Top

Năm năm mới sửa bảng giá đất?

Cập nhật 21/12/2010 08:50

Mỗi năm phải xây dựng bảng giá đất không chỉ nhà nước mệt mỏi mà người dân, doanh nghiệp cũng thấp thỏm…

“Nên xây dựng bảng giá đất theo hướng năm năm mới điều chỉnh một lần. Trong khoảng thời gian đó, nhà nước có thể điều chỉnh giá đất tại những nơi có biến động”. Nhiều đại biểu đề nghị như trên tại Hội thảo Đánh giá tình hình thực hiện các quy định của pháp luật về xây dựng bảng giá đất, đấu giá quyền sử dụng đất… do Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tổ chức ngày 20-12.

Nhiều bất cập với bảng giá đất hằng năm


Theo ông Bùi Ngọc Tuân, Cục trưởng Cục Kinh tế và Phát triển quỹ đất, nhiều nước trên thế giới xây dựng bảng giá đất theo hướng ba đến năm năm. Trong khoảng thời gian đó nếu có sự thay đổi giá đất của một khu vực hay của một loại đất thì họ điều chỉnh tại những nơi xảy ra biến động (điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, thay đổi mục đích sử dụng đất, loại đô thị, loại đường phố và vị trí đất)... Nước ta thì xây dựng bảng giá đất mỗi năm.


Làm thủ tục đóng thuế nhà đất tại chi cục thuế. Ảnh minh họa: HTD

Hệ quả của việc xây dựng bảng giá đất mỗi năm là người dân có tâm lý đợi bảng giá đất mới, trì hoãn việc chuyển nhượng. Trong khi các doanh nghiệp thì muốn bồi thường trước ngày 1-1 hằng năm để giảm bớt gánh nặng tài chính. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến việc thu hút đầu tư và thu hồi đất. Chưa hết, việc ban hành bảng giá đất hằng năm còn gây mệt mỏi và áp lực cho các sở, ngành có liên quan vào dịp cuối năm.

“Bảng giá đất công bố vào ngày 1-1 hằng năm bắt đầu được thực hiện từ tháng 6 trước để Sở Tài chính thẩm định, trình UBND rồi mới được HĐND tỉnh, thành đó thông qua. Với khoảng thời gian sáu tháng, thị trường đã có nhiều biến động… và điều bất hợp lý này là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến những khiếu nại về đất đai” - ông Tuân khẳng định.

Đại biểu Nguyễn Thế Phượng, Trưởng khoa Thẩm định giá, Trường ĐH Tài chính-Marketing, cho rằng việc xây dựng bảng giá đất hiện nay đang tách rời với chính sách đất đai. Vì vậy, Bộ TN&MT nên đặt công tác này trong tổng thể chính sách đất đai mới phát huy hiệu quả.

Quản lý còn chồng chéo

Nhiều đại biểu cũng cho rằng cơ chế quản lý, xây dựng bảng giá đất hiện nay là chưa thống nhất. Khi thẩm định giá đất các dự án theo Nghị định 69 là Sở Tài chính đảm nhận. Nhưng khi giải quyết khiếu nại liên quan đến giá đất thì do ngành TN&MT xử lý. Vì thế, ông Nguyễn Hữu Lợi, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, đề nghị nên giao hẳn cho một cơ quan thực hiện.

Ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, cũng kiến nghị, khi thực hiện xây dựng bảng giá đất theo hướng năm năm, ở các tỉnh đã có ban chỉ đạo về xây dựng giá đất mà Sở TN&MT và Sở Tài chính là thành viên thì nên bỏ bớt khâu thẩm định của Sở Tài chính để tiết kiệm thời gian.

Các đại biểu còn kiến nghị Bộ TN&MT nên xây dựng quy trình về đấu giá quyền sử dụng đất, định giá, thẩm định rõ hơn, tạo khung pháp lý cho các địa phương thực hiện…

Ông Hồng đề xuất nên cho các địa phương xây dựng bảng giá đất bằng 70% giá thị trường. Ông nói: "Nếu chúng ta không xây dựng khung giá đất bằng 70% giá thị trường thì khó có thể nói đến việc ổn định giá trong vòng năm năm. Bởi quy định điều chỉnh giá đất sát theo giá thị trường là chưa rõ mức độ sát như thế nào”.

Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý và đất đai Lê Thanh Khuyến kết luận: Bộ đang đánh giá kết quả sau sáu năm thi hành Luật Đất đai trên phạm vi toàn quốc. Qua đó, những vướng mắc không chỉ về vấn đề xây dựng giá đất, định giá đất mà kể cả những vướng mắc về các cơ chế chính sách trong bồi thường, hỗ trợ tái định cư, trong chính sách giao đất, quy hoạch sử dụng đất… Bộ sẽ ghi nhận để nghiên cứu sửa Luật Đất đai trong thời gian tới.

DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP