“Những căn nhà hộp diêm, hình thù kỳ quái án ngữ mặt tiền các con đường lớn quan trọng vừa mới mở nhìn thật là tức mắt. Hà Nội cũng đã làm hết cách nhưng vẫn xảy ra”.
Đó là ý kiến của ông Đỗ Xuân Anh, Giám đốc Sở Xây dựng TP Hà Nội, tại Hội nghị sơ kết công tác sáu tháng đầu năm và bàn biện pháp triển khai nhiệm vụ kế hoạch sáu tháng cuối năm 2010 do Bộ Xây dựng tổ chức ngày 9-7, tại TP.HCM.
Theo ông Anh, giải pháp để giải quyết nhà siêu mỏng là ngay khi mở đường phải đồng thời có ngay một cái khung xác định chiều cao, khoảng lùi, diện tích tối thiểu được xây dựng mới trên tuyến đường này. Đối với nhà từ hẻm trở thành mặt tiền, nếu muốn được xây mới thì dứt khoát phải đủ chuẩn, phải xây dựng theo khung… Nếu không đủ chuẩn, chủ nhà phải hợp khối cho được với các nhà bên cạnh. “Không được nữa thì dứt khoát không cho xây, chỉ được sử dụng theo hiện trạng cũ” - ông Anh kiến nghị.
Về tình hình cấp phép xây dựng, theo báo cáo của 48 tỉnh, thành, trong sáu tháng qua đã cấp được hơn 48.500 giấy. Quan điểm lâu nay của TP.HCM (cấp một nửa số giấy phép trên) là ngày càng đơn giản thủ tục, trao trách nhiệm về cho chủ đầu tư. Thế nhưng một số địa phương lại đề nghị phải siết chặt hơn về quản lý chất lượng công trình, hoặc đối tượng được miễn giấy phép xây dựng…
Vụ Quản lý chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cũng đề nghị bổ sung nhiều loại giấy tờ trong hồ sơ cấp phép. Đó là báo cáo kết quả thẩm định đảm bảo an toàn chịu lực, an toàn phòng cháy chữa cháy, đảm bảo môi trường do tổ chức có đủ năng lực thực hiện; biên bản xác nhận hiện trạng các công trình lân cận do chủ đầu tư thực hiện thỏa thuận với các chủ sở hữu lân cận. Ngoài ra, đối với công trình có tầng hầm sâu, công trình xây ken thì phải có biện pháp thi công được duyệt. Lãnh đạo Bộ Xây dựng không có ý kiến về các đề nghị này mà chỉ cho biết “sắp tới sẽ có một nghị định riêng quy định về cấp phép xây dựng”.
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: