Hậu quả này tất yếu xảy ra khi thủ tục cấp giấy hồng bị kéo dài với nhiều đòi hỏi không hợp lý.
Sau bài cấp giấy hồng mới: Cải “lùi”, khổ dân nhiều bạn đọc gọi điện thoại cho biết: Thời hạn cấp đổi giấy hồng ít khi là 15 ngày như báo đã nêu mà đa phần đều bị trễ hẹn. Cá biệt có trường hợp nộp hồ sơ hơn tám tháng vẫn chưa đâu vào đâu. Điều này đồng nghĩa với việc người dân buộc phải “án binh bất động”, tiếng là có nhà đất nhưng lại không thể thế chấp, mua bán, giao dịch…
Tưởng đơn giản
Không kể các loại giấy cấp sau giải phóng, tính từ năm 1994 (thời điểm có Nghị định 60) đến nay đã có… bốn mẫu giấy chứng nhận nhà đất! Ngại xáo trộn, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản năm 2009 (quy định việc cấp giấy hồng mới) tiếp tục thừa nhận giá trị các giấy cấp theo quy định cũ và không buộc người dân phải đổi sang giấy hồng mới. Trường hợp muốn cấp đổi thì người dân không phải tốn lệ phí.
Quy định có tính kế thừa vậy thoạt xem cũng ổn. Tuy nhiên, luật này lại yêu cầu người nhận chuyển nhượng nhà đất phải xin cấp giấy mới. Có thể nhà làm luật muốn tiến dần đến sự thống nhất các loại giấy tờ nhà đất để dễ quản lý. Song quá trình triển khai chệch choạc, thiếu nhất quán của các đơn vị trực thuộc đã khiến người dân “thất điên bát đảo” với giấy mới.
Hóa ra nhiêu khê
Đầu tiên là việc lập bản vẽ nhà đất. Trừ những trường hợp có giấy hồng cấp theo Nghị định 90/2006 hoặc theo Nghị định 88, các trường hợp có giấy hồng theo Nghị định 60/1994 hoặc các giấy tờ hợp lệ khác (hay gọi là giấy trắng) thường bị buộc làm lại bản vẽ mới. Lý do được nại ra: Tiêu chí về bản vẽ của Nghị định 60 không giống với Nghị định 88.
Đáng nói là UBND TP.HCM đã có hướng dẫn đại ý “đối với những hồ sơ có giấy chứng nhận cũ, nếu đủ điều kiện được cấp giấy thì quận, huyện căn cứ vào giấy tờ, tài liệu có trong hồ sơ để thể hiện trên giấy chứng nhận mới. Thông tin nào thiếu thì để trống chứ không yêu cầu người dân nộp bản vẽ mới” (Văn bản 6414 ngày 7-12-2009). Sau đó, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cũng đã có Văn bản 8980 ngày 9-12-2009 hướng dẫn cách xử lý đối với trường hợp giấy chứng nhận cũ thể hiện số tờ, số thửa không theo bản đồ địa chính… Vậy sao các quận, huyện vẫn còn yêu cầu người dân nộp bản vẽ mới? Thực trạng này đã được Sở Tài nguyên và Môi trường chấn chỉnh thế nào: hoặc chưa chỉ đạo gì, hay đã chỉ đạo nhưng trên nói dưới không nghe?
Theo chúng tôi, dù là tình huống nào thì Sở cũng nên khắc phục dứt điểm việc này trong thời gian sớm nhất. Bởi giấy nào thì cũng là nhà nước “đẻ” ra. Nếu muốn làm lại theo tiêu chí mới, các quận, huyện cần chủ động chỉnh sửa bản vẽ để cấp bằng được giấy mới cho dân.
Kế đến là việc niêm yết hồ sơ cấp giấy, có cần thiết thực hiện việc này hay không khi nhà đất đó trước đây đã được niêm yết và được xác nhận không có tranh chấp? Giờ UBND các quận, huyện có nhất thiết phải ôm đồm việc này đến mức kéo rê hồ sơ khi tranh chấp chưa xảy ra và nếu có thì đã có tòa án giải quyết?
Thiệt đơn, thiệt kép
Nhiều hậu quả đã phát sinh từ việc cải “lùi” quy định cấp giấy hồng mới và có nhiều thiệt hại không dễ cân đong đo đếm.
Dễ thấy nhất là sự hao tốn tiền của, công sức khi phải làm lại bản vẽ mới với chi phí đo vẽ 2.000 - 10.000 đồng/m2; phải tới lui nhiều nơi để chỉnh sửa bản vẽ, niêm yết hồ sơ… Đối với chính quyền thì là hao tốn giấy mực, sức lực do phải làm nhiều giấy để cấp cho nhiều chủ sở hữu.
Kế đó là sự hao tốn thời gian cho cả hai phía là người dân và chính quyền. Vì nếu trước đây chỉ cần bảy ngày là được đăng bộ thì nay người mua nhà đất phải mất từ một đến bốn, năm tháng mới có giấy hồng. Tương ứng, thời gian thụ lý, giải quyết hồ sơ của các quận, huyện cũng tăng gấp ba, bốn lần hoặc nhiều hơn. Hồ sơ chỉ có một chủ đã cực vậy, hồ sơ có nhiều đồng thừa kế càng vất vả hơn do mỗi đồng sở hữu được cấp riêng một giấy. Thay vì chỉ cần chữ ký của trưởng phòng khi đăng bộ thì nay hồ sơ phải qua nhiều nấc mới đến được dân: cán bộ trình lãnh đạo phòng, rồi lãnh đạo phòng lại trình lên lãnh đạo quận…
Bao trùm lên tất cả là những lãng phí có thể nhận thấy rõ nhưng không dễ thống kê: Đó là người dân mất cơ hội giao dịch nhà đất do phải chờ đợi giấy chủ quyền trong một thời gian quá dài. Dân thiệt hại đã đành nhưng thị trường bất động sản cũng phải chịu ảnh hưởng.
Ông Lê Hoài Trung, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM:
Không cần thiết đổi chủ là đổi giấy
Theo tôi, việc đổi giấy chứng nhận chỉ cần thiết khi miếng đất đó có sự thay đổi về diện tích. Trường hợp nhà đất không có biến động gì, chỉ thay mỗi cái tên chủ sở hữu thì không cần cấp thành một giấy mới. Hiện nay, khả năng vận hành của bộ máy hành chính nhà nước vẫn chưa đủ sức đáp ứng các nhu cầu của cuộc sống. Do đó, nên đặt ra thứ tự ưu tiên trước sau, cái gì cần mới làm để giảm chi phí cho người dân và giảm bớt áp lực cho cơ quan nhà nước.
Tôi đề nghị sở, ngành đang nắm công tác cấp giấy cần kiến nghị lên cấp trên để có biện pháp thay thế, sửa đổi các quy định pháp luật sao cho phù hợp và dễ thực hiện.
Ông Ngô Trọng Khang, Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai TP Hà Nội:
Đẻ thêm thủ tục không cần thiết
Với việc người nhận chuyển nhượng nhà đất phải đổi giấy mới, thời gian cấp giấy cho người dân đương nhiên sẽ lâu hơn do phải làm thêm thủ tục. Theo quy định cũ, văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất có thể đảm nhận việc đăng bộ. Nhưng theo quy định mới thì UBND quận, huyện mới có thẩm quyền cấp giấy. Như ở Hà Nội, riêng huyện Từ Liêm, một tháng có đến 2.000 trường hợp chuyển nhượng. Có lẽ nơi này phải có một vị phó chủ tịch chỉ chuyên ngồi ở phòng để lo chuyện ký giấy! Mà như vậy thì không thể nói là đã cải cách hành chính trong việc cấp giấy nhà đất.
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: