Việc giãn tiến độ thực hiện các dự án để làm giảm áp lực nguồn cung được các doanh nghiệp đồng tình. Tuy nhiên, cần có giải pháp tổng thể về thuế và tài chính mới có thể có được tác dụng trong bối cảnh này.
Một trong những giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp và thị trường bất động sản được Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đưa ra tại buổi gặp gỡ các doanh nghiệp bất động sản tại Hà Nội mới đây đó là đề xuất giãn tiến độ thực hiện các dự án bất động sản.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho rằng, trong suốt một quá trình dài, thị trường bất động sản đã phát triển một cách tự phát, thiếu tính quy hoạch, kế hoạch đã gây ra tình trạng mất cân đối giữa cung và cầu. Đơn cử, trong khi đại bộ phận người dân có mức thu nhập trung bình có nhu cầu về nhà ở diện tích nhỏ, giá rẻ thì các doanh nghiệp đua nhau xây dựng các dự án chung cư cao cấp, diện tích lớn khiến cho cung và cầu có khả năng thanh toán không thể gặp nhau.
Điều cần làm lúc này đó là có giải pháp cân đối nguồn cung và cầu, theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, trước mắt cần kiểm soát chặt nguồn cung “ảo”, không cho nguồn cung này tham gia thị trường. Có như vậy mới có thể giải quyết được lượng hàng tồn kho bất động sản đang bị ứ đọng hiện nay.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đưa ra đề xuất, những dự án bất động sản chưa giải phóng mặt bằng mà không phải là những công trình nhà ở bức thiết thì tạm dừng giải phóng. Những dự án này vẫn có thể giao cho nhà đầu tư giữ. Trong trường hợp cần thiết vẫn cho làm, không ảnh hưởng gì. Đối với những dự án đã giải phóng xong mặt bằng nhưng chưa san nền nếu rơi nhà ở bất động sản thì cũng cần phải để lại.
Trước đề xuất này của Bộ Xây dựng, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã đồng tình bởi giải phóng mặt bằng lúc này doanh nghiệp sẽ phải bỏ ra một khoản tài chính lớn để đền bù trong khi nguồn vốn khó khăn và không ổn đình. Còn với những dự án đã giải phóng xong mặt bằng thì chủ đầu tư mất khoản tiền rất lớn để đền bù và nộp tiền sử dụng đất. Vì vậy, việc giãn tiến độ cần có giải pháp tổng thể về thuế và tài chính mới có thể có được tác dụng trong bối cảnh này.
Ông Đào Tiến Dũng – Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát cho rằng, việc giãn tiến độ các dự án chưa giải phóng mặt bằng là việc làm hợp lý bởi vì chủ đầu tư chưa phải đền bù cho dân. Mặc dù để có được dự án chủ đầu tư rất vất vả, chi phí đầu tư ban đầu rất đáng kể.
Trường hợp thứ hai, dự án đã giải phóng xong mặt bằng nhưng chưa san lấp, chưa làm hạ tầng kỹ thuật có thể coi là giải pháp tốt nhưng cần phải xem xét kỹ bởi khi doanh nghiệp giải phóng xong mặt bằng tức là họ đã phải trả số tiền rất lớn. Ví dụ, tiền giải phóng mặt bằng tình bình quân 1triệu đồng/m2, giải phóng 1ha doanh nghiệp mất 10 tỷ đồng. Đây là số tiền không nhỏ với doanh nghiệp.
Theo quy định, toàn bộ số tiền bỏ ra giải phóng, san lấp và đất dùng xây nhà để bán thì đương nhiên doanh nghiệp nộp tiền sử dụng đất. Tiền sử dụng đất áp giá cho từng dự án có thể là lợi thế thương mại khác nhau trung bình 10-12 triệu đồng/m2. Nhân diện tích đất được sử dụng thì tổng số tiền sử dụng đất phải nộp là cực kỳ lớn. Nếu doanh nghiệp không nộp sẽ bị phạt. Trong khi đầu ra sản phẩm bất động sản không có mà doanh nghiệp hàng ngày vẫn phải oằn lưng trả lãi vay ngân hàng.
Ông Dũng kiến nghị, các cơ quan ban ngành xem xét cân nhắc có biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trước hết tiền sử dụng đất. Nếu doanh nghiệp chưa có tiền thì Thành phố phải chỉ đạo các cấp giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất. Bao giờ doanh nghiệp sử dụng đất, bán được hàng hóa mới phải đóng tiền.
“Chi phí tiền sử dụng đất là rất lớn nhiều doanh nghiệp sau khi giải phóng xong mặt bằng, nộp tiền sử dụng đất đã cạn tiền. Vậy mà, cùng một lúc doanh nghiệp phải nộp hết toàn bộ tiền sử dụng đất. Trong bối cảnh, tài chính doanh nghiệp cạn kiệt, vay vốn ngân hàng khó khăn Nhà nước nên hỗ trợ cho phép doanh nghiệp nộp tiền sử dụng đất từng phần. Chẳng hạn doanh nghiệp giải phóng 5ha, bán được 5ha thì chỉ phải nộp tiền sử dụng đất 5ha” ông Dũng nhấn mạnh.
Đại diện một doanh nghiệp bất động sản khác cho rằng, rất nhiều doanh nghiệp không thể tiếp cận được với nguồn vốn ngân hàng do không còn tài sản thế chấp, tài sản đảm bảo để vay vốn. Vì vậy, nhiều dự án chỉ cần vay thêm được một khoản tiền là doanh nghiệp có thể hoàn thiện và thu được dòng tiền từ khách hàng của mình. Do vậy, để hỗ trợ được doanh nghiệp, Nhà nước cần có biện pháp nào đó không đi theo nguyên tắc về tín dụng thông thường, cần có sự can thiệp ngân hàng nhà nước, đàm phán ngân hàng thương mại các doanh nghiệp, các chủ đầu tư để có giải pháp tổng thể.
DiaOcOnline.vn - Theo VnMedia
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: