Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng kiên quyết không giải quyết giao đất, cho thuê đất đối với các trường hợp không có trong quy hoạch sử dụng đất, xử lý các trường hợp đã giao đất, cho thuê đất nhưng không sử dụng hoặc sử dụng sai mục đích.
Không ít khu "đất vàng" hiện nay đang thuộc quyền quản lý của các tổ chức, doanh nghiệp lớn nhưng không được đưa vào sử dụng. |
Đó là một nội dung quan trọng trong báo cáo trả lời chất vấn của đại biểu về công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, việc giao đất, cho thuê đất, xử lý các vi phạm của các tổ chức sử dụng đất, vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường gửi đến các vị đại biểu Quốc hội.
Cơ quan này cho biết, trong quá trình lập thẩm định về quy hoạch sử dụng đất, Bộ đã yêu cầu các địa phương quản lý, sử dụng đất theo đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Rà soát việc thực hiện chuyển đổi mục đích đất nông nghiệp, đất trồng lúa và các loại đất khác theo đúng quy định của pháp luật.
Về việc rà soát tình hình quản lý, sử dụng đất tại các dự án chậm triển khai thực hiện, để đất hoang gây bất bình trong dư luận, đặc biệt là các dự án có sử dụng đất tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương (Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và Tp.HCM), Bộ đã chỉ đạo UBND các tỉnh tăng cường kiểm tra giám sát việc sử dụng đất sau khi đã giao cho thuê, đảm bảo thực hiện dự án đúng tiến độ; đồng thời kiểm tra, đánh giá năng lực nhà đầu tư trước khi thực hiện việc giao đất, cho thuê đất:
Bộ cũng đã tổ chức cuộc họp với lãnh đạo các sở tài nguyên và môi trường để chỉ đạo, đôn đốc việc rà soát tình hình quản lý, sử dụng đất tại các dự án và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ một số nội dung quan trọng, gồm:
- Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị hoặc giao Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành văn bản đôn đốc, hướng dẫn địa phương xử lý việc thu hồi đất đối với các dự án đầu tư do chậm đưa đất vào sử dụng tại các địa phương.
- Trường hợp chủ đầu tư không còn khả năng thực hiện dự án đầu tư thì phải tiến hành thu hồi đất, trước hết chọn thu hồi đất đối với những trường hợp chậm sử dụng đất gây bức xúc trong nhân dân, đất đã được giao đất, cho thuê không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất nhưng có lợi thế thương mại để giao cho tổ chức phát triển quỹ đất quản lý, đưa ra đấu giá quyền sử dụng đất. Sau khi đấu giá quyền sử dụng đất đã thu hồi xong sẽ hoàn trả tiền cho nhà đầu tư.
- Cơ quan chức năng cũng kiên quyết không cho thành lập mới hoặc mở rộng các khu công nghiệp nếu không bảo đảm các yêu cầu: phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển khu công nghiệp đã được duyệt; tổng diện tích đất công nghiệp của các khu đã được thành lập trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã cho các dự án đăng ký đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư thuê đất, thuê lại đất (lấp đầy) dưới 60%.
- Thủ tướng và các cơ quan thẩm quyền không xét duyệt quy hoạch mới các cụm công nghiệp nếu không bảo đảm đủ các điều kiện: có trong quy hoạch phát triển cụm công nghiệp đã được duyệt và các yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật, bảo vệ môi trường. Kiên quyết không cho phép mở rộng các cụm công nghiệp nếu tỷ lệ lấp đầy đạt dưới 60%.
- Liên quan đến việc chỉ đạo các địa phương kiên quyết xử lý đối với các tổ chức có vi phạm, Bộ cho biết sẽ đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và kiên quyết xử lý những sai phạm, thu hồi đối với đất sử dụng không đúng mục đích, kém hiệu quả.
Báo cáo của Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) mới đây cho biết, hiện trụ sở làm việc của cơ quan Nhà nước và cơ sở hoạt động chiếm khoảng 1,5 tỷ m2, tương đương 594.000 tỷ đồng và hơn 100.000m2 nhà với tổng giá trị khoảng 138 tỷ đồng. Tính theo giá trị, số, nhà đất thuộc sở hữu nhà nước tại các cơ quan, đơn vị, tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước hiện chiếm tới 97,2% giá trị tài sản DN Nhà nước.
Tính riêng, doanh nghiệp Nhà nước đang quản lý, sử dụng khoảng 155 triệu m2 đất, trong đó có những vị trí đắc địa, có giá trị thương mại cao nhưng chủ yếu chỉ làm chức năng văn phòng đại diện, không tương xứng với nhiệm vụ theo mô hình tổ chức mới của các bộ. Một bộ phận đất đai, trụ sở làm việc của các cơn quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp bị sử dụng lãng phí, sai mục đích cho thuê, cho mượn, bố trí làm nhà ở, sử dụng để kinh doanh, dịch vụ sai mục đích được giao, thậm chí bỏ trống dẫn đến thất thoát tài sản nhà nước.
Còn theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, qua đợt thanh tra rà soát mới đây của cơ quan này cho thấy, cả nước có 5.828 tổ chức vi phạm với diện tích hơn 73.992 ha, trong đó có 1.945 tổ chức vi phạm với tổng diện tích vi phạm là 18.048,37 ha; có 21 tổ chức chính trị vi phạm với diện tích 308,24 ha; có 521 cơ quan nhà nước vi phạm về đất với diện tích 2.480,47 ha; có 10 tổ chức vi phạm về đất với diện tích vi phạm 42,63 ha.
Hồi tháng 8/2012 vừa qua, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng đã yêu cầu UBND thành phố Hà Nội tiếp tục có các biện pháp quản lý và xử lý kiên quyết, dứt điểm các trường hợp vi phạm về đất đai trên địa bàn. Trong đó, Phó thủ tướng nhấn mạnh thành phố phải kiên quyết xử lý tình trạng các khu "đất vàng" bị bỏ hoang từ nhiều năm nay trên khắp các địa bàn của Hà Nội và các tiêu cực diễn ra xung quanh việc quản lý những khu đất này.
DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: