Người dân bị thu hồi đất làm thủ tục nhận tiền bồi thường, hỗ trợ tại Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển quận 2, TP.HCM. Ảnh: HTD |
Mức bồi thường hiện rất thấp nên phải hỗ trợ cao để bù đắp thiệt thòi cho nông dân bị mất đất.
Theo Nghị định 69 về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư có hiệu lực từ ngày 1-10, hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp khi nhà nước thu hồi đất nông nghiệp mà không có đất để bồi thường thì ngoài việc được bồi thường bằng tiền còn được hỗ trợ chuyển đổi nghề.
Điểm đáng chú ý nhất trong nghị định này là người mất đất sản xuất được nhận tiền hỗ trợ chuyển đổi nghề cao hơn nhiều so với tiền bồi thường đối với đất bị thu hồi. Nếu không được hỗ trợ bằng tiền, người dân có thể được hỗ trợ bằng nhà đất để ở hoặc sản xuất, kinh doanh.
Mỗi sào đất có thêm vài chục triệu đồng
Cụ thể, nếu hỗ trợ bằng tiền thì người dân được nhận số tiền bằng 1,5-5 lần số tiền bồi thường đất bị thu hồi. “Ở các tỉnh đồng bằng Bắc bộ, giá bồi thường cho một sào đất nông nghiệp (360 m2) khoảng 13-19 triệu đồng. Nếu tính ở mức trung bình, hộ gia đình mất một sào đất nông nghiệp sẽ được hỗ trợ chuyển đổi nghề khoảng 45 triệu đồng” - ông Lê Đức Thịnh, Trưởng bộ môn Thể chế nông thôn - Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông thôn, giải thích.
Khi việc chuyển đổi nghề của nông dân không được hỗ trợ bằng tiền thì họ được hỗ trợ một suất đất ở hoặc một căn hộ chung cư hoặc một suất đất sản xuất, kinh doanh. Hình thức này được áp dụng kèm theo các điều kiện: Địa phương có điều kiện về quỹ đất ở, quỹ nhà ở; người được hỗ trợ có nhu cầu; giá trị được hỗ trợ tính ra bằng tiền phải bằng hoặc lớn hơn giá trị nhà, đất đó.
Không cụ thể, có khi kiện nhiều hơn
“Giá đất nông nghiệp hiện rất thấp mà việc đền bù cho người dân mất đất lại căn cứ trên giá đất này. Quy định mức hỗ trợ như vậy phần nào bù đắp được thiệt thòi cho nông dân bị mất đất” - ông Thịnh phân tích.
Ông Đào Trung Chính, Vụ trưởng Vụ Chính sách và Pháp chế - Tổng cục Quản lý đất đai, cũng nhận định: “Việc tăng mức hỗ trợ sẽ giảm đi những bức xúc, khiếu kiện của người bị thu hồi đất”.
Tuy nhiên, theo ông Tôn Gia Huyên, Hội Khoa học đất Việt Nam, quy định trên đảm bảo quyền lợi cho người dân mất đất nhưng để thực hiện trên thực tế còn rất khó khăn. “Để thực hiện được, điều quan trọng là những người có chức trách phải thực thi đúng quy định” - ông Huyên nói.
Ông Thịnh cũng băn khoăn: “Quy định mức hỗ trợ chuyển đổi nghề từ 1,5 đến năm lần tiền bồi thường, vậy đối tượng nào sẽ được hỗ trợ ở mức bằng năm lần, đối tượng nào được hỗ trợ ở mức bằng 1,5 lần? Nếu không quy định cụ thể và thực hiện đúng quy định thì rất dễ sinh thắc mắc, khiếu kiện”.
Làm sao để tiền không “bốc hơi”?
Thực tế cho thấy nhiều hộ dân sau khi nhận tiền bồi thường đã sử dụng số tiền này không hiệu quả. Nhiều hộ dành cho việc ăn chơi, mua sắm, chẳng mấy chốc số tiền đó bị bốc hơi hết sạch. Vậy số tiền mà người dân được hỗ trợ để chuyển đổi nghề theo quy định mới nên được sử dụng như thế nào cho đúng mục đích và có hiệu quả?
Theo một lãnh đạo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn thì nên trao tiền đó cho người dân theo tiến độ học nghề. Tiền đó gửi ở ngân hàng, có lãi. Chẳng hạn, nếu người dân học nghề sửa xe máy thì cấp tiền trước cho họ đi học. Khi họ học xong thì giao nốt tiền cho họ mở tiệm. “Tuy nhiên, việc giao tiền theo tiến độ như vậy phải có sự thỏa thuận và đồng ý của người dân” - vị này nhấn mạnh.
Nghị định 69 có hiệu lực từ ngày 1-10 quy định rõ:
- Không áp dụng nghị định này đối với: Những dự án, hạng mục đã chi trả xong bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trước ngày 1-10; những dự án, hạng mục đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư hoặc đang thực hiện chi trả bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo phương án đã được phê duyệt trước ngày 1-10.
- Trường hợp bồi thường chậm: Nếu do cơ quan, tổ chức có trách nhiệm bồi thường gây ra mà giá đất tại thời điểm bồi thường và giá đất tại thời điểm thu hồi khác nhau thì áp dụng giá đất có lợi cho người bị thu hồi.
Trường hợp bồi thường chậm do người bị thu hồi đất gây ra, nếu giá đất tại thời điểm bồi thường thấp hơn giá đất tại thời điểm có quyết định thu hồi thì bồi thường theo giá đất tại thời điểm bồi thường. Nếu giá đất tại thời điểm bồi thường cao hơn giá đất tại thời điểm có quyết định thu hồi thì bồi thường theo giá đất tại thời điểm có quyết định thu hồi.
- Hỗ trợ ổn định cuộc sống cho nông dân (mức hỗ trợ cho một nhân khẩu được tính bằng tiền tương đương với 30 kg gạo/tháng):
Thu hồi 30%-70% diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng thì được hỗ trợ ổn định đời sống sáu tháng nếu không phải di chuyển chỗ ở và trong 12 tháng nếu phải di chuyển chỗ ở. Trường hợp phải di chuyển đến các địa bàn khó khăn thì thời gian hỗ trợ tối đa 24 tháng.
Thu hồi trên 70% diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng thì được hỗ trợ ổn định đời sống trong 12 tháng nếu không phải chuyển chỗ ở; 24 tháng nếu phải chuyển chỗ ở; tối đa 36 tháng nếu phải chuyển đến địa bàn khó khăn.
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: