Đầu năm nay, giá thép tăng mạnh, không ít DN xây dựng lao đao. |
Kể từ ngày 1/7/2010, khi giá nhiên liệu, vật tư, thiết bị do Nhà nước áp dụng biện pháp bình ổn giá theo quy định của Pháp lệnh Giá có biến động bất thường, hoặc khi Nhà nước thay đổi chính sách về thuế, tiền lương ảnh hưởng trực tiếp đến giá hợp đồng, thì được điều chỉnh đơn giá hợp đồng xây dựng (HĐXD). Đây là nội dung chính của Nghị định 48/2010/NĐ-CP mà Chính phủ vừa ban hành.
Đẩy nhanh tiến độ các công trình
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Trần Văn Sơn cho biết, ngành xây dựng có đặc thù là người mua chọn người bán thông qua đấu thầu cạnh tranh hoặc chỉ định thầu. Việc cam kết quyền và nghĩa vụ của bên mua và bên bán sản phẩm xây dựng công trình rất phức tạp, không thể thỏa thuận bằng miệng. Thế nhưng, việc quản lý HĐXD ở Việt Nam lại có nhiều bất cập. Hệ quả là, khi nền kinh tế rơi vào lạm phát, nhiều loại vật liệu trượt giá, việc điều chỉnh giá trị hợp đồng rất khó khăn, dẫn đến công trình chậm tiến độ.
Trong các năm 2007 - 2008, nền kinh tế rơi vào lạm phát cao, giá vật liệu xây dựng biến động lớn. Có những loại vật liệu trượt giá đến 300% mà HĐXD không được điều chỉnh, khiến DN gặp nhiều khó khăn. Đầu năm nay, giá thép tăng mạnh, không ít DN xây dựng lao đao.
Có 8 loại HĐXD xét theo tính chất công việc, bao gồm: hợp đồng tư vấn xây dựng; hợp đồng thi công xây dựng công trình; hợp đồng cung cấp thiết bị công nghệ; hợp đồng thiết kế và thi công xây dựng công trình; hợp đồng thiết kế và cung cấp thiết bị công nghệ; hợp đồng cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình; hợp đồng thiết kế - cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình; hợp đồng tổng thầu chìa khóa trao tay.
Có 5 loại HĐXD xét theo giá hợp đồng, bao gồm: hợp đồng trọn gói; hợp đồng theo đơn giá cố định; hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh; hợp đồng theo thời gian; hợp đồng theo tỷ lệ phần trăm. |
Nếu tiếp tục triển khai thì nhà thầu thua lỗ, mà bỏ dự án thì DN có thể phá sản. Chính vì thế, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra quyết định hỗ trợ. Nhưng chỉ những dự án có hiệu quả kinh tế thì mới được hỗ trợ, còn không, thì phải tạm dừng. Việc chậm tiến độ công trình xây dựng không chỉ gây thất thoát cho Nhà nước, mà còn làm giảm tính cạnh tranh của các DN xây dựng trong nước.
Để khắc phục tình trạng trên, nhằm đẩy nhanh tiến độ các công trình, Nghị định 48/2010/NĐ-CP đã quy định, HĐXD thuộc các dự án đầu tư xây dựng có sử dụng 30% vốn nhà nước trở lên được điều chỉnh khi giá cả nguyên vật liệu có biến động bất thường. Theo đó, việc điều chỉnh giá và điều chỉnh HĐXD áp dụng trong thời gian thực hiện hợp đồng theo hợp đồng đã ký. Khi điều chỉnh giá và HĐXD không làm vượt tổng mức đầu tư được phê duyệt thì chủ đầu tư được quyết định điều chỉnh. Đối với hợp đồng trọn gói thì chỉ được điều chỉnh hợp đồng cho những khối lượng công việc bổ sung ngoài phạm vi hợp đồng đã ký.
Giải quyết tranh chấp tại tòa án
Nghị định 48 cũng quy định rõ, việc điều chỉnh giá hợp đồng chỉ áp dụng đối với hợp đồng theo đơn giá cố định, đơn giá điều chỉnh và hợp đồng theo thời gian. Cụ thể, khối lượng công việc phát sinh lớn hơn 20% khối lượng công việc tương ứng ghi trong hợp đồng, hoặc khối lượng phát sinh chưa có đơn giá, thì các bên thống nhất xác định đơn giá mới theo nguyên tắc thỏa thuận trong hợp đồng về đơn giá cho khối lượng phát sinh. Nếu khối lượng công việc phát sinh nhỏ hơn hoặc bằng 20% khối lượng công việc tương ứng ghi trong hợp đồng thì áp dụng đơn giá ghi trong hợp đồng.
Đối với hợp đồng theo đơn giá cố định và hợp đồng theo thời gian, thì khi giá nhiên liệu, vật tư, thiết bị do Nhà nước áp dụng biện pháp bình ổn giá, hoặc khi Nhà nước thay đổi chính sách về thuế, tiền lương ảnh hưởng trực tiếp đến giá hợp đồng sẽ được điều chỉnh đơn giá nếu được phép của cấp quyết định đầu tư và các bên có thỏa thuận trong hợp đồng. Quy định này tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư trong việc đối chiếu quy định để thực hiện việc điều chỉnh giá hợp đồng phù hợp, tránh tình trạng biến động giá cả làm đình đốn hoạt động xây dựng.
Ở một góc độ khác, ông Phạm Văn Khánh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, đến nay, các DN xây dựng trong nước vẫn chưa thể thắng thầu trong các dự án vốn ODA. Ngay cả những dự án vốn trong nước, chúng ta cũng đã phải tạo ra một số rào cản kỹ thuật để hạn chế sự tham gia, cũng như sự thành công của nhà thầu nước ngoài.
Chính vì vậy, theo ông Khánh, Nghị định 48 về hợp đồng trong hoạt động xây dựng mà Chính phủ vừa ban hành, ngoài mục quy định về điều chỉnh giá hợp đồng, vốn là quy định quan trọng nhất trong HĐXD, còn có thêm mục trách nhiệm giữa các bên tham gia nếu vi phạm hợp đồng, hay mục giải quyết tranh chấp trong HĐXD. "Những quy định này được nêu rất rõ ràng và có tính pháp lý cao. Vì vậy, khi tranh chấp trong HĐXD xảy ra, nếu các bên xử lý không nghiêm túc và thỏa đáng thì người ta sẽ phải dắt nhau ra toà", ông Khánh nói.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư Chứng Khoán
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: