UBND TP Hà Nội vừa có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét việc cho hơn 200 dự án công trình xây dựng nhà cao tầng tại 4 quận nội thành được tiếp tục xây dựng.
Tiếp tục triển khai các dự án cao tầng trong nội thành
Ngày 9/12/2009, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ số 348/TB-VPCP: "...Yêu cầu UBND TP Hà Nội chỉ đạo dừng ngay việc phá các nhà biệt thự cũ và xây dựng các tòa nhà cao tầng tại khu vực trung tâm. Đối với các khu chung cư cũ, khi cải tạo cần thực hiện chủ trương bảo đảm nghiêm ngặt các yêu cầu quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng đô thị như: Mật độ xây dựng, tỷ lệ đất dành cho giao thông, cây xanh... để từng bước hoàn thiện văn minh đô thị hiện đại."
Ngay sau đó, UBND TP Hà Nội đã có văn bản yêu cầu dừng các dự án xây nhà cao tầng trong nội thành. Tuy nhiên, chỉ ít lâu sau, UBND TP lại có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ nới lỏng "lệnh cấm" với lý do trước thời điểm ngày 9/12/2009, nhiều dự án đang thực hiện, "nếu dừng lại không cho triển khai thực hiện sẽ gây lãng phí, thiệt hại không nhỏ về tài chính và phát sinh phức tạp xã hội...".
Tháng 6/2010 Hà Nội rà soát trong 4 quận nội thành cũ (khoảng 3.400ha), có 223 dự án nhà cao tầng đang triển khai đã bị đình lại, cụ thể quận Đống Đa (91 dự án), Ba Đình (60 dự án), Hai Bà Trưng (53 dự án) và Hoàn Kiếm (19 dự án).
Phát triển kinh doanh BĐS, các toà nhà cao tầng nội thành tràn lan không quan tâm nâng cấp hạ tầng dẫn đến tắc đường ngập nước ngày một trầm trọng . Nhà cao tầng còn là cỗ máy ngốn điện khủng khiếp - Hà Nội lại sắp thêm một nguy cơ mới. |
Ngày 11/6/2010, trong văn bản 4280, gửi Thủ tướng Chính phủ, UBND TP Hà Nội đề xuất cách giải quyết đối với 223 dự án trên theo 3 loại khác nhau:
Loại một có 60 dự án, kiến nghị cho tiếp tục triển khai ngay do phù hợp quy hoạch, đã hoàn tất đầy đủ các thủ tục về tài chính, đất đai, quy hoạch - kiến trúc, đầu tư... được đánh giá là mang tính bức thiết trong phát triển kinh tế xã hội của Thành phố.
Loại hai có 120 dự án, kiến nghị cho hoàn thiện hồ sơ pháp lý và tiếp tục triển khai phù hợp quy hoạch và đang hoàn thành thủ tục đầu tư xây dựng.
Loại ba là các dự án còn lại, tiếp tục xem xét rà soát, đảm bảo định hướng phân vùng kiểm soát phát triển không gian khu vực đô thị trung tâm.
Trong văn bản cũng đề xuất định hướng không gian: cao tầng từ phía ngoài vào trong, phát triển (các công trình cao tầng) theo các trục giao thông lớn vành đai và xuyên tâm, các nút giao thông, các điểm nhấn... Như vậy công trình cao tầng trong 4 quận nội thành cũ có thể xem xét, cấp phép xây dựng không dừng lại ở con số vài trăm.
Nội thành Hà Nội cũ đang thiếu hụt các hạng mục nào?
Các công trình cao tầng xây dựng trong khu nội thành Hà Nội cũ, vốn được quy hoạch cho số dân và các công trình hạ tầng kỹ thuật hạn chế gia tăng áp lực mọi mặt đã được khẳng định trong nhiều năm nay. Lịch sử phát triển đô thị Hà Nội, nhiều sơ đồ quy hoạch lập tại các giai đoạn khác nhau nhưng đều có nội dung thống nhất là hạn chế xây dựng công trình cao tầng tại khu vực 4 quận nội thành.
Bản Quy hoạch chung Hà Nội được phê duyệt tại quyết định 108/1998/1998/QĐ-TTg (có hiệu lực cho đến nay) đã nêu rõ đây là khu vực hạn chế phát triển với giải pháp cụ thể là hạn chế chiều cao với các công trình xây dựng mới trong khu phố cũ...
Thực tế Hà Nội trong vài năm qua đã chứng minh việc xây dựng tràn lan các công trình cao tầng trong nội thành cũ (nhà ở, văn phòng hay dịch vụ ..) đã gây quá tải khả năng đáp ứng hạ tầng kỹ thuật như giao thông, cấp điện, thoát nước, thiếu hụt hạ tầng xã hội: trường học, nhà trẻ, bệnh viện, cây xanh, nghỉ ngơi vui chơi công cộng...
Quy hoạch HN-2030: Những nghiên cứu về giảm áp lực cư trú nội đô hay bảo vệ di sản kiến trúc phù hợp với hạ tầng đô thị sẽ bị phá vỡ nếu không hạn chế xây dựng công trình cao tầng trong 4 quận nội thành cũ. Ảnh: Trần Đình Tiến (chụp tại Triển lãm Quy hoạch thủ đô). |
Bản Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến 2030 tầm nhìn 2050 (gọi tắt là QH -2030) đang hoàn thiện giai đoạn cuối, theo kế hoạch sẽ trình duyệt trong 1-2 tháng tới cũng nhấn mạnh nội dung hạn chế tiếp tục chất tải lên khu vực trung tâm đô thị (hiện có 1,2 triệu người) , đưa các giải pháp nhằm khống chế số dân còn lại 0,8 triệu.
Đặc biệt tại quận Đống Đa, nơi mật độ 36.700 người/km2, cao gấp 60 lần Ba Vì (600 người/km2). Thậm chí cao hơn gấp 5 lần Hồng Kông (6.500người/km2) - nơi mật độ dân số cao nhất nhì thế giới! - Vậy mà Hà Nội vẫn tiếp tục kiến nghị cho tiến hành tiếp các thủ tục cho 91 công trình cao tầng tại quận này.
Cũng như tại 3 quận còn lại, đề xuất của Hà Nội đẩy các vấn nạn thiếu hụt hạ tầng kỹ thuật và xã hội đô thị vốn đã trầm trọng đến chỗ bế tắc.
Câu hỏi đặt ra là tại sao trong thời điểm còn ít ngày tới bản QH-2030 sẽ được chính thức phê duyệt , tại sao Hà Nội lại đề xuất phương án không phù hợp với giải pháp tái cấu trúc khu vực 4 quận nội thành cũ của bản QH -2030 và các nghiên cứu trước đó?
Lý do các công trình này có vị trí ".... bức thiết trong phát triển kinh tế xã hội của Thành phố" và "nếu dừng lại không cho triển khai thực hiện sẽ gây lãng phí, thiệt hại không nhỏ về tài chính và phát sinh phức tạp xã hội...". Thì thực chất các dự án cao tầng nội đô mà hầu hết có chức năng kinh doanh bất sản sẽ đóng góp cụ thể những hạng mục nào nhằm cải thiện nâng cấp hạ tầng kỹ thuật và xã hội cho khu nội đô , nâng cao"....tỷ lệ đất dành cho giao thông, cây xanh... để từng bước hoàn thiện văn minh đô thị hiện đại." như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong Thông báo số 348/TB-VPCP.
Dẫn lời của một nhà nghiên cứu đô thị lão thành "Hà Nội có rất nhiều câu hỏi khó, nhưng khó mấy cứ hỏi nhân dân là xong ". Vấn đề có hay không tiếp tục xây nhà cao tầng trong 4 quận nội thành cũ cũng vậy: Hà Nội chỉ cần công khai công bố các dự án: vị trí, quy mô, diện tích, chức năng, các khoản đã đầu tư dở dang... Chắc chắn sẽ có nhiều sáng kiến đưa ra, vừa tạo sự đồng thuận vừa thực hiện đúng quy trình bắt buộc của Luật Quy hoạch, đó là công khai Quy hoạch.
DiaOcOnline.vn - Theo Địa Ốc TTO
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: