Top

Quy hoạch TP. Thủ Đức còn chậm, chưa đạt tiến độ

Cập nhật 05/07/2023 11:06

So với kế hoạch ban đầu, việc tổ chức lập quy hoạch tại TP. Thủ Đức (TP.HCM) vẫn còn rất chậm.

Công tác tổ chức lập quy hoạch tại TP. Thủ Đức chưa đảm bảo tiến độ. Trong ảnh: Khu vực cảng Trường Thọ được quy hoạch xây dựng một hình mẫu về đô thị tương lai của TP. Thủ Đức.

UBND TP.HCM vừa báo cáo sơ kết giữa nhiệm kỳ về kết quả thực hiện kế hoạch triển khai Đề án “Hình thành và phát triển đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông TPHCM giai đoạn 2020 - 2035” (gọi tắt là Đề án).

Theo đó, từ giai đoạn khởi tạo (2020 - 2022) và đến nay, các nhiệm vụ tập trung chủ yếu vào việc định hướng khung phát triển và chiến lược, xây dựng và hoàn thiện cơ chế - tổ chức, chính sách phát triển cho TP. Thủ Đức.

Còn công tác tổ chức lập quy hoạch tại TP. Thủ Đức chưa đảm bảo tiến độ, chậm hơn 1 năm theo kế hoạch đã được xác định tại Quyết định số 318/QĐ-UBND ngày 24/1/2022 của UBND Thành phố về triển khai Đề án.

Việc lập đồ án quy hoạch chung TP. Thủ Đức tỷ lệ 1/10.000 hiện chỉ mới hoàn thiện hồ sơ trình Bộ Xây dựng thẩm định vào giữa tháng 6/2023 – chậm gần nửa năm so với kế hoạch đề ra.

Ngoài ra, công tác nghiên cứu điều chỉnh, điều chỉnh cục bộ các quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 phù hợp theo quy hoạch chung TP. Thủ Đức đến năm 2040 và định hướng đô thị sáng tạo đang triển khai ở bước rà soát, thẩm định đề cương và tổng dự toán làm cơ sở ghi vốn lập quy hoạch sau khi đồ án quy hoạch chung TP. Thủ Đức được duyệt (dự kiến năm 2024).

Ngoài việc chậm trễ thực hiện đồ án quy hoạch, UBND Thành phố cho biết việc tổ chức nghiên cứu thực hiện các nội dung thuộc Đề án, đặc biệt các dự án đầu tư, nội dung có quy mô lớn và xây dựng các chính sách tổng thể còn chậm, chưa theo kế hoạch được phê duyệt.

Ngoài ra, nguồn nhân lực có chuyên môn, kinh nghiệm về phát triển đô thị thông minh và ứng dụng hạ tầng công nghệ thông tin trong đô thị của cơ quan Nhà nước còn hạn chế, chưa đảm bảo yêu cầu tham mưu, thực hiện công tác quản trị, điều hành các dự án theo định hướng phát triển đô thị sáng tạo tại khu vực.

Về nguyên nhân, theo đánh giá của UBND Thành phố, việc tổ chức, sắp xếp thứ tự mục tiêu thực hiện các nhiệm vụ, nội dung thuộc Đề án còn chưa thực sự khoa học, chưa phù hợp điều kiện khách quan Thành phố. Một số nội dung, nhiệm vụ được phân giao chồng chéo giữa các đơn vị hoặc thuộc các chương trình, đề án khác nhau nên các sở ngành, đơn vị gặp lúng túng khi triển khai.

Thành phố cũng gặp những vướng mắc trong công tác ghi vốn, nên danh mục các dự án của ngành trọng yếu như giao thông, y tế, giáo dục, tài nguyên môi trường, xây dựng chưa được bố trí vốn đầu tư công để thực hiện.

Ngoài ra, Đề án là nội dung hoàn toàn mới, lần đầu tiên triển khai trong cả nước, trong quá trình thực hiện phải tiếp thu học hỏi kinh nghiệm, giải pháp công nghệ tiên tiến trên thế giới để vận dụng vào đặc điểm cụ thể của Thành phố, thực hiện trên cơ sở kế thừa và phát triển ứng dụng và cơ sở hạ tầng hiện tại của TP. Thủ Đức.

Đặc biệt, trong bối cảnh TP. Thủ Đức chưa có cơ chế đặc thù theo mô hình thành phố trong thành phố, nên công tác triển khai một số nội dung, giải pháp của Đề án còn gặp nhiều khó khăn ở các giai đoạn thẩm định và phê duyệt; ở nhiều bước cần phải có văn bản lấy ý kiến của các bộ, ngành liên quan gây kéo dài thời gian thẩm định và phê duyệt.

Trong thời gian tới, Thành phố cho biết sẽ tiếp tục lãnh đạo triển khai thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ, nội dung trọng tâm được xác định tại Kế hoạch triển khai Đề án.

Đồng thời, theo dõi để sớm hoàn thành việc phê duyệt đồ án quy hoạch chung TP. Thủ Đức đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. Sau khi đồ án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, khẩn trương hoàn chỉnh các đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 trên địa bàn TP. Thủ Đức để triển khai, áp dụng.

Ngoài ra, Thành phố cũng tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, công tác quản lý đất đai. Lập quy hoạch và đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông cho khu vực phía Đông TP. Lập kế hoạch và triển khai các dự án hợp tác kinh tế có tính kết nối liên ngành, liên quận, liên vùng trên các lĩnh vực.

Bên cạnh đó, Thành phố cũng thực hiện các chương trình, chính sách thu hút đầu tư phát triển đô thị và nhà ở, tổ chức các chương trình lắng nghe ý kiến cộng đồng doanh nghiệp và hợp tác quốc tế định kỳ. Xây dựng trang thông tin điện tử và các trang ứng dụng để quảng bá thông tin về đô thị sáng tạo và tiếp nhận góp ý của các chuyên gia, cộng đồng.

Theo Quyết định 318/QĐ-UBND về ban hành kế hoạch triển khai Đề án “Hình thành và phát triển đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông Thành phố giai đoạn 2020 -2035” năm 2020 – 2025, TP.HCM sẽ xây dựng và phát triển khu vực phía đông (TP. Thủ Đức) thành đô thị sáng tạo, tương tác cao, khu vực dẫn dắt kinh tế thành phố và vùng thành phố trong các hoạt động kinh tế tri thức như đào tạo, nghiên cứu và sản xuất công nghệ cao.

Chỉ tiêu đặt ra là đến năm 2025 lập định hướng khung phát triển và chiến lược, xây dựng cơ chế - tổ chức, xác định nhóm ngành ưu tiên, thiết lập hợp phần 3 Nhà (Nhà nước - Nhà đầu tư - Nhà giáo dục). Đồng thời, quy hoạch chung TP. Thủ Đức và quy hoạch phân khu các khu vực trung tâm đổi mới sáng tạo sẽ được phê duyệt và công khai.

TP.HCM đặt ra nhiều chỉ tiêu đến năm 2025 như tỷ trọng GDP tăng trưởng sau 5 năm; thu hút 50.000 dân cư đến sinh sống và làm việc, trong đó có khoảng 20.000 kỹ sư và chuyên gia; số lượng các phát minh, sáng chế tăng trưởng 100% sau 5 năm.

Hình thành quỹ đất phát triển khoảng 100 ha, tập trung chính vào các trụ cột kinh tế sáng tạo có sẵn như Khu công nghệ cao, Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Khu Đại học Quốc gia TP.HCM.

Phát triển quỹ đất công nghiệp sáng tạo khoảng 50 ha; xây dựng thêm 500.000 m2 sàn văn phòng hạng A, 1 triệu m2 sàn hạng B, C và 1 triệu m2 sàn xưởng; tăng trưởng 50% diện tích sàn trường đại học, trường dạy nghề sau 5 năm và nâng cao chất lượng.

25% dân số sử dụng phương tiện công cộng; tăng 60% số km đường phục vụ giao thông công cộng sau 5 năm; hình thành dự án và nguồn vốn cụ thể bổ sung tuyến BRT...

Hoàn thành khép kín vành đai 2 và triển khai xây dựng quốc lộ 13, vành đai 3. Hoàn thành dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 với Bình Dương, triển khai xây dựng cầu Cát Lái, cầu Nhơn Trạch; xây dựng, đầu tư hệ thống 5G cho TP. Thủ Đức...
 

DiaOcOnline.vn – Theo Báo đầu tư