Top

Nghị định 23 sau gần 3 tháng thực hiện: Nhiệm vụ "bất khả thi"?

Cập nhật 25/07/2009 09:10

Dự án cống hóa mương Phan Kế Bính (Hà Nội) bị xử phạt 30 triệu đồng do vi phạm giấy phép xây dựng. Ảnh: Chí Cường

Đã gần 3 tháng kể từ ngày 1/5/2009, Nghị định 23/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở có hiệu lực. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng mức xử phạt quá cao, không sát thực tế dẫn đến tình trạng thiếu tính khả thi...

 

Chưa thấy ai công bố (!?)

Theo Nghị định trên, với những hành vi vi phạm trong các hoạt động buôn bán tại vỉa hè, lòng đường, buôn bán vật liệu xây dựng, trông giữ, rửa xe máy, ôtô, treo biển quảng cáo không đúng nơi quy định thì sẽ bị phạt tiền với mức cao nhất lên đến 30 triệu đồng. Quy định là vậy, nhưng cho đến nay, vẫn chưa thống kê được có trường hợp nào bị phạt theo mức này, dù vi phạm diễn ra là khá trầm trọng.

Anh Nguyễn Bá T, một chủ hiệu rửa xe ở đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân (Hà Nội) rất ngạc nhiên khi nghe nói đến mức phạt 30 triệu đồng nếu lấn chiếm vỉa hè để rửa xe. Anh cho biết, đây là... lần đầu nghe đến quy định này. “Thi thoảng những lúc đông khách, gia đình tôi có... xâm lấn vỉa hè ít phút nhưng thường là bị công an, trật tự phường nhắc nhở hoặc phạt hành chính vài chục ngàn đồng, mức phạt cao như trên chưa thấy ai... công bố cả”, anh T nói.

Chủ một cửa hàng kẻ vẽ, thiết kế quảng cáo tại quận tại Hoàn Kiếm (Hà Nội) cũng “bàng hoàng” không kém khi nghe đến mức phạt này. Anh cho rằng, khi đưa ra mức phạt nếu không thực hiện nghiêm thì pháp luật bị “nhờn”, thậm chí là kẽ hở để những người thực thi vòi vĩnh. Nhưng thực hiện nghiêm thì đối tượng bị xử phạt lấy đâu ra tiền nộp phạt? “Người đi lắp đặt các biển quảng cáo lấy đâu ra tiền nộp phạt với mức cao như vậy? Quy định như thế tôi cho là không thực tế trong tình hình hiện nay”, chủ cửa hàng này băn khoăn.

Phần lớn những người dân khi được hỏi đều cho rằng, đây là “nhiệm vụ bất khả thi” với cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, xử lý. Vì thế, dù văn bản đã có hiệu lực gần 3 tháng nhưng nhiều người vẫn chưa biết, cũng không thấy lực lượng chức năng tuyên truyền, nhắc nhở.

Một số thanh tra viên xây dựng lăn lộn tại địa bàn xã, phường, quận, huyện ở Hà Nội cũng cho rằng, quy định mức phạt cao không hẳn đã hiệu quả. Các công trình vi phạm lớn về trật tự xây dựng mà hiện tại cũng chỉ phạt được đến vài chục triệu đồng, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để buôn bán, rửa xe, treo biển quảng cáo cũng phạt với mức này, xem chừng khó thực hiện. Khi người dân thấy cơ quan chức năng “bó tay” với việc phạt, sẽ “nhờn” pháp luật, đó là điều dễ xảy ra...

Phạt 500 triệu đồng - Chưa xử được ai

Theo Nghị định 23, với những hành vi vi phạm về trật tự xây dựng, nếu chủ đầu tư vi phạm, bị đình chỉ thi công mà tái phạm sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép xây dựng đồng thời xử phạt lên đến... 500 triệu đồng. Mức phạt này cao gấp 250 lần so với mức phạt cao nhất theo Nghị định 126 trước đó. Tuy nhiên, ông Phạm Gia Yên, Chánh thanh tra Bộ Xây dựng cho biết, hiện cả nước chưa có trường hợp nào bị xử phạt với mức “kịch đường tàu” như trên.

Cho đến nay tại Hà Nội, theo báo cáo của Thanh tra Sở Xây dựng, công trình chịu mức phạt cao nhất thuộc về dự án cống hóa mương Phan Kế Bính (nằm trên đường Phan Kế Bính), cũng chỉ phạt tới 30 triệu đồng, do vi phạm thi công xây dựng sai với thiết kế được phê duyệt. Cty Linh Đô ở Huỳnh Thúc Kháng (Hà Nội) thi công khoan nhồi, cọc ép dự án xây dựng tòa nhà CT1, Văn Khê, Hà Đông đứng thứ hai với mức 20 triệu đồng; Cty cổ phần Tư vấn xây dựng Sông Hồng bị phạt 10 triệu đồng... Đó là thực trạng bức tranh xử phạt để lập lại trật tự xây dựng ở Hà Nội.

Bên cạnh mức phạt thiếu khả thi thì việc kiểm tra phát hiện các lỗi vi phạm của công trình xây dựng cũng không hề đơn giản, nhất là với công trình lớn, cần chuyên môn nghiệp vụ cao (như công trình vi phạm quy hoạch theo tỉ lệ 1: 500; Công trình sai theo thiết kế bản vẽ...). Không phải thanh tra xây dựng nào cũng đọc được bản vẽ thiết kế mà tìm ra sai phạm.

Nhiều ý kiến cho rằng, với tình trạng nhộm nhoạm trong xây dựng, buôn bán kinh doanh trên vỉa hè lòng đường như hiện nay, Nghị định ra đời là rất cần thiết để thiết lập lại trật tự trong những lĩnh vực này. Việc tăng mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm, tăng thẩm quyền đối với thanh tra viên, chủ tịch phường xã, quận huyện, tỉnh thành phố cũng là rất cần thiết. Tuy nhiên, cũng cần tính đến tính khả thi của các quy định, nếu không tình hình sẽ khó được cải thiện.

 

Căn cứ vào lợi nhuận, giá trị công trình để xử phạt?

Trao đổi với PV Báo GĐ&XH về việc triển khai thực hiện Nghị định 23 , ông Nguyễn Khắc Thọ - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: “So với trước đây, nhiều hành vi như: Sử dụng vỉa hè, lòng đường để họp chợ; Buôn bán vật liệu xây dựng, rửa hoặc sửa chữa ôtô, xe máy, trông giữ xe đạp, xe máy, ôtô trên hè phố, lòng đường; Đặt treo biển quảng cáo... không đúng quy định, không có giấy phép đều bị xử phạt nặng. Mức phạt lên đến 30 triệu đồng có tác dụng răn đe, nhưng rất khó thực hiện vì hoàn cảnh kinh tế của dân có hạn”.

Chánh thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội Lê Quang Phú đề nghị: “Nên đưa ra mức phạt căn cứ vào giá trị công trình vi phạm hoặc lợi nhuận thu được từ công trình đó để xử phạt. Phạt đến 500 triệu đồng nhưng lợi nhuận công trình đó hàng chục tỉ đồng thì vẫn không đủ sức răn đe. Nhiều nơi chủ đầu tư sẽ chấp nhận chịu phạt vì lợi nhuận thu được cao hơn nhiều mức phạt, nhất là với những công trình không phá dỡ được. Ngược lại, những công trình không mang lại lợi nhuận thì mức phạt đó lại khó mà khiến đối tượng chịu phạt thi hành”.
 

 

- Điều 11 Nghị định 23: Sau khi có quyết định đình chỉ thi công xây dựng công trình của cấp có thẩm quyền mà chủ đầu tư vẫn tái phạm thì tùy theo mức độ vi phạm, quy mô công trình vi phạm bị xử phạt từ 300.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép xây dựng (nếu có).

- Điều 45 Nghị định 23: Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000đ: Sử dụng hè, đường để họp chợ, kinh doanh dịch vụ ăn uống, bày hàng hoá, buôn bán vật liệu xây dựng, sửa chữa hoặc rửa ô tô, xe máy; Tổ chức trông, giữ xe đạp, xe máy, xe ô tô và các phương tiện cơ giới khác trên hè phố, lòng đường không đúng quy định, không có giấy phép; Đặt, treo biển quảng cáo, trang trí không đúng quy định.
 

 

 

DiaOcOnline.vn - Theo Gia Đình