Quy hoạch tổng thể (QHTT) phát triển kinh tế - xã hội TPHCM đến năm 2020, tầm nhìn 2025 với nhiều mục tiêu quan trọng đã được HĐND TPHCM thông qua tại kỳ họp thứ 9, diễn ra ngày 13/5. Biểu quyết thông qua, song nhiều đại biểu (ĐB) lẫn thành viên UBND TPHCM thừa nhận khả năng khó thành hiện thực.
TS Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM: “Nhiều chỉ tiêu rất khó đạt”. Ảnh: LT.
|
Xóa hàng chục ngàn nhà ổ chuột trong một năm rưỡi
QHTT đặt ra mục tiêu vào năm 2015 cơ bản hoàn thành di dời các hộ dân sống trong các căn nhà ổ chuột, lụp xụp trên và ven kênh, rạch. Theo ĐB Trần Trọng Dũng, mục tiêu này khó thành vì thời gian thực hiện quy hoạch này chỉ còn một năm rưỡi, trong khi khối lượng giải tỏa, tái định cư lên tới hàng chục nghìn căn nhà. Chỉ tính riêng quận 8 đã có trên 15.000 căn.
Trao đổi với PV, một số ĐB khẳng định QHTT đưa ra thời hạn đến năm 2015 TPHCM không còn tình trạng chung cư cũ, hết hạn sử dụng là không khả thi bởi chính sách về bồi thường, tái định cư đối với chung cư cũ xuống cấp còn nhiều bất cập khiến công tác vận động người dân gặp nhiều khó khăn. Đơn cử như chung cư Cô Giang (quận 1) đã triển khai công tác bồi thường từ năm 2010, đến nay vẫn còn khiếu nại.
Trong khi đó, đến cuối quý I/2013, TPHCM có 533 lô chung cư, nhà tập thể xây dựng trước năm 1975 cần cải tạo và xây dựng mới. Theo kế hoạch, TPHCM phải di dời, tháo dỡ 30 chung cư cũ, hết hạn sử dụng gồm 5.407 căn hộ, song đến đầu tháng 4/2013, TPHCM mới hoàn thành 5 lô chung cư, thi công dở dang 4 lô chung cư.
Theo ĐB Lâm Thiếu Quân, QHTT đặt ra mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân từ nay đến năm 2015 từ 10 -10,5% cũng khó khả thi vì kinh tế chưa hồi phục. Ông Quân chỉ ra hàng loạt bất cập như trợ giá cho hoạt động xe buýt năm 2012, mới đáp ứng trên 5% nhu cầu đi lại của người dân, ngân sách TPHCM đã chi trợ giá trên 1.500 tỷ đồng. Đến năm 2020, dự kiến xe buýt đáp ứng 16% nhu cầu đi lại, trong khi TPHCM phải trợ giá bao nhiêu và lấy từ nguồn nào thì QHTT chưa làm rõ(?).
“Quy hoạch sân bay Long Thành triển khai chậm, sân bay Tân Sơn Nhất (TSN, TPHCM) tiếp tục đảm nhận vai trò cảng hàng không trung tâm cho khu vực các tỉnh phía Nam. Công suất thiết kế sân bay TSN là 20 triệu lượt khách/năm, tối đa là 24 triệu lượt khách/năm. Năm 2012, TSN đón gần 18 triệu lượt khách. Dự kiến 1-2 năm tới, sân bay này sẽ quá tải. QHTT xác định đến năm 2020 mới cải tạo, nâng cấp thì đã muộn. Ngoài ra, QHTT xác định phát triển, mở rộng TPHCM cả bốn hướng. Sân bay TSN nằm ngay giữa trung tâm, việc nâng cấp, mở rộng sẽ không đảm bảo an toàn” - ông Quân nói.
Bỏ rơi dân ngoại thành?
Theo ĐB Trần Trọng Dũng, QHTT đặt ra mục tiêu đến năm 2015 cung cấp nước sạch cho 98% dân số nội thành khó khả thi vì ở nhiều nơi chưa có đường ống, nước máy bị đục, nhiễm bẩn…
Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM cũng e ngại, nhiều mục tiêu rất khó đạt, chắc chắn TPHCM phải “với tay” trong quá trình thực hiện. “Lo ngại của ĐB về quy hoạch sân bay TSN rất xác đáng. Sắp tới, TPHCM sẽ kiến nghị Chính phủ xem xét vì đây là quy hoạch ngành” - ông Hòa thừa nhận.
Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm chất vấn: Đề nghị UBND TPHCM giải trình vì sao chỉ cung cấp nước hợp vệ sinh, không đặt ra mục tiêu cấp nước sạch cho người dân ngoại thành?
Được Chủ tịch UBND TPHCM giao nhiệm vụ, ông Nguyễn Trọng Hòa, giãi bày: Mục tiêu của chúng ta là 100% bà con ngoại thành được cấp nước sạch nhưng Tổng công ty cấp nước Sài Gòn cho rằng rất khó thực hiện vì vướng bài toán kinh tế, hiệu quả đầu tư… Bà Tâm ngắt lời: “Xin lỗi anh Hòa! Khi UBND TPHCM trình Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố xem xét, rõ ràng có chỉ tiêu cấp nước sạch cho người dân ngoại thành nhưng đến khi trình HĐND TPHCM thì mất luôn. Vì sao lại không quan tâm đến khu vực ngoại thành trong khi bà con rất thiệt thòi?”.
Ông Hòa cho biết, sẽ điều chỉnh QHTT, mục tiêu đến năm 2015, phấn đấu cung cấp nước sạch cho 100% người dân ngoại thành sống tại các khu dân cư tập trung theo QH của thành phố. Những khu vực không tập trung, chưa có hệ thống cấp nước sẽ cung cấp 100% nước hợp vệ sinh từ nhiều nguồn khác.
Lận đận thu phí cầu Rạch Chiếc
Tờ trình kết thúc thu phí giao thông đường Điện Biên Phủ và đường An Dương Vương (nối dài) đã được kỳ họp thứ 8 thông qua, đồng thời cho phép thu phí hoàn vốn cầu Rạch Chiếc (xa lộ Hà Nội) từ ngày 1/4.
Tuy nhiên, tại kỳ họp thứ 9, các ĐB bất ngờ khi UBND TPHCM trình lại. Theo lý giải của Phó Chủ tịch UBND TPHCM Hứa Ngọc Thuận, kỳ họp trước sai sót khi ấn định mức phí 1.350.000 đồng/tháng dành cho xe container 40 feet và xe tải từ 18 tấn trở lên, trong khi theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính thì phải thu 2.400.000 đồng/tháng.
“UBND TPHCM nhận thiếu sót và đã yêu cầu Sở GTVT kiểm điểm trách nhiệm” – ông Thuận nói.
DiaOcOnline.vn - Theo Tiền Phong
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: