hệ thống giao thông TP. Cụ thể là không nên để qui hoạch treo và có cơ chế phối hợp giữa TP với các tỉnh trong qui hoạch các tuyến vành đai. Nếu không tính trước để người dân xây dựng nhà cửa công trình, sau này TP sẽ không xây dựng được đường vành đai.

Tương tự, ông Nguyễn Kim Lăng đề nghị TP cần quản lý chặt chẽ các công trình xây dựng trên hành lang tuyến metro. Đặc biệt là các công trình nhà cao tầng nếu nằm trong hành lang an toàn tuyến metro sẽ gây trở ngại cho xây dựng tuyến metro sau này, trong đó khó nhất là điều chỉnh hướng tuyến metro.

Ông Trần Quang Phượng - giám đốc Sở GTCC TP - nhấn mạnh quĩ đất TP dành cho giao thông hiện nay quá ít, từ 4-5%, trong khi qui hoạch đặt ra mục tiêu là 16-20%. Hiện nền kinh tế TP đang phát triển mạnh, trong khi cơ sở hạ tầng TP đã quá tải. Do đó, TP sẽ tăng tốc đầu tư cơ sở hạ tầng mới có thể đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế của TP trong tương lai.

Theo ông Trần Quang Phượng, để đảm bảo đạt các mục tiêu của qui hoạch phát triển giao thông TP.HCM đến năm 2020, Sở GTCC đã trình UBND TP lộ trình thực hiện. Trong đó mục tiêu quan trọng nhất là xây dựng và phát triển vận tải hành khách công cộng có sức chở lớn (metro, monorail), hạn chế sử dụng xe cá nhân hai bánh và bốn bánh.

Ông Phượng cho rằng để thực hiện qui hoạch phát triển giao thông TP tốt, các quận huyện cần phổ biến đến tận phường xã và tổ dân phố để người dân tham gia góp ý điều chỉnh qui hoạch cho phù hợp với thực tế.

TP cần phát triển nhiều đô thị vệ tinh

Ông Nguyễn Kim Lăng cho rằng TP cần phát triển nhiều đô thị vệ tinh như Tân An, Biên Hòa, Mỹ Tho… Trong tương lai TP sẽ tăng lên 10 triệu dân nên phải mở không gian TP đến các đô thị vệ tinh. Theo đó, thúc đẩy các đô thị vệ tinh sử dụng nhiều lao động, còn TP.HCM trở thành một TP công nghiệp sử dụng công nghệ cao và sạch.

Cùng với việc sử dụng lao động ở các đô thị vệ tinh, vấn đề chính là tổ chức vận chuyển hành khách công cộng kết nối giữa TP.HCM với các đô thị lân cận. Trong đó, tính toán hành trình kết nối giao thông từ TP đến các đô thị không quá 60 phút mới đạt hiệu quả về kinh tế vì được người lao động đi lại chấp nhận.


Theo Tuổi Trẻ