Singapore khuyến khích sự tham gia cộng đồng ngay từ khi lập quy hoạch. |
Hầu hết các nước phát triển (Mỹ, Anh, Thụy Điển…) phát triển quy hoạch đô thị khá thành công là do sự nhất quán từ Chính phủ, bộ, ngành và hợp lòng dân.
Sự tham gia cộng đồng trong công tác quy hoạch chính là yếu tố quan trọng dẫn đến hiệu quả kinh tế cao khi thực hiện phát triển đô thị và giải phóng mặt bằng.
Tại Châu Âu, quy hoạch đô thị thu hút sự tham gia của cộng đồng trong từng giai đoạn lập quy hoạch cho đến quản lý đô thị đã diễn ra manh mẽ từ khá lâu. Điển hình phương pháp quy hoạch này do chính phủ đảng Bảo thủ của Anh bắt đầu từ 1980 nhằm đổi mới hệ thống quy hoạch đô thị và thành phố, ở Pháp năm 1980 cho quy hoạch từng khu vực và sau đó là Thụy Điển vào năm 1987 cho quy hoạch sử dụng đất. Kết quả cho thấy, hầu hết các thành phố mới xây dựng theo quy hoạch đó đều trở thành những thành phố kiểu mẫu của Châu Âu và thế giới.
Với các đô thị tại Châu Á như Hồng Kông hay Singapore, công tác quy hoạch và phát triển đô thị rất nhanh, hiện đại và mang tính cạnh tranh cao với tham vọng trở thành các trung tâm kinh tế lớn của Châu Á mà vẫn gìn giữ được bản sắc của từng quốc gia. Xu hướng này đã hình thành khoảng 20 năm về trước và hầu hết các đô thị như Tokyo, Kular Lumpur, Thượng Hải, Bangkok đã thành công. Nổi bật nhất trong số này là quy hoạch chung đô thị của Singapore và Hồng Kông, vốn hình thành và ổn định một vài chục năm trở lại đây. Trong bản quy hoạch đô thị của 2 đô thị này, mục tiêu định hướng của họ là khá xa và dài hạn, Hồng Kông từ 30 đến 50 năm và Singapore là trên 45 năm.
Để xây dựng đô thị vươn lên tầm cao mới trong kỷ nguyên mới và xứng đáng đẳng thế giới, Chính phủ Singapore đã thực hiện chính sách khuyến khích sự tham gia cộng đồng ngay từ khi lập quy hoạch. Họ khá rập khuôn theo mô hình hiện đại phương Tây, tuy nhiên sự thống nhất khả thi của các bản quy hoạch đô thị là Concept Plan 2001 và Master Plan 2003 rất cao bởi nhiều thành phần tham gia đồng thuận cao.
Các nhà quy hoạch đô thị ở Singapore rất chú trọng đánh giá cao việc sử dụng các nguồn đất khan hiếm của đất nước phục vụ nhu cầu sử dụng đa dạng của cả những người dân hiện tại và thế hệ tương lai. Họ tính đến mọi yếu tố từ nhà ở, thương mại, công nghiệp, giao thông, quốc phòng cũng như sự phát triển đa dạng của các khu vực. So với các nước khác, các nhà quy hoạch đô thị Singapore còn phải một bài toán rất khó là đất chật người đông: 4,84 triệu người/682,7km2.
Tương tự, Hồng Kông xác định điểm quan trọng nhất trong kế hoạch quy hoạch đô thị là phải hiểu được tầm quan trọng của các quan tâm về chính trị, kinh tế và cộng đồng trong đô thị. Tại đô thị này, các chính sách phát triển và quy định quy hoạch được thiết kế để tạo sự tự do tối đa cho các doanh nghiệp kinh doanh, tuy nhiên không lơ là đến sự phát triển môi trường cho người dân sinh sống.
Tuy chỉ là một trung tâm thương mại-tài chính toàn cầu nhưng Hồng Kông cũng có bản sắc riêng. Đằng sau các khu nhà chọc trời, Hồng Kông vẫn giữ lại những công trình thương mại, nhà ở gồm các khối nhà sử dụng hỗn hợp có hình thù, số tầng và quy mô khác nhau, mang bản sắc “Phố Tàu” nổi tiếng khắp thế giới. Khu trung tâm rộn rịp và ngộp thở Hồng Kông nay được điều chỉnh lại với đường đi bộ trên cao, cầu thang cuốn cho khách bộ hành, bến xe buýt, trạm tàu điện khắp nơi.
DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: