Top

Lập quy hoạch xây dựng dọc tuyến cao tốc Hà Nội - Vinh

Cập nhật 06/10/2009 15:50

Quy hoạch xây dựng dọc tuyến cao tốc Hà Nội - Vinh là động lực phát triển kinh tế - xã hội của cả vùng.
 

Bộ trưởng Bộ Xây dựng vừa có Quyết định số 964/QĐ-BXD ngày 2/10/2009 về việc phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch xây dựng dọc tuyến cao tốc Hà Nội - Vinh (thuộc tuyến cao tốc QL1 mới) đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.

Theo đó, tuyến cao tốc này dài 315km, sẽ kết nối không gian kinh tế của Thủ đô Hà Nội với không gian phát triển kinh tế của các tỉnh dọc tuyến cao tốc và các động lực phát triển kinh tế lớn của vùng Bắc Trung bộ như Khu kinh tế Nghi Sơn, Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An. Định hướng phát triển, kết nối các không gian đô thị, cảnh quan và hạ tầng kỹ thuật cho các đô thị và khu chức năng ngoài đô thị dọc tuyến cao tốc Hà Nội - Vinh. Tạo cơ sở khai thác tối đa và quản lý sử dụng một cách hiệu quả quỹ đất phát triển đô thị dọc tuyến. Xác định giới hạn phát triển đô thị và các khu chức năng ngoài đô thị phù hợp với định hướng về phát triển kinh tế xã hội của các tỉnh đồng thời đảm bảo sự hoạt động an toàn và hiệu quả của tuyến đường.

Không gian phát triển đô thị và khu chức năng ngoài đô thị tiếp cận với trục đường cao tốc Hà Nội - Vinh tại điểm đầu của tuyến nằm trên đường vành đai 3 Hà Nội và điểm cuối tuyến giao với QL 8 tại Hà Tĩnh. Khu vực quy hoạch thuộc phạm vi các tỉnh Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh với tổng diện tích khoảng 4.000km2.

Hiện trạng năm 2008 dân số trong khu vực nghiên cứu quy hoạch khoảng 5,6 triệu người. Dự báo đến năm 2025 dân số trong khu vực nghiên cứu quy hoạch sẽ đạt khoảng 6 triệu người, trong đó dân số đô thị trong phạm vi lập quy hoạch sẽ đạt khoảng 3 triệu người. Dự báo quy mô đất xây dựng: Quy mô đất xây dựng đô thị khoảng 60 nghìn ha. Quy mô đất xây dựng các KCN khoảng 25 nghìn ha.

Định hướng phát triển không gian dọc trục đường cao tốc: Nghiên cứu và đề xuất phương án kết nối và giới hạn phát triển của các đô thị, các khu chức năng và điểm dân cư. Đề xuất phương án khai thác quỹ đất hai bên trục đường theo từng giai đoạn. Quy hoạch hệ thống các trung tâm công cộng dọc tuyến, các khu chức năng mới. Nghiên cứu và đề xuất các điều chỉnh về định hướng phát triển của không gian đô thị do ảnh hưởng bởi sự hình thành của trục đường cao tốc. Xác định các hành lang và không gian cần nghiêm cấm hoặc giới hạn phát triển đô thị cũng như xây dựng công trình.

Tổ chức không gian kiến trúc: Xác định các vùng kiến trúc cảnh quan đô thị, đề xuất tổ chức không gian cho các khu trung tâm, cửa ngõ đô thị, các trục kết nối chính, các điểm nhấn trong các khu chức năng dọc 2 bên trục đường cao tốc. Nghiên cứu đề xuất phương án tôn tạo bảo tồn hệ thống các di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh dọc trục đường và trong phạm vi khu vực quy hoạch.

Đề xuất phương án tổ chức không gian các điểm dân cư nông thôn với mục tiêu đáp ứng yêu cầu về nâng cao điều kiện sống và giữ được bản sắc riêng.

Định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật: Chuẩn bị kỹ thuật và lựa chọn đất xây dựng: tận dụng điều kiện địa hình tự nhiên để xác định cao độ nền khống chế tại từng khu vực đô thị và khu chức năng, các trục giao thông kết nối chính. Đánh giá các quỹ đất phù hợp để phát triển đô thị, hạn chế việc lấy đất nông nghiệp để phát triển đô thị và công nghiệp.

Giao thông: Xác định mạng lưới giao thông liên kết giữa trục đường cao tốc với hệ thống đô thị và các khu chức năng, vị trí và quy mô các công trình đầu mối giao thông dọc tuyến, hệ thống đường gom... các phương án kết nối bằng phương tiện giao thông công cộng dọc tuyến.

Các công trình hạ tầng kỹ thuật khác: Nghiên cứu và đề xuất sơ bộ các giải pháp quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật... cho các khu chức năng và khu vực phát triển đô thị, điểm dân cư dọc tuyến.

Các chương trình dự án ưu tiên đầu tư: Xác định các chương trình dự án ưu tiên đầu tư nhằm tạo động lực phát triển và cơ sở để quản lý không gian dọc trục đường cao tốc.

Cơ quan tổ chức lập quy hoạch: Bộ Xây dựng. Cơ quan nghiên cứu đề xuất quy hoạch: Viện Quy hoạch xây dựng Thanh Hóa. Thời gian lập đồ án là 18 tháng sau khi nhiệm vụ được phê duyệt.


DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây Dựng