"Công trình xây dựng của tư nhân thì làm nhanh, làm tốt. Còn các công trình của nhà nước thì làm rất chậm, có khi kéo dài vô hạn, mà tình trạng đó lại diễn ra ở ngay tại các thành phố lớn", Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN Phạm Sỹ Liêm nói tại buổi làm việc giữa Bộ Xây dựng và UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường QH ngày 2/8 bàn việc sửa Luật Xây dựng.
Nhà nước... ì ạch
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, câu chuyện lãng phí, thất thoát trong đầu tư xây dựng cơ bản tiếp tục được xới lên tại buổi hội thảo. Như so sánh của ông Phạm Sỹ Liêm, thì trong lúc các dự án, công trình do tư nhân bỏ vốn luôn làm đúng, thậm chí vượt tiến độ thì các dự án "nhà nước" lại ì ạch, có khi còn rơi vào tình trạng kéo dài đến... vô hạn. Điều đáng nói là hiệu suất đầu tư cho các dự án "công" luôn đắt đỏ hơn rất nhiều lần.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng: "Đầu tư thiếu quy hoạch sẽ dẫn đến dự án treo", Ảnh: Lê Anh Dũng
|
Hai "căn bệnh" khác trong đầu tư công cũng được ông Liêm vạch mặt, chỉ tên đó là "tham nhũng, lãng phí". Mong luật sửa đổi sẽ ngăn ngừa được hai căn bệnh này.
Ngoài những nguyên nhân chủ quan, thì chính các quy định của Luật hiện hành chính là lý do dẫn đến hàng loạt tồn tại nói trên. Vì vậy, theo Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng, thì cần nghĩ đến việc soạn một luật mới thay thế hoàn toàn luật hiện hành. Bởi chỉ có đổi mới toàn diện và triệt để cho phù hợp thông lệ quốc tế mới có thể khắc phục được các hạn chế nêu trên.
Tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cũng thừa nhận, những bất cập trong luật xây dựng hiện hành là một trong các nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất thoát, lãng phí khiến người dân bức xúc. Chưa kể, rất nhiều công trình, dự án chất lượng không đảm bảo, gây thiệt hại (như sự cố ở Thủy điện Sông Tranh 2).
Công tác tiền kiểm của cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng bị coi nhẹ. Trao nhiều quyền hạn cho chủ đầu tư trong việc thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán chi phí đầu tư xây dựng công trình dẫn đến việc lãng phí, thất thoát vốn đầu tư đối với các dự án đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước.
Chính vì vậy, một trong những nội dung mới được bổ sung trong dự thảo là quy định các dự án trước khi triển khai phải được kiểm duyệt trước (tiền kiểm) thay vì chỉ hậu kiếm khi việc đã rồi (như lâu nay).
Cụ thể, việc tiền kiểm nhằm mục đích kiểm soát ngay từ đầu, trước khi phê duyệt dự án, để ngăn ngừa những rủi ro có thể xảy ra. Việc thẩm định thiết kế cơ sở phải được cơ quan chuyên môn làm trước khi phê duyệt dự án. Ngoài yêu cầu về thẩm định thiết kế cơ sở, còn phải thẩm định cả chi phí đầu tư.
Với các dự án không dùng vốn nhà nước, việc tiền kiểm chỉ được thực hiện trong trường hợp xây dựng công trình công cộng, công trình có tác động lớn đến cảnh quan, môi trường và sự an toàn của cộng đồng.
Có quyền phải có trách nhiệm
Liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực xây dựng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho hay, dự thảo Luật sẽ làm rõ và cụ thể hơn so với luật hiện hành. Để tránh tình trạng như lâu nay, hễ sai phạm xảy ra thì trách nhiệm cuối cùng vẫn thuộc về chủ đầu tư, trong khi vai trò của cơ quan quản lý nhà nước lại mờ nhạt.
"Vậy là với những công trình xây dựng chưa được quản lý chặt chẽ, chủ đầu tư thì làm chưa hết trách nhiệm dẫn đến sai sót mà vai trò của cơ quan quản lý thì chưa được làm rõ. Việc xác định trách nhiệm rất khó.... Sửa luật lần này phải trên nguyên tắc để các cơ quan quản lý vừa có quyền, nhưng cũng vừa phải có trách nhiệm", ông Dũng giải thích.
Đồng tình với quan điểm này, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, ông Trần Ngọc Hùng bổ sung thêm, người dân có nhu cầu muốn tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan quản lý. Bởi thực tế cho thấy, thất thoát, lãng phí xảy ra nhiều nhất đa phần với các dự án dùng vốn ngân sách.
Bà Trần Thị Quốc Khánh, thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội góp ý, nên bổ sung thêm quy định về chế tài đối với cán bộ, công chức không làm tròn trách nhiệm. Bởi, để xảy ra hiện tượng các công trình xây dựng không phép và hàng loạt hiện tượng sai sót khác trong lĩnh vực xây dựng một phần là do thái độ, trách nhiệm của chính đội ngũ quản lý.
Dự thảo Luật Xây dựng sẽ còn tiếp tục được hoàn thiện, chỉnh lý trước khi trình Quốc hội. Đặc biệt cần làm rõ mối tương quan với các luật liên quan, như Luật đấu thầu, Luật quy hoạch đô thị...
DiaOcOnline.vn - Theo Vietnamnet
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: