Chiều 30-7, Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM đã báo cáo với lãnh đạo TPHCM quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/2.000 khu vực trung tâm hiện hữu mở rộng của TPHCM rộng 930ha bao gồm các quận 1, 3 và một phần quận 4, quận Bình Thạnh (sau đây gọi tắt là khu trung tâm).
Theo Sở Quy hoạch Kiến trúc, đồ án quy hoạch đã chuyển tải được đầy đủ tư tưởng chỉ đạo của lãnh đạo TPHCM khi đặt vấn đề lập đồ án quy hoạch đô thị tỷ lệ 1/2.000 cho khu vực trung tâm. Các tư tưởng đó là: hạn chế tăng dân số ở khu trung tâm; hạn chế phát triển công trình cao tầng ở khu vực lõi của trung tâm, chỉ tập trung phát triển cao tầng, thu hút đầu tư vào các khu vực dọc bờ Tây sông Sài Gòn; mở không gian đô thị về phía sông Sài Gòn; nối dài một số trục đường, đặc biệt là trục đường Lê Lợi từ Nhà hát TP, qua khu Ba Son để hình thành đại lộ Lê Lợi tiếp cận với bờ sông Sài Gòn; tổ chức các loại hình giao thông công cộng; giữ lại toàn bộ khu vực Công viên 23-9; bảo tồn không gian biệt thự quận 3 và tổ chức hệ thống không gian ngầm.
Một góc khu trung tâm TPHCM bên bờ sông Sài Gòn. Ảnh: THÁI BẰNG
Trên cơ sở những chỉ đạo này, khu vực trung tâm đã được chia thành 5 vùng đặc thù với các chỉ tiêu phát triển kinh tế kỹ thuật, cải tạo đô thị khác nhau. Khu vực thứ nhất là khu lõi thương mại, tài chính nằm gọn trong ranh giới quận 1 có diện tích 92,3ha; khu vực thứ hai là trung tâm văn hóa lịch sử cũng nằm gọn trong ranh giới quận 1 nhưng bao quanh trục đường Lê Duẩn có diện tích 212,2ha; khu thứ ba là khu bờ Tây sông Sài Gòn trải dài từ cầu Sài Gòn đến cầu Tân Thuận, thuộc một phần quận 1, quận 4, quận Bình Thạnh, có diện tích khoảng 248,34ha; khu thứ tư là khu biệt thự có diện tích khoảng 232,3ha nằm trong địa bàn quận 1 và quận 3; khu thứ năm là khu cận thương mại - tài chính có diện tích 117,5ha bao gồm một phần quận 1 và quận 4.
Tùy theo đặc tính từng khu, mật độ dân số, hệ số sử dụng đất từng khu sẽ khác nhau. Khu vực thương mại, tài chính, dân số dự kiến 32.000 người, hệ số sử dụng đất toàn khu 3,5, hệ số sử dụng đất trên đất xây dựng 6,6. Khu vực trung tâm văn hóa - lịch sử: 43.600 người, hệ số sử dụng đất toàn khu 1,8; hệ số sử dụng đất trên đất xây dựng 2,4. Khu vực biệt thự: 76.300 người, hệ số sử dụng đất toàn khu 2,3; hệ số sử dụng đất trên đất xây dựng 3,3. Khu vực lân cận khu thương mại, tài chính: 42.900 người, hệ số sử dụng đất toàn khu 2,6; hệ số sử dụng đất trên đất xây dựng 4,2. Khu vực bờ Tây sông Sài Gòn: 31.200 người, hệ số sử dụng đất toàn khu 2,5; hệ số sử dụng đất trên đất xây dựng 5,5.
Việc điều tiết dân số sẽ theo hướng hạn chế tăng ở quận 1, 3, 4 và bổ sung dân cho quận Bình Thạnh. Khu bờ Tây sông Sài Gòn sẽ có nhiều công trình cao tầng làm điểm nhấn kiến trúc, kết nối không gian với đô thị mới Thủ Thiêm. Tại đây sẽ hình thành dải công viên và khu vực công cộng dọc bờ sông Sài Gòn. Dành mặt đường Tôn Đức Thắng, đoạn từ Hàm Nghi đến công trường Mê Linh cho đi bộ và xe điện, chuyển giao thông cơ giới xuống đường ngầm bên dưới.
Ông Trần Chí Dũng, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc cho biết, về cơ bản, lãnh đạo TPHCM nhất trí với quy hoạch trên của Sở Quy hoạch Kiến trúc song yêu cầu sở lấy thêm ý kiến góp ý của các quận liên quan, Mặt trận Tổ quốc VN TPHCM…
* Cùng ngày, tại TP Đà Lạt đã diễn ra hội thảo khoa học quốc tế “Ý tưởng quy hoạch chung thành phố Đà Lạt đến năm 2030 tầm nhìn 2050” với sự tham gia của các nhà khoa học và chuyên gia về quy hoạch đô thị trong và ngoài nước. Tại hội thảo, các nhà khoa học đã đưa ra những ý tưởng để quy hoạch Đà Lạt phát triển theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường tự nhiên và bảo tồn di sản kiến trúc, cảnh quan đặc thù.
Quy hoạch mở rộng Đà Lạt cần gắn với các giá trị về kiến trúc, cảnh quan. Ảnh: N.VIÊN
|
Theo kiến trúc sư (KTS) Ngô Quang Hùng, Giám đốc Phân viện Quy hoạch đô thị - nông thôn miền Nam, Đà Lạt đang bị quá tải về chức năng và chịu sức ép của các dự án đầu tư. Sự phát triển dẫn đến nguy cơ mất dần bản sắc và phá vỡ cảnh quan đô thị, cảnh quan rừng dần biến mất, hồ suối chưa khai thác hợp lý, sản xuất nông nghiệp trong thành phố cũng ảnh hưởng đến cảnh quan đặc trưng của Đà Lạt.
KTS Ngô Quang Hùng đưa ra ý tưởng quy hoạch mở rộng không gian đô thị. Trong đó, đô thị hạt nhân Đà Lạt - Lạc Dương là trung tâm du lịch, nghiên cứu khoa học tầm quốc gia và quốc tế; trung tâm nghiên cứu bảo tồn đa dạng sinh học, trung tâm văn hóa - thể thao giải trí cấp vùng và quốc gia; trung tâm hành chính của tỉnh Lâm Đồng. Không gian đô thị Liên Khương - Phinôm - Thạnh Mỹ - Đức Trọng là đô thị đối trọng đô thị Đà Lạt, đô thị hiện đại, chia sẻ chức năng với đô thị Đà Lạt và các chức năng thương mại, du lịch, đầu mối giao thông. Đô thị Nam Ban và đô thị Dran có chức năng về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, du lịch làng nghề…
KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, cũng ủng hộ ý tưởng mở rộng Đà Lạt lên 3.308km² (diện tích hiện tại là 393km²), lấy theo độ cao 850m trở lên, phần lớn là đất rừng, rừng thông, mặt nước. Dân số nên ở mức 90 vạn dân, trong đó, khu trung tâm giữ mức 25 vạn (còn lại mở rộng ra các khu vực Đức Trọng, Đơn Dương…) nhằm nâng cao chất lượng và điều kiện sống, bảo tồn không gian kiến trúc, cảnh quan đặc thù.
GS-TS-KTS Hoàng Đạo Kính, nguyên Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam, cho rằng, việc mở rộng thành phố phải nối mạch giữa cái cũ và cái mới, không để đứt đoạn. Trong khi đó, KTS Thierry Huau, trưởng nhóm chuyên gia Pháp, nhấn mạnh việc quy hoạch phát triển đô thị Đà Lạt cần chú ý đến bảo tồn giá trị về kiến trúc và lựa chọn kiến trúc phù hợp cho các khu đô thị mới. Những di sản kiến trúc dù đang sử dụng dưới hình thức nào (nhà ở, công sở) cũng cần phải được tôn tạo để toát lên vẻ đẹp của nó. Việc phát triển các đô thị mới phải chọn kiến trúc phù hợp với cảnh quan, đồng thời tạo những khoảng xanh trong không gian đô thị.
KTS Thierry Huau cũng lưu ý phát triển đô thị phải cân bằng với việc bảo vệ giá trị về rừng của Đà Lạt vì thực tế quá trình đô thị hóa và sản xuất nông nghiệp đang “gặm nhấm” rừng - vốn quý của Đà Lạt.
DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: